Nhìn lại những thành tựu đối ngoại đạt được cũng như đưa ra phân tích, đánh giá về thời cơ và thách thức với đối ngoại Việt Nam trong thời gian tới, VietNamNet có cuộc trao đổi với Đại sứ Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Cố vấn cao cấp, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển quốc tế (CSSD).
Nhìn nhận lại sự tùy thuộc
Bối cảnh thế giới năm 2022 đặt ra những thuận lợi và khó khăn như thế nào về công tác đối ngoại của Việt Nam, thưa Đại sứ?
Đó là cạnh tranh nước lớn vào phân cực chính trị, đặc biệt là cạnh tranh Mỹ -Trung, rồi thêm quan hệ Nga với EU.
Thứ hai là khủng hoảng Nga – Ukraine và những hệ lụy của nó. Cuộc khủng hoảng này không chỉ giới hạn đến an ninh và địa chiến lược ở châu Âu mà có tác động nhiều chiều đến thế giới và khu vực cả về an ninh và kinh tế. Riêng về kinh tế, là sự đứt gãy chuỗi cung ứng từ khủng hoảng năng lượng, lương thực.
Người ta còn phải nhìn nhận lại từ sự tùy thuộc lẫn nhau. Hợp tác cùng có lợi là cơ sở cho cả hòa bình lẫn kinh tế thì khi có khủng hoảng xảy ra lại trở thành lệ thuộc. Cần phải đa dạng hóa ra sao để tránh sự phụ thuộc, kể cả đó là nguồn cung năng lượng, lương thực hay là những lĩnh vực khác.
Thứ ba là dịch bệnh. 2022 có những tín hiệu thuận lợi, nhất là nửa sau của năm về việc có thể kiểm soát được dịch Covid-19. Nhưng trên thực tế những hệ lụy của dịch bệnh còn rất lớn. Đó là thời gian rất dài ngưng trệ về sản xuất và đời sống xã hội, khiến nhiều nước phải đưa ra các gói kích cầu để đầu tư, phục hồi sản xuất.
Nhìn lại năm qua trên thế giới thì lạm phát gia tăng, đứt gãy chuỗi cung ứng, bất ổn trong kinh tế vĩ mô, chọn lựa khó khăn giữa kiểm soát lãi suất với bảo đảm phục hồi, kiểm soát lạm phát. Chưa kể còn là sự chuyển dịch địa chiến lược, nhất là cạnh tranh nước lớn, về khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Nhưng thách thức lại đan xen cơ hội và không tách biệt nhau. Trong mỗi vấn đề nảy sinh đều có những cơ hội. Ví dụ, cạnh tranh nước lớn gia tăng thì phức tạp là sức ép chọn bên nhưng đồng thời các nước lớn lại gắn kết với khu vực, tạo điều kiện cho Việt Nam và Đông Nam Á thúc đẩy hợp tác với các đối tác. Nhiều sáng kiến về hợp tác đưa ra như hợp tác về chính trị, an ninh, kinh tế. Và lựa chọn thế nào để không bị kẹt vào bẫy cạnh tranh.
Ngoài ra là thách thức về biến đổi khí hậu rất lớn. Chúng ta cũng đặt ra những cam kết rất cao để bảo đảm môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Nhưng cùng với đó là sự xuất hiện của những ngành kinh tế mới, tài chính xanh, đầu tư xanh, năng lượng xanh, hạ tầng xanh.
Tiếp đến là dịch bệnh, cuộc khủng hoảng an ninh quân sự dẫn đến đứt gãy hoặc dịch chuyển chuỗi cung ứng. Nếu đảm bảo những chuỗi cung ứng chất lượng tốt, thì đó lại là cơ hội.
Hay là cách mạng khoa học công nghệ đặt ra các yêu cầu rất lớn về chuyển đổi số và nếu tụt hậu thì sẽ tụt hậu rất dài so với các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây. Nhưng bắt kịp lại là cơ hội.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam có những điều kiện thuận lợi để vừa kiểm soát được những thách thức, vừa tranh thủ được nhiều cơ hội. Chẳng hạn ta tập trung vào ứng phó với đại dịch, tranh thủ được vắc xin, từ đó mở cửa sớm để tận dụng các nguồn lực bên ngoài, thúc đẩy quan hệ bên ngoài mà trước hết là kết nối lại các chuỗi cung ứng.
Chúng ta có một loạt quan hệ với các nước ở khu vực, thế giới và đối tác chủ chốt cả về chính trị, an ninh và kinh tế. Phát huy các thỏa thuận về thương mại tự do với các nước và khu vực lúc này là cơ hội. Cam kết chuyển đổi số, chuyển đổi xanh của chúng ta rất lớn. Nếu thực hiện tốt sẽ tranh thủ được những nguồn lực lớn cho phát triển ở một tầng nấc cao hơn.
Vào lúc này càng phải phát huy độc lập, tự chủ hội nhập, đa dạng hóa, đa phương hóa; nhấn mạnh luật pháp quốc tế, lợi ích quốc gia ra sao để chúng ta không bị kẹt vào bẫy cạnh tranh nước lớn mà vẫn có thể chơi được với họ, để tranh thủ cả về môi trường an ninh lẫn môi trường cho phát triển.
Chủ động thúc đẩy đối ngoại tiên phong
Theo ông, thành tựu đối ngoại của Việt Nam trong năm 2022 là những gì?
Chúng ta bước đầu kiểm soát được đại dịch, đây là cơ sở rất quan trọng cho đối ngoại Việt Nam. Từ thích ứng, ta chủ động thúc đẩy đối ngoại với vai trò tiên phong nhằm tạo ra môi trường hòa bình, phục vụ cho an ninh và phát triển của đất nước.
Chúng ta đã triển khai đồng bộ các hoạt động đối ngoại cấp cao và ở mọi cấp, đặc biệt là với những đối tác chủ chốt để tạo ra những khuôn khổ hợp tác lâu dài, ổn định về mặt chính trị, từ đó tạo thuận lợi cho các mặt khác. Rất nhiều nước đánh giá cao vai trò của Việt Nam.
Chúng ta đã ứng xử tốt trong quan hệ với các nước lớn và với khu vực để xử lý vấn đề cạnh tranh nước lớn và các phức tạp nảy sinh một cách phù hợp với luật pháp quốc tế và hiến chương LHQ cùng với chính sách nhất quán về đối ngoại và lợi ích của ta.
Vậy đâu là thời cơ cũng như thách thức đối với đối ngoại Việt Nam trong năm 2023?
Có lẽ những gì phức tạp đang diễn ra trong năm 2022 như đề cập ở trên sẽ tiếp tục trong năm 2023. Trong năm qua, chúng ta nói đến địa chính trị và cạnh tranh nước lớn chắc chắn sẽ phức tạp hơn. Cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine diễn biến rất nhiều chiều mà chúng ta chưa lường trước được. Rồi về kinh tế khi thế giới bắt đầu có thể kiểm soát được lạm phát thì chuyện phục hồi sẽ ra sao? Nối lại chuỗi cung ứng và thúc đẩy các hợp tác quốc tế thế nào? Tất cả vẫn còn là ẩn số.
Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong mấy năm đại dịch dù đóng cửa nhưng đã có những biểu hiện cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn. Vậy khi năm 2023 mở cửa trở lại, hợp tác gia tăng thì rủi ro cạnh tranh cũng lớn hơn rất nhiều. Khu vực này liên quan trực tiếp đến chúng ta và ASEAN, liên quan đến môi trường hợp tác và an ninh, liên quan đến Biển Đông, Mekong…
Về cơ hội thì cũng có rất nhiều và phụ thuộc vào chính môi trường, khả năng của Việt Nam. Cạnh tranh là rất lớn, đồng thời cho phép chúng ta có thể chơi với nhiều bên và nâng tầm tiếng nói, vị trí địa chiến lược của Việt Nam và ASEAN.
Chúng ta mở cửa từ sớm, kiểm soát được dịch bệnh nên vừa nối lại được các quan hệ về chính trị nhưng đồng thời cả về kinh tế, nhất là nửa cuối năm 2022. Việc này sẽ tạo đà mới cho Việt Nam trong tiếp tục thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư.
Chúng ta cũng tranh thủ dành những nguồn lực và đầu tư chính sách cho các ngành kinh tế tương lai về số, về xanh, sạch. Nghĩa là cũng sẽ thu hút được sự đầu tư của thế giới ở lĩnh vực này.
Cơ hội luôn đan xen với thách thức. Các nước trong khu vực đều muốn đón đầu nhưng không phải ai cũng làm được. Chúng ta đã đón được một phần thì càng cần nỗ lực để đón được những cơ hội lớn hơn.
Cá nhân tôi suy nghĩ rằng, bối cảnh thế giới và khu vực trong năm 2023 sẽ tiếp tục chiều hướng phức tạp hơn rất nhiều nhưng khả năng Việt Nam sẽ ở vị trí thuận lợi hơn, có thể tranh thủ được nhiều cơ hội hơn và chúng ta cần nắm bắt những cơ hội đó.