Cuộc gặp gỡ xảy ra bất ngờ vào năm 1986. Kim Phúc và tôi, cả hai người tạm dừng Berlin đó đều cùng một lý do chung là “chuyển tiếp”.
Mới đây, trước sự phản đối của công luận rộng rãi trên thế giới, trong đó có sự bất bình của bản thân nạn nhân Phan Thị Kim Phúc, Facebook đã khôi phục lại bức hình lịch sử “Em bé Napalm” trên toàn hệ thống mạng.
Câu chuyện này khiến tôi nhớ lại kỷ niệm lần gặp gỡ với “Em bé Napalm”.
Cũng như hầu hết người Việt Nam, tôi đã “gặp” Kim Phúc lần đầu tiên qua tấm ảnh “Em bé Napalm” do Nick Út chớp vào ngày 8/6/1972.
Bức ảnh Em bé Napalm nổi tiếng của Nick Út |
Qua báo chí, tấm ảnh nhanh chóng lan ra thế giới, từng được đưa lên trang bìa tờ New York Times danh tiếng. Nỗi đau đớn và niềm thương xót mãi lưu đậm trong tâm trí mọi người về một em bé gái 9 tuổi, thân hình cháy bỏng bởi cơn bão lửa do máy bay của nhà cầm quyền Sài Gòn hồi đó gây ra trên đất Trảng Bàng (Tây Ninh).
Tôi không nghĩ sẽ có dịp gặp nhân vật thật Phan Thị Kim Phúc. Nhưng rồi, cuộc gặp gỡ xảy ra bất ngờ, vào năm 1986, khi cô 23 tuổi, 14 năm sau thời điểm ra đời tấm ảnh chấn động.
Cuộc gặp chỉ trong khoảng một giờ, tại một nơi bất ngờ. Đó là nhà nghỉ dành cho khách vãng lai người Việt của Đại sứ quán Việt Nam tại Đông Berlin, thủ đô của nước CHDC Đức; hồi bấy giờ còn gọi là Đông Đức. Kim Phúc và tôi, cả hai người tạm dừng ở đó đều cùng một lý do chung là “chuyển tiếp”.
Hồi ấy, tôi là thành viên đoàn đại biểu của quốc gia thành viên Việt Nam đi dự Đại hội đồng thường niên của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế IAEA tại Vienna (Áo). Berlin là trạm dừng chân trên hành trình của chúng tôi. “Em bé Napalm” thì đang chuyển tiếp trên đường đi du học Cuba.
Trong trí nhớ của tôi, cô thiếu nữ Kim Phúc khi ấy trông vẫn trẻ trung và khá đầy đặn ở tuổi ngoài 20, trên khuôn mặt không lộ rõ dấu vết của thời bị bom cháy Napalm, vừa chạy, vừa khóc vừa la "nóng quá, nóng quá" trên đường làng Trảng Bom. Cuộc gặp gỡ và làm quen quá đột ngột nên tôi không thể hỏi tường tận những dầu vết cháy bỏng 14 năm trước.
Ít người biết rằng sau sự kiện “Em bé Napalm”, chính phóng viên ảnh Nick Út đã đưa các cháu, trong đó có Kim Phúc vào Bệnh viện Barksy ở Sài Gòn. Vết thương quá nặng, bệnh viện không hy vọng có thể cứu sống được. Nhưng rồi cô đã vượt qua 14 tháng điều trị với 17 cuộc phẫu thuật.
Sức khỏe của Kim Phúc cũng khá dần lên. Với sự cố gắng phi thường của bản thân, gia đình và sự giúp đỡ của nhà trường, sau vài ba năm gián đoạn, cô gắng học hết lớp này đến lớp khác; cấp này sang cấp khác. Năm 1986, cô được nhận vào học Trường Y ở TP. HCM. Cũng chính trong năm này, chính phủ Việt Nam gửi cô sang Cuba theo học đúng ngành Y khoa.
Lần tôi gặp cô ở Nhà khách ĐSQVN hẳn là dịp Kim Phúc trên hành trình bắt đầu việc học ở đảo quốc Cuba, thời điểm cuộc đời cô chuyển sang những trang mới.
Cuộc gặp gỡ, chuyện trò giữa Kim Phúc và tôi chỉ diễn ra một lần duy nhất này. Sau đó, những sự kiện lớn khác xảy ra trong cuộc đời Kim Phúc, tôi chỉ biết được qua sách báo.
Tôi biết được rằng, đến tận bây giờ dù đã qua hơn 40 năm, những vết thương trên thân thể nhân vật chính của bức ảnh "Em bé Napalm" vẫn đau dai dẳng không dứt và vẫn phải tiếp tục điều trị. Năm vừa qua, cô được điều trị tại Khoa da liễu bệnh viện Miami (Mỹ) với phương pháp nhằm giúp giải thoát khỏi cơn đau buốt mỗi ngày hành hạ suốt hơn 4 thập kỷ.
Tôi cũng biết, cô từng trải qua những quãng thời gian mà “Có thể sự căm giận bên trong tôi chồng chất cao như núi. Tôi căm ghét cuộc sống. Tôi thù hận mọi người bình thường bởi vì tôi không bình thường”.
Nhưng rồi, cũng chính cô nhận ra: "Tha thứ giúp tôi quên đi lòng thù hận. Tôi vẫn còn nhiều vết sẹo trên cơ thể và mỗi ngày vẫn đau đớn vô cùng song trái tim tôi đã được thanh tịnh. Bom Napalm công phá mạnh mẽ song lòng tin, sự tha thứ và tình yêu còn lớn hơn thế. Chúng ta sẽ chẳng có chiến tranh nếu mọi người đều có thể học cách sống với tình yêu chân thành, hy vọng và sự tha thứ".
Vợ chồng Kim Phúc và hai con trai sống và làm việc ở Ontario (Canada) |
Năm 2004, Kim Phúc được Đại học York ở Toronto, Ontario, Canada trao tặng bằng Tiến sĩ Danh dự vì những nỗ lực trợ giúp trẻ em nạn nhân chiến tranh trên khắp thế giới.
Cuộc đời và số phận của “Em bé Napalm” Phan Thị Kim Phúc thực sự là một chuỗi dài kết đọng xiết bao đau đớn và bất hạnh. Nhưng cũng ở cô, người ta thấy được nghị lực sống và tìm chỗ tồn tại giữa trần gian từ đáy cùng khổ đau của người phụ nữ Việt Nam cũng thật phi thường.
Minh Trần