Quan điểm của mình: Thay vì sợ thì hãy đối mặt với chúng. Mình bắt đầu cho tiền con khi chúng vào lớp 1, hàng tuần, hàng tháng đều cho con tiền tiêu vặt, ban đầu thì nhỏ thôi, sau tăng lên để con có thể chủ động chi tiêu cho bản thân hoặc ứng phó với các tình huống khẩn cấp khi không có bố mẹ. Khi đi mua sắm dẫn con theo, tôi sẽ chỉ cho con mua đồ với giá tiền bao nhiêu là hợp lý, quản lý chi tiêu trong phạm vi tiền mình có.

Ảnh minh họa.

Lên lớp 3, các con đều tự mua sắm dụng cụ học tập, thậm chí biết hùn nhau tiền để mua thiết bị điện tử phục vụ việc học. Các con tự so sánh tính năng của thiết bị, tự góp tiền và đề nghị bố mẹ hỗ trợ khoản còn thiếu. Con tự tính mua vở bao nhiêu trang để phù hợp và tiết kiệm, tự biết lượn shopee mua những thứ hay ho để phục vụ cá nhân. Từ quần áo, ăn uống đều tính kỹ. Thỉnh thoảng còn mời bố mẹ đi ăn uống. Đi du lịch cùng bố mẹ sẽ tự chi một số khoản, ví dụ như thấy trời mưa mà đang đi bộ thì sẽ tự chạy đi mua ô, cũng biết giá bao nhiêu là hợp lý.

Khi có nhiều tiền đột xuất như được mừng tuổi hay cô dì chú bác cho tiền, con sẽ gom một khoản nhờ mẹ gửi ngân hàng. Thỉnh thoảng con lại kiểm tra xem có bao nhiêu tiền gửi tiết kiệm và thường chỉ dành cho 1 khoản cho chi tiêu. Ban đầu chị lớn giữ hết tiền và lo cho em, sau đó lại thấy em giữ tiền và lo các bữa ăn đệm giữa giờ ở trường cho chị. Có hôm em học xong về trước là vội đi mua bánh mì mang vào cho chị tiếp ca học thêm.

Những khi gia đình ra ngoài cùng nhau hoặc du lịch, mình sẽ chỉ cho con cách kiếm tiền từ mọi thứ xung quanh - điều mà mình học được khi đã qua tuổi 25.

Hồi bé con bảo sau này lớn sẽ làm Youtuber vì nghe mẹ bảo các Youtuber họ lên sóng để kiếm tiền, lên cấp 2 mong muốn là người kinh doanh tài ba. Khi con học toán bị kém và nói ghét môn toán, mẹ bảo: nếu muốn kinh doanh giỏi cần học toán tốt để nảy số nhanh, vậy là con lao vào học.

Có thể ai đó cho mình là thực dụng nhưng thực tế cuộc sống cho thấy cứ phải có tiền mới sống tốt. Bên cạnh chuyện học hành thì vẫn cần có kỹ năng. Con vua ngày xưa được rèn từ bé tí về việc cai trị đất nước, về tất cả các kỹ năng để giữ vững ngôi vị. Con bà Phương bán rau thì được rèn cách có thể kiếm tiền từ những thứ nhỏ nhất, học cách chi tiêu sao cho hiệu quả từng đồng.

Cơ hội kiếm tiền từ những bìa đậu: 1 bìa đậu như vậy giá tầm 2.000đ, anh hàng rong đem hấp lên, bổ đôi ra, phết vào đó tí sa tế, tí muối tiêu và rau răm và bán 7.000đ/chiếc. Một buổi tối anh bán vài trăm chiếc, thử nhân lên là bao tiền? Thêm nữa anh đặt tên: "đậu phụ hấp lá dứa" cùng với cái nồi bốc khói vào buổi tối khơi gợi sự tò mò, đến mình còn dừng lại ăn. Ăn cũng khá hay, nó rất bé nên hầu như ai cũng ăn vài chiếc. 

Mình thấy cần thiết cho trẻ hiểu biết thêm về cách quản lý tài chính (phù hợp với độ tuổi), biết tiêu tiền và biết kiếm tiền. Cứ có kỹ năng thì dù ở hoàn cảnh khó khăn các con cũng tự xoay sở.

Mình ngày nhỏ không biết tiêu tiền, kiếm tiền thì từ lớp 8 nhưng thực tế các kỹ năng để có thể xoay sở trong mọi tình huống thì đến gần 30 mới học được, thực sự là rất muộn. Các bạn nhà mình nhờ biết tiêu tiền từ cấp 1 mà mình rất nhàn do chúng tự lo liệu chuyện mua sắm cho cá nhân. Các con cũng rất biết tiết kiệm, chi tiêu hợp lý, không mè nheo đòi hỏi, kể cả cuộc sống riêng cũng biết sắp xếp lo toan vì mình khá bận. Các con còn biết lo cho mẹ, mẹ ốm đau tự biết đi mua thuốc và làm những gì để chăm sóc mẹ.

Việc con có tiền trong túi khiến con tự tin hơn khi ở ngoài đường, không bị phụ thuộc vào bố mẹ và không mua linh tinh. Con cũng hiểu giá trị đồng tiền và hiểu cách có thể kiếm ra tiền. Thực tế, những người nghèo khó trong xã hội là những người không nghĩ ra cách kiếm tiền trong khi cơ hội ở xung quanh chúng ta.

Cho con tiêu tiền tốt hay xấu là phụ thuộc quan điểm mỗi người. Từ bản thân mình tự rút ra kinh nghiệm nên cho con biết tiêu tiền từ nhỏ và tự hoạch định cuộc sống của mình. Dùng dao khá nguy hiểm nhưng nếu biết sử dụng thì khó để làm mình bị thương. Cái gì cũng có mặt tốt - xấu, quan trọng là hướng con đến những mặt tốt.

Hy vọng là các cô gái nhỏ của mình sẽ không bị lúng túng khi bước ra ngoài xã hội.

Các khách nhà mình rất nhiều người thành đạt nên chắc sẽ có cách giáo dục tương lai cho con tốt, có thể sẽ buồn cười mình vì dạy con những thứ li ti thế. Có câu: xuất phát điểm của con chính là bố mẹ, mình là người kinh doanh nhỏ nên chỉ dạy cho con những thứ nho nhỏ đấy, mong là các con sau này sẽ thành công hơn mẹ và sẽ dạy các cháu từ bé về đầu tư vào đâu hiệu quả chẳng hạn, hay làm thế nào để trở thành người lãnh đạo giỏi.

Phạm Thị Thanh Phương