- Câu chuyện buồn không muốn nhắc lại, tuy nhiên vào giữa tháng 6, khi mà ngày kỷ niệm báo chí cách mạng Việt Nam đang đến gần thì một người chị đồng nghiệp thân thiết của tôi đã mãi mãi ra đi…

Tôi quen chị Đặng Tuyền (bút danh Hải Đường - PV) cũng là một sự tình cờ. Đó là vào thời điểm cuối năm 2013, khi chị còn đang làm việc tại báo Đời sống và Pháp luật, là cơ quan công tác của tôi sau này.

Một ngày cuối đông, lúc này tôi vừa từ Hà Nội chuyển công tác về Hải Phòng cho gần gia đình, vợ con. Tôi gặp chị, cùng khai thác thông tin một vụ án vừa xảy ra trên địa bàn Hải Phòng. Với những người làm báo, nhìn nhau là nhận ra ngay đó là đồng nghiệp.

Lấy thông tin xong, chúng tô vô tình cùng bước vào một quán cà phê để viết bài gửi về tòa soạn. Vì mải lo nhiệm vụ cơ quan nên chẳng ai nói với ai lời nào. Khi công việc đã xong thì mới ngẩng mặt lên, cười với nhau một cái xã giao. Từ hỏi han nhau về đơn vị công tác, tuổi tác, quê quán…mối quan hệ, hai chị em dần dần trở thành đồng nghiệp thân thiết.

{keywords}
Chị Tuyền để lại nhiều kỷ niệm trong lòng đồng nghiệp, bạn bè

Cùng là những người chân ướt chân ráo về mảnh đất Hải Phòng lập nghiệp nên ban đầu, chúng tôi chẳng có mối quan hệ gì đối với các tổ chức cá nhân cả. Tất cả các đề tài báo chí đều phải tự tìm kiếm hoặc lê la dò hỏi ở quán nước chè vỉa hè.

Cũng bởi lẽ đó, hai chị em hay chia sẻ đề tài với nhau để đi làm. Hầu như ngày nào tôi và chị cũng nhắn tin, gọi điện trao đổi, đại loại như: Hôm nay có đề tài gì làm không? Không có thì chị với em lang thang đi kiếm…

Thời gian cứ thế trôi qua, từ quen biết nhau qua công việc, hai chị em trở nên gần gũi hơn. Chị Tuyền cũng từ bỏ việc xưng hô chị em một cách xã giao mà chuyển sang xưng hô mày tao. Chị bảo: Tao xưng hô như thế cho thoải mái, chứ cứ chị chị em em nó cứ gượng gạo thế nào ấy. Tôi chỉ cười. Được làm đứa em nhỏ của chị, tôi cảm thấy vui, một niềm vui nho nhỏ, đặc biệt.

Tôi và chị, những phóng viên thường trú và theo dõi địa bàn, nhiều khi phải di chuyển những quãng đườn tương đối xa. Có những kỷ niệm tác nghiệp của hai chị em mà đến tận bây giờ tôi chưa thể nào quên.

Cách đây khoảng hơn 3 năm, có một vụ trẻ em bị tử vong ở cơ sở mầm non tư nhân ngoài TP.Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Để có thông tin được đầy đủ, chính xác, hai chị em đã rủ nhau đi xe máy ra tận nơi xảy ra sự việc. Quãng đường cả đi và về hơn 200km, chúng tôi đi về trong một buổi chiều.

{keywords}
 

Thời gian đó, tỉnh Quảng Ninh chưa cấm vận chuyển than trên đường quốc lộ. Về đến nơi, cả hai mặt mày nhem nhuốc do bụi than bám vào không khác gì vừa chui từ hầm lò lên. Mệt mỏi vì đường xa, bụi bặm, làm việc với cơ quan chức năng cũng thấy phát ngại vì bộ dạng này nhưng với chúng tôi, nghề báo là vậy, chẳng ai than vãn với ai nửa câu, coi như đó là nguồn vui của đời mình.

Một lần khác, hai chị em rủ nhau đi tác nghiệp ở Hải Dương, tôi là người cầm lái trên QL5. Khi di chuyển trên đường, chị nhận thấy tôi có quãng đi xe lảo đảo, hay giật mình. Chị nói: Mày buồn ngủ hả? Có thích chết không? Đưa xe đây để tao cầm lái còn mày ra đằng sau ngồi. Tôi đành ngoan ngoãn xuống xe để chị điều khiển.

Đó chỉ là hai trong những lần chị em rủ nhau đi tác nghiệp cùng nhau, những kỷ niệm như xe bị thủng săm phải dắt bộ, va chạm giao thông, về đến nhà lúc nửa đêm, mải đi đường từ sáng đến tối chưa có gì vào bụng… thường xuyên như cơm bữa. Đến giờ kể lại, tôi cảm thấy xót xa, nhớ chị vô cùng.

Chị Tuyền là người sống tình cảm, luôn hết mình vì bạn bè. Thấy tôi khó khăn, dù chị chẳng dư dả hơn là mấy nhưng lúc nào cũng giành phần giúp đỡ. Xe tôi cọc cạch, cũ nát, chị bảo: “Tao chịu mày, xe pháo, phương tiện như thế mà mày cũng làm việc được. Thôi, lấy đồ của tao mà dùng”. Laptop tôi tậm tịt, chị cũng nhường luôn cho máy tính của chị. Vì thương tôi, chị sẵn sàng để lại đồ của chị với giá rẻ đến mức khó tin. Chị còn sẵn sàng nói tôi khi nào có tiền hãy trả, nhưng tôi nhớ rằng phải rất lâu, rất lâu sau đó tôi mới trả hết cho chị.

Thời gian thắm thoắt thoi đưa, thế rồi chị chuyển công tác sang báo Pháp luật TP.HCM. Đến đầu năm 2017, chị rời mảnh đất Hải Phòng để chuyển lên Hà Nội công tác. Tôi còn nhớ rất rõ, chị áy náy lắm vì chưa kịp có bữa cơm chia tay bạn bè, anh em đồng nghiệp. Tôi phải động viên thôi thời gian còn dài, lúc nào chị về chị em ăn với nhau bữa cơm cũng được, không phải nghĩ ngợi nhiều.

Bẵng một cái, đầu tháng 6, tôi nhận được hung tin: Chị Tuyền đã tử nạn trên sông Hồng! Tin đó như sét đánh ngang tai, tôi cùng anh chị em đồng nghiệp, bạn bè không tin đó là sự thật. Nhưng đó là sự thật và buộc chúng tôi phải chấp nhận…

Chị Tuyền ra đi khi tuổi đời còn trẻ và còn nhiều dự định dang dở cả về cuộc sống và công việc. Có lẽ điều làm chúng tôi áy náy nhất đó là con trai của chị, bé Trường Giang còn quá nhỏ, mới được 6 tuổi, chưa thể cảm nhận nỗi đau khi mất đi người mẹ vô cùng thân thiết.

Đám tang chị, gia đình, anh em, đồng nghiệp đến tiễn đưa rất đông. Mọi người đều không cầm được nước mắt trước mất mát của gia đình, thương cháu nhỏ sớm phải mồ côi mẹ, giờ đây phải sống dựa vào ông bà ngoại.

Tất cả những kỷ niệm của cá nhân tôi với chị Tuyền còn nhiều, rất nhiều, tuy nhiên, tôi chỉ có thể điểm xuyết, chắt lọc được một số thông tin đọng lại trong trí nhớ.

Chị Tuyền ơi, mong chị yên nghỉ, em tự hào khi có một người đồng nghiệp, một người chị như chị…

Đoàn Minh Sơn