- "Một thầy dạy đội tuyển đã cầm bài của tôi chì chiết, vì kiểu viết không ra gì và chữ xấu. Trưa hôm đó, tôi bị cảm, nôn thốc nôn tháo – đúng kiểu "tự bị cảm" vì sợ hãi".
Lời toà soạn: PGS. TS. Chu Cẩm Thơ đã có bài viết chia sẻ về những ám ảnh thời đi học của chính bản thân mình, cũng như kinh nghiệm chị rút ra từ đó để giúp giáo viên, phụ huynh ứng xử với trẻ. VietNamNet xin giới thiệu nội dung bài viết.
Khi bắt đầu đi học, tôi đã là một đứa trẻ đã biết đọc, biết nói leo lẻo, nhưng lại ngại phát biểu ở lớp. Tôi đã sững sờ và sợ học.
Nỗi sợ hãi và những cơn buồn nôn thời đi học
Tôi còn nhớ hình ảnh cái cửa sổ lớp học với những chấn song to đùng, rỉ sắt, cái đầu nhỏ thó của tôi có thể chui lọt. Tôi đã trèo qua cửa sổ, để thoát ra và trốn học.
Tôi ngọ nguậy suốt ngày. Chữ nghuệch ngoạc. Tôi sợ bị gọi lên bảng.
Đến bây giờ, tôi vẫn ám ảnh bởi chiếc cửa sổ. Đến nỗi, có lần ngồi ở nhà mình, nhìn chiếc cửa sổ, màu nâu nâu, tôi lại nhớ đến và òa khóc.
Mấy tháng sau, trường của tôi được chuyển đến nơi mới, khang trang. Cô giáo cũng biết tôi bị bắt nạt, nên đã đổi chỗ cho tôi, còn cho tôi làm lớp trưởng.
Từ đó, đến hết lớp 12, tôi đã luôn làm lớp trưởng, làm lãnh đạo ở giới học sinh.
Nhưng tôi đã làm những gì khi ngày đầu tiên làm lớp trưởng?
(Ảnh minh họa: Đinh Quang Tuấn) |
Tôi đã dùng cái thước, dùng cái quyền của mình để "trả thù" lại các bạn đã bắt nạt tôi. Cho đến khi, tôi biết có một vài bạn trông đầu gấu như thế, nhưng lại khó khăn vô cùng. Tôi thấy những bạn cao to hơn tôi, khỏe hơn tôi, nhưng bạn khóc, bạn sợ hãi khi bị bố dùng thắt lưng quật vào người.
|
Tôi thấy mấy bạn hùng hổ ở trường, nhưng về nhà lại không được học bài. Bạn ấy nhảy từ trên chiếc xe công nông xuống đất, nhẹ như trong phim hành động, xúc từng xẻng cát, bê cả chục viên gạch, và chỉ ăn một bát cơm không. Bạn rất khỏe, rất vui vẻ, nhưng đến giờ học là mặt tái xanh lại, co rúm trước câu hỏi của cô giáo.
Tôi, đứa bé lớp 1, lớp 2, lớp 3… dần dần thay đổi. Tôi chơi nhiều hơn với các bạn đầu gấu, quan sát nhiều hơn các bạn quá trầm tư, để ý nhiều hơn đến nỗi sợ hãi của các bạn.
So sánh thì hóa ra, chúng tôi ai cũng có nỗi sợ hãi. Học giỏi, đúng, tôi học giỏi hơn các bạn, nhưng tôi có nỗi sợ hãi riêng, đến mức, tôi đã chọn cách dựng cho bản thân hình ảnh mạnh mẽ, nhưng trong lòng lúc nào cũng có thể tràn ra những tiếng nức nở khi ở một mình.
Học giỏi thì sao? Khi bạn học giỏi rồi thì bạn lại kỳ vọng giỏi hơn nữa.
Tôi được vào đội tuyển đi thi quốc gia, lần đầu là khi tôi học lớp 5.
Tôi khi ấy, và bây giờ vẫn như thế - so với chuẩn mực của nhiều người sẽ bị xếp là "tăng động". Tôi còn nhớ, một thầy dạy đội tuyển đã cầm bài của tôi chì chiết, vì kiểu viết không ra gì và chữ xấu.
Trưa hôm đó, tôi bị cảm, nôn thốc nôn tháo – đúng kiểu của tôi "tự bị cảm". Tôi "cảm" vì sợ hãi nhận ra mình không thể đáp ứng kỳ vọng đó, mình cũng không muốn phải bị ép như vậy.
Chứng sợ hãi đến mức bị ốm đó, sau này tôi biết là có thật, là một kiểu bệnh lý. Tôi đã phải tự chữa bệnh cho mình bằng cách dám bộc lộ và dám thất bại. Bởi những người xung quanh, khi đó, dù biết rằng họ rất yêu thương tôi, nhưng họ không hiểu để giúp tôi được. Họ luôn nghĩ rằng tôi có thể làm được, chỉ cần tôi có gắng.
Nhưng tôi đã cố gắng theo một kiểu khác, tập thất bại, tập làm người khác thất vọng về mình. Tôi mỗi lần thất bại, thì chỉ buồn thôi, chứ không bị "nôn" nữa. Và nhất là, tôi lại thấy được dần dần cái cảm giác là người bình thường của mình. Nó nhẹ nhàng, và phù hợp.
Ngoan thì sao? Khi ấy, tôi nhớ mẹ tôi đã nói với bác phóng viên truyền hình rằng "Nó không ngoan đâu, nó rất hay cãi, rất thích làm theo ý mình, không nên cho nó làm gương…".
|
Tôi làm cán bộ lớp, nhưng toàn đều têu những trò ngỗ ngược. Tôi nói chuyện riêng, không mặc đồng phục, còn cổ vũ vài bạn làm theo. Lớp tôi còn truyền ra ngoài rằng mấy tuần tôi đi học đội tuyển thì yên ắng hẳn.
Tôi không thể làm theo những quy định. Nếu thầy giao một lô bài tập, tôi lọc ra những bài giống nhau và chỉ làm một bài. Chữ thì lộn xộn. Tôi chỉ thích đọc sách linh tinh, còn sách của năm sau thì đã đọc xong từ mấy năm trước rồi. Vở đi học tôi cũng không có đầy đủ.
Tôi không cho rằng phải làm đầy đủ bài tập mới tốt. Thế nên, khi kiểm tra vở các bạn, tôi cũng chẳng coi chuyện đó là cần thiết. Tôi chống lệnh của giáo viên chủ nhiệm. Mẹ tôi bảo, vì tôi như thế nên sẽ không bao giờ thành công vượt trội. Mẹ bảo tôi không cố gắng, mẹ bảo tôi sẽ giật lùi.
Có lần tôi suy nghĩ rất nhiều, đến vài ngày về việc đó. Nhất là khi tôi trượt giải quốc gia ở lớp 12 và không đạt 54 điểm ở kỳ thi tốt nghiệp để vào thẳng đại học. Nhưng sau mấy ngày viết đầy tường những khẩu ngữ, những sơ đồ so sánh. Tôi đã chọn "đi xem bóng đá" và hạ mục tiêu để tìm thấy sự yên ổn trong lòng.
Tôi không biết sự lựa chọn của mình có đúng không, rất có thể tôi đã sai, khi không thử sức mình ở những lúc khó khăn đó. Biết làm sao được, tôi sợ bị "nôn" và không ngủ được vì lo lắng. Tôi sợ phải chịu đựng một mình...
Kỷ luật mà không để lại "sẹo"
Dù là một đứa trẻ có biểu hiện tài năng, hoạt bát từ nhỏ đi chăng nữa, đứa trẻ vẫn có những sợ hãi của riêng mình. Trước những đòi hỏi, quy định của người lớn, ngay cả khi nó đáp ứng được thì cũng không hẳn nó đã vượt qua được nỗi sợ hãi đó. Nỗi sợ hãi vẫn ở trong lòng, vì nó đã xuất hiện rồi, chỉ mờ đi dần dần nếu có những thứ khác dần dần bồi lấp. Nhưng sẽ không bao giờ mất đi được đâu, vì đó là vết sẹo, ngay cả được phẫu thuật thẩm mỹ.
Vì vậy, tôi chọn cách giúp cho các giáo viên, các phụ huynh của mình không để lại sẹo cho tụi nhỏ.
Tụi nhỏ phải lớn lên, phải có trách nhiệm với chính mình, với gia đình và xã hội theo cách người ta gọi là "chủ". Do đó, chúng ta không thể nuông chiều chúng, để chúng được thỏa mãn.
Nhưng chúng sẽ không thể là ông chủ/ bà chủ tốt của chính bản thân mình, nếu chúng không có thông hiểu, đồng cảm, phản biện mà chỉ biết cúi đầu, hoặc đi đến cái đích mà người khác lập ra cho chúng.
Tôi thường làm với các học trò và huấn luyện cho các giáo viên của mình tạo ra những hợp đồng, đó là những nội quy được chúng thỏa thuận rất chi tiết, chu đáo với giáo viên. Khi được thương thảo hợp đồng, chúng sẽ hiểu kỹ về những quyền lợi, trách nhiệm, những hệ lụy khi vi phạm, để tự răn mình, tự rèn mình, tự chịu trách nhiệm về mình.
Cách kỷ luật mà không vi phạm vì cái vòng kim cô sẽ khiến chúng không bị những cơn "đau đầu" hành hạ, không phải chống trả. Còn đối với người lớn, khi thương thảo, cái chúng ta đạt được đó là sự thấu hiểu và tôn trọng chứ không phải ép buộc.
Khi tôi đã làm mẹ, làm cô giáo tôi hiểu tất cả những kỷ luật đều xuất phát từ sự yêu thương với mong muốn tụi nhỏ sẽ cứng cáp và trưởng thành. Nhưng cách biểu hiện nó và tạo ra nó thế nào mới là quan trọng.
TS. Chu Cẩm Thơ (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam)