Có lẽ trong ba năm qua, tôi đã quan tâm học trò của tôi như một “ngôi sao” mến “fan hâm mộ” hơn là một người cha quan tâm những đứa con.

{keywords}

Cách đây ba năm, khi mới ra trường, tôi được phân công chủ nhiệm lớp 6.

Tôi yêu bọn trẻ, bọn trẻ cũng rất mực yêu tôi; bên cạnh đó, mối quan hệ giữa tôi và phụ huynh rất tốt. Lúc ấy, tôi cảm thấy rất hạnh phúc.

Và hạnh phúc càng nhân đôi khi chúng rời xa vòng tay của tôi mà vẫn nhớ về tôi. Mỗi lần tôi đi ngang lớp, hay ngang chỗ chúng tụ họp, chúng đều kêu tôi inh ỏi. Còn phụ huynh thì vẫn nở nụ cười với tôi khi gặp ngoài cổng trường, vẫn gửi quà mừng ngày 20/11, vẫn gọi điện thăm hỏi sức khỏe…

Đó là một niềm vui, một niềm kiêu hãnh của tôi lúc bấy giờ.

Và tôi không thể nào quên khoảng thời gian cuối năm học, một khoảng thời gian khủng khiếp khi mà lớp liên tục mất trộm. Khi lần ra manh mối cũng là lúc hè đến. Thế là suốt một mùa hè, tôi và cô hiệu trưởng phải vất vả mời phụ huynh cùng học sinh có liên quan vào để điều tra và giải quyết. Cuối cùng, sự thật được làm sáng tỏ, còn tâm trí tôi thì tối sầm lại.

12 học sinh liên quan đến vụ trộm trong lớp! Đau đớn, thất vọng, xấu hổ, tôi như chết lặng!

Rồi mọi chuyện cũng qua. Có lẽ vì tôi, cô hiệu trưởng thống nhất với phụ huynh là dạy riêng các cháu chứ không công khai mọi chuyện, nên từ đó chúng càng yêu quý tôi và cô hiệu trưởng.

Còn gì hạnh phúc bằng khi những đứa trẻ lầm đường lạc lối đã hiểu ra và thay đổi. Chúng ngoan hơn rất nhiều!

Từ đó đến nay, chúng vẫn không gây ra bất cứ lỗi lầm nào khác, ngoại trừ “căn bệnh học nhiều, hiểu chẳng bao nhiêu”. Cay đắng, tủi nhục qua đi, tôi lại vững tin hơn trên con đường mình đã chọn.

Và rồi, một năm nữa trôi qua, chúng lên lớp 8. Tuy không còn học chung nữa nhưng chúng vẫn tụ tập ở một góc sân để vui đùa, dù không còn đông như trước. Và tiếng reo hò không còn khi tôi xuất hiện, thay vào đó là nụ cười, là cái gật đầu của các cô cậu bắt đầu trưởng thành. Tôi cũng mỉm cười đáp lại

Nhưng kể từ đây, tôi bắt đầu phát hiện những sự việc mà tôi không thể tin nổi.

Một cậu bé chăm ngoan, học giỏi ngày nào, giờ trở nên “hỗn láo” với mẹ, lơ là việc học (mặc dù cậu bé vẫn lễ phép với tôi). Đã bao lần, mẹ cậu bé gọi cho tôi và khóc. Tôi khuyên can, tôi tâm sự với cậu bé nhưng vẫn không cải thiện gì mấy.

Ngày 19/11 vừa rồi, biết tôi chuẩn bị hội trại nên ở lại trường, mẹ cậu tìm đến trường lúc 19g để tặng quà mừng ngày 20/11. Và một lần nữa, tôi chứng kiến giọt nước mắt của người mẹ chảy vì con. Tôi nhận món quà với sự xấu hổ, sự đau đớn vô cùng. Tôi là người thầy thất bại!

Giờ đây, tôi vừa mở Facebook và thấy một video của một đứa học trò chăm ngoan, hồn nhiên ngày nào. Trong video, cậu bé thản nhiên ôm hôn một người cùng giới. Ngoài ra là những tấm hình giả gái hay những câu nói tục của tuổi teen bây giờ.

Đất trời như sụp đổ. Tôi nhắn tin trên Facebook tâm sự với cậu bé và phát hiện ra rằng chuyện đó không phải chỉ là trò đùa mặc dù mục đích là câu like… Dù cậu bé có hứa là sẽ suy nghĩ lại những gì tôi nói, nhưng tôi vẫn thấy quá mông lung.

Còn đâu là đứa học trò lẽo đẽo theo tôi ngày nào và hay vô tư bảo: “Khi nào đi sở thú con hú thầy đi nha”. Còn đâu là đứa trẻ ngây ngô rủ tôi đi ăn sinh nhật, cho “khách mời đặc biệt” ngồi dưới sàn nhà cùng với đám trẻ con và ăn món ăn mà nó tự nấu… Tôi là người thầy thất bại!

Hóa ra, ba năm nay tôi đang sống trong ảo tưởng do chính mình tạo ra. Tôi thực sự là người thầy thất bại! Tôi tự an ủi mình rằng: “Nó không còn trong vòng tay của mình nữa thì làm sao mình quản nó cho được”.

Nhưng không, suy đi nghĩ lại, tôi vẫn cảm thấy mình có lỗi vì tôi hiểu rằng: dạy học cũng như xây nhà; nếu nền móng vững thì ngại gì mưa to, gió lớn.

Và hơn hết, có lẽ trong ba năm qua, tôi đã quan tâm chúng như một “ngôi sao” mến “fan hâm mộ” hơn là một người cha quan tâm những đứa con.

Có lẽ đây là một trong những bài học đắt giá trong sự nghiệp trồng người của tôi.

(Theo Tuấn Văn - Phụ Nữ Online)