Mới đây, Bộ Công an đã tổ chức họp báo về kết quả công tác công an 6 tháng đầu năm 2024 và trả lời câu hỏi của báo chí về tình hình, kết quả đấu tranh phòng, chống mua bán người trong thời gian qua.
Theo Thiếu tướng Phan Mạnh Trường, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Bộ Công an, từ cuối năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, tình hình tội phạm mua bán người lại diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt trên các địa bàn biên giới giáp với các nước Lào, Campuchia và Trung Quốc, đặc biệt vùng tam giác vàng giáp Myanma, Lào để đưa đi các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Dubai, Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE)...
Phương thức, thủ đoạn của các đối tượng mua bán người cũng có những chuyển biến rất lớn và ngày càng tinh vi nhằm dụ dỗ các nạn nhân với các chiêu bài việc nhẹ, lương cao, dụ dỗ yêu đương, tuyển lao động đi xuất khẩu với mức lương cao… để lừa bán ra nước ngoài.
Các nạn nhân bị mua bán ra nước ngoài qua mạng để làm việc trong các nhóm lừa đảo tại Campuchia, khu vực tam giác vàng, bị bán làm vợ bất hợp pháp tại Trung Quốc, Hàn Quốc hoặc làm gái mại dâm tại các nước Trung Đông như Qatar, UAE… và các nước Đông Nam Á như Malaysia, Singapore, Myanmar…
Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2024, trên cả nước đã xảy ra 39 vụ án liên quan đến hành vi mua bán người (tăng 18,2% so với cùng kỳ năm 2023), trong đó lực lượng Công an đã khởi tố 35 vụ, 104 đối tượng về hành vi này.
Tại họp báo, Thiếu tướng Phan Mạnh Trường cũng thông tin về phương thức mới xuất hiện của tội phạm mua bán người là giả nhận làm con nuôi để đưa nạn nhân ra nước ngoài.
Liên quan tiến độ xây dựng Dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an cho hay, Bộ Công an là cơ quan soạn thảo Dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) đã tiếp thu, giải trình những ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội vào Dự án Luật tại Kỳ họp thứ 7 và dự kiến sẽ trình Quốc hội thông qua vào Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XV.
Thiếu tướng Phạm Công Nguyên khẳng định, việc sửa đổi Luật Phòng, chống mua bán người nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, chống mua bán người; thể hiện cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện các điều ước quốc tế liên quan vấn đề phòng chống mua bán người, nhằm khắc phục những hạn chế, khó khăn hiện nay, bảo đảm đáp ứng tốt hơn yêu cầu đẩy mạnh phòng, chống mua bán người trong tình hình mới.
Hiện Bộ Công an đang tiếp thu và giải trình toàn diện, triệt để các ý kiến của đại biểu Quốc hội. Việc xây dựng luật này thể hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam trong đấu tranh với loại tội phạm mua bán người và thực hiện các chính sách nhân đạo phù hợp với quốc tế.