- Theo quy định mới, muốn thành lập trường tư thục phải có vốn đầu tư với mức tối thiểu là 1.000 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần quy định hiện tại.
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Nghị định 46 quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục trong đó quy định rõ điều kiện hoạt động của tất cả các cơ sở giáo dục từ mầm non tới đại học cũng như tổ chức kiểm định giáo dục.
Theo đó, quy định về điều kiện thành lập trường đại học có nhiều điểm mới được quy định tại Nghị đinh số 63 ban hành năm 2013, đặc biệt là về điều kiện vốn đầu tư đối với các trường tư thục.
Cụ thể, quy định mới yêu cầu các trường công lập phải có dự án đầu tư xây dựng trường được cơ quan chủ quản phê duyệt, xác định rõ nguồn vốn để thực hiện kế hoạch.
Đối với trường tư thục phải có đầu tư với mức tối thiểu là 1.000 tỷ đồng (không bao gồm giá trị đất xây dựng trường).
Vốn đầu tư được xác định bằng tiền mặt và tài sản đã chuẩn bị để đầu tư và được cơ quan có thẩm quyền xác nhận bằng văn bản.
Để mở trường đại học tư thục phải có mức vốn đầu tư tối thiểu là 1.000 tỷ đồng. |
Bên cạnh đó, tính đến thời điểm thẩm định cho phép thành lập trường đại học tư thục, giá trị đầu tư phải thực hiện được trên 500 tỷ đồng.
Theo quy định trước đó, trường tư thục chỉ cần có vốn điều lệ với mức tối thiểu là 250 tỉ đồng (không bao gồm giá trị đất xây dựng trường) và không có quy định về giá trị đầu tư ở thời điểm thẩm định cho phép thành lập trường.
Quy định mới cũng nêu rõ, đối với trường đại học công lập, khi thành lập phải cam kết hoạt động theo cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập do Chính phủ quy định.
Đối với trường đại học tư thục, khuyến khích thành lập trường hoạt động không vì lợi nhuận.
Tối thiểu 250 tỷ mới được lập phân hiệu đại học
Nghị định mới cũng quy định chặt chẽ về điều kiện thành lập phân hiệu trường đại học (cả công lập và tư thục).
Theo đó, phân hiệu các trường đại học côgn lập phải có dự án đầu tư xây dựng trường được cơ quan chủ quản phê duyệt, xác định rõ nguồn vốn để thực hiện theo kế hoạch.
Đối với phân hiệu của trường tư thục phải có vốn đầu tư với mức tối thiểu là 250 tỷ đồng (không bao gồm giá trị đất xây dựng phân hiệu).
Vốn đầu tư được xác định bằng tiền mặt và tài sản đã chuẩn bị để đầu tư và được cơ quan có thẩm quyền xác nhận bằng văn bản.
Bên cạnh đó, đến thời điểm thẩm định cho phép thành lập phân hiêu trường đại học tư thục, giá trị đầu tư phải thực hiện được trên 150 tỷ đồng.
Nghị định mới sẽ có hiệu lực từ 21/4/2017. Những đề án thành lập trường đại học đã có chủ trương thành lập trước khi Nghị định này có hiệu lực, còn thời hạn cho phép thì không áp dụng quy định về mức vốn tối thiểu theo quy định mới.
Nghị định mới cũng yêu cầu Bộ GD-ĐT rà soát các đề án thành lập trường đại học đã có chủ trương của Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập trước khi Nghị định này có hiệu lực để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Tổ chức kiểm định giáo dục phải có vốn tối thiểu 2 tỷ đồng Nghị định mới cũng quy định điều kiện hoạt động kiểm định chất lượng của các tổ chức kiểm định. Theo đó, các tổ chức kiểm định phải có trụ sở hoạt động ổn định, số vốn tối thiểu 2 tỷ đồng và có ít nhất 10 kiểm định viên đã được cấp thẻ kiểm định viên. Tổ chức kiểm định do Bộ GD-ĐT cấp phép hoạt động. |
Lê Văn