Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) đang xây dựng Thông tư hướng dẫn việc in, phát hành, quản lý và sử dụng tem điện tử”. Theo ông Nguyễn Hữu Tân, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế), việc dán tem điện tử nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ, hiện đại hóa và nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, chống thất thu thuế, chống hàng giả, hàng lậu, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng...

{keywords}
Bộ Tài chính dự định tiến hành dán tem điện tử với rượu và thuốc lá

Tuy nhiên, các doanh nghiệp kinh doanh rượu và thuốc lá lại lo lắng nhiều hơn là vui mừng với dự định này. 

Ông Nguyễn Triết, Tổng Thư ký Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, cho hay: Từ lâu, thuốc lá đã phải dán tem. Tem dán hiện nay là 2D, đang được triển khai sử dụng phù hợp, ổn định và hiệu quả. Các doanh nghiệp rất băn khăn, nếu chuyển sang tem điện tử thì chất liệu giấy và kích thước con tem giữ nguyên hay thay đổi? Nếu chất liệu giấy thay đổi là phải thay keo dán, còn kích thước thay đổi, doanh nghiệp sẽ phải thay thiết bị dán, thêm chi phí thì giá tăng. 

Theo quy định tại Nghị định 67/2013/NĐ-CP, Bộ Tài chính có trách nhiệm in, phát hành và tổ chức cấp tem (miễn phí) cho doanh nghiệp thuốc lá. Tuy nhiên, Dự thảo thông tư tem điện tử lại quy định các doanh nghiệp thuốc lá phải mua tem, như vậy không chỉ mâu thuẫn với quy định tại Nghị định 67 mà còn tạo thêm một gánh nặng chi phí lên đến hàng tỷ đồng với doanh nghiệp.

Với 4 tỷ bao thuốc lá, cần tới 4 tỷ con tem điện tử. Cứ tính giá 1 con tem là 20 đồng thì chi phí tăng thêm mỗi năm là 80 tỷ đồng. Trong khi ngoài nộp ngân sách mỗi năm khoảng 20.000 tỷ đồng, các doanh nghiệp thuốc lá còn phải nộp 500 tỷ đồng vào Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá của Bộ Y tế.

{keywords}
Dán tem điện tử thuốc lá, DN lo ngại gánh thêm chi phí lên đến hàng tỷ đồng.

Còn việc dán tem với các sản phẩm rượu, ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia rượu và nước giải khát Việt Nam, cho rằng, đã được thực hiện từ lâu và đang làm rất tốt. Vậy, có cần thiết phải thay đổi từ tem 2D sang tem điện tử vào lúc này không?

Với tem rượu 2D hiện nay, các doanh nghiệp đều phải mua và giá cũng không hề rẻ. Tất nhiên, phải tính cả vào giá bán. Nhưng rượu lại chịu thuế tiêu thụ đặc biệt nên tem dán trên chai rượu cũng chịu thuế này luôn, tính ra giá cao hơn khi mua.

Ví dụ: tem bán cho rượu sản xuất trong nước có giá 450 đồng/con, khi dán vào chai rượu lại chịu thuế tiêu thụ đặc biệt thêm 40% nữa, lên tới 630 đồng. Câu hỏi đặt ra với tem điện tử, liệu giá có cao hơn so với tem 2D hiện nay không bởi cao hơn thì tăng thêm chi phí với doanh nghiệp, ông Việt nói.

Bà Đặng Thanh Vân, đại diện Công ty Pernod Ricard Việt Nam, cho biết, khi nhập khẩu rượu ngoại DN đã phải mua tem giá 744 đồng/con. Tuy nhiên, tem rượu 2D hiện nay chất lượng rất thấp, rất dễ bị rách. Nếu rách ngay trong quá trình vận chuyển, khi thấy các nhà bán lẻ sẽ không nhận do lo ngại bị quản lý thị trường phạt. Để giải quyết vấn đề này, công ty phải có màng nilon chụp lên chai rượu đã dán tem để tem không bị rách. Chi phí cho màng chụp này đắt hơn cả con tem do phải có thiết bị sản xuất, phải có nguyên liệu và nhân công.

{keywords}
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, nhiều DN lo ngại sẽ tăng thêm gánh nặng

"Vì vậy, chúng tôi rất băn khoăn, không rõ tem điện tử như thế nào, chất lượng ra sao và giá có cao hơn không?", bà Vân lo ngại

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhìn nhận, việc đổi mới và áp dụng khoa học công nghệ trong hoạt động quản lý Nhà nước là cần thiết, nhưng cũng cần nghiên cứu và cân nhắc kỹ về sự cần thiết, những tác động và thời điểm áp dụng. Việc chuyển đổi sang tem điện tử liệu có cải thiện được tình hình nộp thuế và kiểm soát hàng giả, hàng nhái không?  

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI, hiện các bộ, ngành đang cân nhắc về việc tăng thuế, phí trong bối cảnh dịch bệnh chưa giảm để doanh nghiệp có thể duy trì hoạt động. Một số cơ quan đã hoãn các quy định có thể làm tăng chi phí, dẫn đến khó khăn cho doanh nghiệp. Vì vậy, việc chuyển đổi sang tem điện tử với rượu và thuốc lá thời điểm này cũng cần được cân nhắc.

Trần Thủy