Tiếng Việt là tài sản quý báu của dân tộc Việt Nam. Tiếng Việt vừa là cầu nối, vừa là phương tiện lan tỏa các giá trị văn hóa; giúp giữ gìn, tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc, đóng góp vào việc củng cố nền độc lập của Tổ quốc, đại đoàn kết dân tộc Việt Nam.

Đối với cộng đồng hơn 5,3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài đang sinh sống, làm việc ở hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, tiếng Việt chính là phương tiện nhằm lưu giữ, lan tỏa, trao truyền văn hóa, giúp các kiều bào ở nước ngoài bảo tồn bản sắc văn hóa riêng, giúp cộng đồng người Việt ở nước ngoài khẳng định bản thân và tự tin hội nhập với thế giới. Đồng thời, tiếng Việt cũng là cầu nối giữa đồng bào Việt Nam trên toàn thế giới với đất nước, Tổ quốc. 

W-20230820-111650-1.jpg
Đảng, Nhà nước có nhiều chính sách để thúc đẩy, phát triển và bảo tồn tiếng Việt Nam ở nước ngoài. 

Nhằm góp phần triển khai đồng bộ các hoạt động tôn vinh tiếng Việt, nâng cao ý thức của cộng đồng đối với tiếng Việt, lưu giữ, bảo tồn vẻ đẹp và giá trị của tiếng Việt, góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong cộng đồng người Việt Nam ở Italy, tối 8/9, Đại sứ quán Việt Nam tại Italy đã đã tổ chức ngày Tôn vinh tiếng Việt ở Italy. Sự kiện diễn ra tại trụ sở Đại sứ quán Việt Nam tại Italy ở Thủ đô Rome qua hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Đại sứ Việt Nam tại Italy Dương Hải Hưng nhấn mạnh: Tiếng Việt là tài sản quý báu của dân tộc Việt Nam, là phương tiện lưu giữ, trao truyền văn hóa, giúp đồng bào ta ở nước ngoài bảo tồn bản sắc văn hóa riêng, tự tin phát triển và hội nhập với thế giới.

Tại Italy, bộ môn tiếng Việt, thuộc khoa châu Á và Bắc Phi học của trường Ca’ Foscari (thành phố Venice), được thành lập năm 2019, có chương trình học tiếng Việt hoàn thiện nhất tại Italy; nơi duy nhất cung cấp cho các em sinh viên những kiến thức cả về lịch sử, văn học, kinh tế, địa chính trị, nghệ thuật và mọi khía cạnh của văn hóa Việt Nam.

Gần đây, có 2 khoá cử nhân tiếng Việt đã tốt nghiệp tại Đại học Ca’Foscari, đánh dấu một mốc quan trọng trong việc giảng dạy và học tập tiếng Việt tại Italy.

Theo cô Lê Thị Bích Hường (60 tuổi) giảng viên môn Thực hành tiếng Việt của trường Đại học Ca’Foscari, việc học tiếng Việt có thể giúp các em sinh viên Italy hiểu biết hơn về Việt Nam. Các em sinh viên Italy cũng rất ham học tập và nghiên cứu, đọc rất nhiều sách viết về Việt Nam.

Suốt 4 năm qua, cô Hường cùng đội ngũ những giáo viên giảng dạy tiếng Việt đã miệt mài, cố gắng tạo điều kiện cho các em học tiếng Việt, đưa bối cảnh văn hóa Việt Nam đến gần hơn với thế hệ thứ 2, thứ 3 của người Việt sinh ra ở Italy. Bởi, tiếng Việt và văn hóa là hai yếu tố không thể tách rời nhau được.

Các cô không chỉ dạy tiếng Việt mà còn dạy các em học hát, như học các làn điệu dân ca các miền Bắc, Trung, Nam; học văn học Việt Nam qua những bài thơ của nhà thơ Nguyễn Bính, Hồ Xuân Hương,... hay tác phẩm nghệ thuật có giá trị lớn như Truyện Kiều của Nguyễn Du...

Sau thời gian học, các em đã có thể dựng những vở kịch nhỏ trong Truyện Kiều; dịch những bài thơ của Nguyễn Bính, của Hồ Xuân Hương sang tiếng Italy; chuyển tải những bài hát quan họ lên Youtube để có thể giới thiệu những nét hay, nét đẹp của dân ca Việt Nam.

tieng-viet-1.jpg
Sinh viên Italy biểu diễn tiết mục dân ca quan họ Việt Nam trong một sự kiện do Đại sự quán Việt Nam ở Italy tổ chức. 

Bên cạnh đó, lớp học còn giúp các em hiểu thêm về văn hóa Việt Nam qua ẩm thực, về bánh chưng – bánh dầy và sự tích Lang Liêu, cách gói bánh chưng – món ăn truyền thống ngày Tết của người Việt…

Với nhiều cách làm hay, linh hoạt và sáng tạo, đội ngũ giảng dạy tiếng Việt ở đây đã bồi đắp thêm tình yêu Tổ quốc với các em. Ngược lại, các em cũng đã trở thành những sứ giả truyền bá ngôn ngữ Việt, văn hóa Việt cho bạn bè quốc tế. 

Trong chương trình học, các em sinh viên được sang Việt Nam học tập để cải thiện kỹ năng nói tiếng Việt. Những sinh viên khóa đầu sang Việt Nam đều đánh giá cao trải nghiệm này. Thậm chí có một số em, sau khi sang trải nghiệm lại rất yêu mến nên đã ở lại và bắt đầu làm việc tại Việt Nam. 

Tại sự kiện ngày Tôn vinh tiếng Việt ở Italy, cô Lê Thị Bích Hường và các em sinh viên Italy đã mang đến một tiết mục hát quan họ với áo tứ thân, nón quai thao và đã diễn với những động tác thuần thục, uyển chuyển, lời ca bay bổng, mượt mà cho thấy niềm đam mê đối với văn hóa và ngôn ngữ Việt Nam của các em rất lớn.

Bên cạnh ca hát, cô Hường cũng đã hướng dẫn các em sinh viên làm món nem truyền thống của Việt Nam. Các em sinh viên Italy đã rất hứng thú khi liệt kê các nguyên liệu để làm nên món nem, được tự tay trộn nhân, gói nem, rán nem và sau đó thưởng thức chính thành quả lao động của mình.

Ngoài đại học Ca’Foscari, trường Đại học Đông Phương Naples ở Italy cũng đã tổ chức lớp học văn hóa và tiếng Việt cho sinh viên từ hơn 10 năm nay. Trường cũng dự kiến sớm mở khoa tiếng Việt trong khuôn khổ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Italy - Việt Nam.

Theo Giáo sư Pietro Paolo Masina, Trường Đại học Đông phương Naples sẽ bắt đầu triển khai chương trình dạy tiếng Việt, liên quan đến hai khóa học. Khóa thứ nhất về lĩnh vực nhân văn, văn hóa, ngôn ngữ, văn học và khóa còn lại sẽ chuyên về lĩnh vực khoa học chính trị và quan hệ quốc tế. 

Các sinh viên của trường có thể học tiếng Việt trong suốt 5 năm và sau đó có thể tiếp tục quá trình đào tạo này trong chuyên ngành khoa học chính trị và quan hệ quốc tế. Hiện trường đang xúc tiến ký kết một thỏa thuận với Đại học Quốc gia Hà Nội để hai bên phối hợp cấp bằng cử nhân kép về ngành quan hệ quốc tế. Qua đó, để tạo điều kiện cho các sinh viên Italy đến học tập và nghiên cứu tại Hà Nội, cũng như sinh viên Việt Nam có thể trải nghiệm học tập ở Italy trong khoảng một năm và sau đó được nhận bằng do phía Italy cấp.

Tiếng Việt thực sự đang giúp các em sinh viên và những người bạn yêu quý Việt Nam trở thành cầu nối đưa Việt Nam và Italy thêm gần gũi và gắn kết, góp phần tăng cường mối quan hệ giữa hai nước ngày càng bền chặt và phát triển. 

Thu Hằng và nhóm PV, BTV