Phát biểu bế mạc Hội nghị Ban chấp hành Trung ương khóa 13 hôm nay, Tổng Bí thư khái quát, nhấn mạnh kết quả đạt được và một số công việc cần triển khai thực hiện trong thời gian tới, trong đó có vấn đề tinh gọn bộ máy.
Trung ương không chờ cấp tỉnh, cấp tỉnh không chờ cấp huyện
Tổng Bí thư cho biết, Ban chấp hành Trung ương đã xem xét, thảo luận tờ trình của Bộ Chính trị về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18, ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 12 về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Trung ương thống nhất cao về nhận thức, quyết tâm thực hiện chủ trương tổng kết Nghị quyết 18 và một số nội dung gợi ý, định hướng để các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị nghiên cứu đề xuất tinh gọn, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Trung ương yêu cầu xác định quyết tâm chính trị cao nhất trong triển khai chủ trương sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
“Đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, cần thống nhất rất cao về nhận thức và hành động trong toàn Đảng và cả hệ thống chính trị”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Trung ương lưu ý, các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, các cấp, các ngành, trước hết là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu cần gương mẫu, chủ động, quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ được giao theo tinh thần "vừa chạy vừa xếp hàng”; “Trung ương không chờ cấp tỉnh, cấp tỉnh không chờ cấp huyện, cấp huyện không chờ cơ sở".
Quyết tâm hoàn thành việc tổng kết Nghị quyết 18 và báo cáo Trung ương về phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị trong quý 1/2025.
Một cơ quan thực hiện nhiều việc, một việc chỉ giao một cơ quan chủ trì và chịu trách nhiệm chính
Trung ương lưu ý, trong quá trình thực hiện, phải bám sát các nguyên tắc của Đảng, Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, Hiến pháp, pháp luật và thực tiễn đặt ra.
Đặc biệt, Trung ương yêu cầu quán triệt và thực hiện xuyên suốt các yêu cầu có tính nguyên tắc. Trong đó, phải bảo đảm vận hành thông suốt, hiệu quả cơ chế tổng quát "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ"; thông qua cải cách tổ chức, bộ máy để giải quyết hài hòa các mối quan hệ giữa các cơ quan Đảng - Quốc hội - Chính phủ - Cơ quan Tư pháp - MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội dựa trên cơ chế tổng quát này.
Việc tổng kết phải tiến hành khách quan, dân chủ, khoa học, cụ thể, sâu sắc, cầu thị; triển khai thực hiện khẩn trương nhưng bảo đảm thận trọng, chắc chắn, giữ vững nguyên tắc, tiếp thu ý kiến từ tổng kết thực tiễn, các chuyên gia, nhà khoa học, kể cả kinh nghiệm nước ngoài… để đề xuất tinh gọn tổ chức bộ máy, bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, liên thông.
Đồng thời, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác, cơ chế vận hành, trách nhiệm cụ thể trên cơ sở tính đảng, tính hợp lý, tính hợp pháp, bảo đảm hoạt động thông suốt, hiệu lực, hiệu quả.
Tổng Bí thư lưu ý, thực hiện nghiêm nguyên tắc một cơ quan thực hiện nhiều việc, một việc chỉ giao một cơ quan chủ trì và chịu trách nhiệm chính; khắc phục triệt để tình trạng chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, chia cắt về địa bàn, lĩnh vực; các cơ quan, tổ chức trước đây đã sắp xếp bước đầu cũng phải rà soát đề xuất lại; kiên quyết xóa bỏ các tổ chức trung gian.
Cải cách tổ chức bộ máy phải gắn với quán triệt, thực hiện có hiệu quả các chủ trương về đổi mới phương thức lãnh đạo của đảng, phân cấp phân quyền mạnh mẽ cho địa phương, chống lãng phí, chuyển đổi số quốc gia, xã hội hóa các dịch vụ công…
Ngoài ra, việc tinh gọn tổ chức bộ máy phải gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ, có biên chế hợp lý.
Trong đó, đổi mới mạnh mẽ công tác tuyển dụng, đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, đánh giá cán bộ thực chất, vì việc tìm người, trên cơ sở sản phẩm cụ thể đo đếm được.
Đồng thời, có cơ chế hữu hiệu sàng lọc, đưa ra khỏi vị trí công tác đối với những người không đủ phẩm chất, năng lực, uy tín; có chính sách thu hút, sử dụng đối với người có năng lực nổi trội.
Song song đó, thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động bị ảnh hưởng do sắp xếp lại tổ chức, bộ máy.
Cùng với việc tổng kết và đề xuất mô hình tổ chức bộ máy mới, phải chủ động rà soát, hoàn thiện thể chế pháp luật bảo đảm đồng bộ.
Việc triển khai sắp xếp tổ chức bộ máy, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ phải gắn với bảo đảm thực hiện tốt đồng thời cả 2 nhiệm vụ quan trọng. Đó là tăng tốc, bứt phá thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2024, năm 2025 và cả nhiệm kỳ Đại hội 13, tạo nền tảng đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới. Đồng thời, chuẩn bị tốt các điều kiện tổ chức đại hội Đảng các cấp và Đại hội 14 của Đảng.
“Yêu cầu bộ máy mới phải tốt hơn bộ máy cũ và đi vào hoạt động ngay; không để ngắt quãng công việc, không để khoảng trống về thời gian, không để bỏ trống địa bàn, lĩnh vực; không để ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường của xã hội, của người dân", Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Chuẩn bị phương án nhân sự
Trung ương yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cụ thể việc tinh gọn các ban đảng, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Quốc hội, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội.
Đồng thời, chủ động nghiên cứu mô hình bên trong từng cơ quan sau khi sáp nhập, hợp nhất; chuẩn bị phương án nhân sự và rà soát, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác của các cơ quan, tổ chức bộ máy mới để bảo đảm đi vào hoạt động hiệu lực, hiệu quả ngay.
Trung ương yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu, đặc biệt là các ủy viên Trung ương cần xác định quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, gương mẫu chỉ đạo quyết liệt, mạnh mẽ các ban, bộ, ngành, lĩnh vực, địa phương được phân công phụ trách.
Theo Tổng Bí thư, quá trình thực hiện cần theo dõi sát để phát hiện, nhân rộng những cách làm hay, hiệu quả; uốn nắn và kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh, bảo đảm việc triển khai theo đúng mục tiêu, yêu cầu và tiến độ đề ra.
Trung ương giao Bộ Chính trị chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng khẩn trương thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể.
Trong đó, Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ; Đảng đoàn MTTQ Việt Nam, các đảng đoàn tổ chức chính trị - xã hội, Ban Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, đảng đoàn hội quần chúng đề xuất, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, biên chế trong các cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc phạm vi, lĩnh vực lãnh đạo, quản lý.
Đi cùng đó, sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản, quy định liên quan; ban hành quy định về chế độ, chính sách bảo đảm quyền, lợi ích của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi thực hiện sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy.
Ban Tổ chức Trung ương phối hợp tham mưu bố trí cán bộ theo thẩm quyền tại cơ quan, đơn vị, tổ chức sau sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy; đề xuất, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, biên chế trong các cơ quan, tổ chức, địa phương, đơn vị thuộc quyền quản lý...