Trong bức thư gửi cô giáo cũ Đặng Thị Phúc ngày 25/1, Tổng bí thưChủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng viết:

Kính thưa cô giáo Đặng Thị Phúc, nhân dịp chuẩn bị đón Tết cổ truyền của dân tộc - Xuân Kỷ Hợi 2019 - em xin có mấy lời kính thăm Cô và gia đình.

Kính chúc Thầy Cô sang năm mới sức khỏe, trường thọ; chúc toàn thể gia đình an khang, mọi việc hanh thông, tốt đẹp, có nhiều niềm vui mới".

Ở cuối bức thư, người “học trò cũ” không quên gửi lời tri ân tới cô giáo: “Em vẫn giữ mãi những kỷ niệm sâu sắc, không bao giờ phai mờ trong những năm tháng được Cô dạy bảo”.

{keywords}
Bức thư của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gửi cô giáo được gia đình cô trân trọng. Ảnh: Gia đình cung cấp

Cô giáo Đặng Thị Phúc năm nay 86 tuổi. Cô là giáo viên dạy môn Toán năm lớp 4 của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khi ông đang theo học tại Trường Tiểu học xã Mai Lâm, Từ Sơn, Bắc Ninh (nay thuộc Đông Anh, Hà Nội).

Ông cũng là một trong những học trò đầu tiên của cô Phúc trong quãng đời gần 40 năm gắn bó với nghề dạy học.

Cô Phúc còn nhớ, lớp 4 cô dạy khi ấy vì số lượng học sinh của xã Mai Lâm quá ít nên phải hợp lại với xã Đông Hội để đủ một lớp. Trò Nguyễn Phú Trọng là học trò nhỏ tuổi nhất trong lớp.

Dù bé nhất lớp nhưng học trò Trọng gây ấn tượng sâu sắc với cô bởi sự thông minh, chăm chỉ và chữ viết tròn trịa rất đẹp.

Sau hai năm dạy lớp 4, cô Phúc đi học và ra dạy cấp 2 môn Toán. Năm 2001, sau khi dự buổi họp mặt với học sinh lớp 4 năm ấy, có học trò báo tin: "Cô ơi, học trò Phú Trọng bây giờ làm to lắm".

Khi về nhà, nhớ về cậu trò nhỏ học giỏi nhất lớp năm xưa, cô đã viết bài thơ với tựa đề "Người trò nhỏ năm xưa" (tặng N.P.T).

Thế nhưng phải đến năm 2005, cô mới có dịp đọc bài thơ này ở hội thơ nhà giáo. Cô không ngờ, chính bài thơ đó đã giúp "người trò nhỏ năm xưa" tìm lại mình.

Hôm đó, khi đang làm việc nhà thì cô nhận được điện thoại. "Gần 50 năm rồi em mới được nghe tiếng nói của cô. Em vẫn còn giữ cuốn học bạ có chữ ký của cô đấy ạ! Em sẽ đến thăm cô".

Cô Phúc sững sờ khi biết đó là vị lãnh đạo Nguyễn Phú Trọng.

"Anh đã làm việc lớn, phục vụ nhân dân là quý lắm rồi. Anh bận nên không phải đến thăm cô đâu", cô Phúc nói.

Nhưng vài ngày sau, học trò đã đến thăm cô khi cô đang chuẩn bị bữa cơm chiều.

“Mấy chục năm rồi mới được gặp, thế mà cô còn không cho em đến”, học trò hờn trách.

Cô trò cứ thế nhìn nhau xúc động không nói nên lời.

{keywords}
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khi còn là Chủ tịch Quốc hội đã đến thăm cô giáo cũ ngày 20/11 năm 2011.

Bởi những tình cảm đầy trân quý ấy, khi nhận được bức thư tay chúc Tết của người đứng đầu đất nước, gia đình cô giáo Đặng Thị Phúc vô cùng xúc động. Từ hôm nhận được thư đến nay cả nhà đều vui. Riêng bà thì đi ra đi vào đưa bức thư ra đọc.

Chia sẻ với VietNamNet, anh Đoàn, con rể của cô Đặng Thị Phúc, hiện giảng viên cao cấp của Khoa Quốc tế, ĐH Quốc gia Hà Nội chia sẻ, nhận được bức thư tay giản dị của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, đại gia đình vô cùng cảm động và trân trọng tình cảm tri ân chân thành.

“Bà hiện ở cùng con trai út và chúng tôi thường xuyên qua thăm, trò chuyện cùng. Có lần sang, mọi người hỏi vui: “Nếu coi lá thư như bài văn thì mẹ chấm bao nhiêu điểm?”.

Bà đáp: “Chấm 10 điểm vì nội dung rõ ràng, đầy đủ và đặc biệt chữ vẫn rất đẹp”. Cả nhà thắc mắc là sao không cho là xuất sắc thì bà cười đáp, thời của bà thì 10 điểm là diện xuất sắc rồi”. anh Đoàn kể.

Dù tuổi đã cao nhưng hiện tại bà vẫn thường xuyên làm thơ, viết bài gửi cho các báo.

Chị Trần Thị Xuân Phương, giáo viên trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, con gái của cô giáo Đặng Thị Phúc chia sẻ: "Mẹ tôi năm nay đã 86 tuổi, sức khỏe đã yếu nhiều nhưng nhận được tình cảm, sự quan tâm của những người học trò cũ như bác Nguyễn Phú Trọng trong dịp Tết này khiến bà được tiếp thêm sức lực và niềm vui trong cuộc sống”.

Đến bây giờ, trong ấn tượng của bà thường kể lại với chị Phương, học trò Nguyễn Phú Trọng thông minh, học giỏi, chữ viết tròn và đẹp, hay được tuyên dương trước trường, dáng người nhỏ nhắn.

Suốt thời gian học lớp 4 cậu chỉ mặc mỗi bộ quần áo bà ba xử tà màu nâu, đi chân đất không kể đông hay hè.

Anh Đoàn và chị Phương đều chia sẻ, tình cảm cô trò chân thành qua câu chuyện của mẹ cũng là một bài học về lối sống, về tôn sư trọng đạo đối với bản thân anh chị và tất cả các thành viên khác trong đại gia đình.

Mỗi khi Tổng bí thư, Chủ tịch nước biếu tặng một món quà, bà thường tập trung đông đủ con cháu lại chia cho mỗi người một ít.

“Thấy bà như khỏe ra, phần khơi, bản thân chúng tôi cũng cảm thấy phấn khởi lây”, chị Phương nói.

Mọi người đều rất cảm động và thực sự bất ngờ với món quà thể hiện sự tôn sư trọng đạo, uống nước nhớ nguồn mà người đứng đầu Đảng, Nhà nước dành cho cô giáo cũ. 

Thuý Nga - Thanh Hùng

Con trai GS Nguyễn Xiển:

Con trai GS Nguyễn Xiển: "Bố tôi không xin cho con vào chỗ thơm"

Giống như các trí thức cùng thời, Nguyễn Xiển rất ghét sự hời hợt. Ông cũng chẳng bao giờ xin con vào chỗ "thơm".