Sáng 31/10, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng và việc thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương.
Phát biểu tại tổ, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, chủ trương thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương có quá trình chuẩn bị từ rất lâu.
Thành phố trực thuộc trung ương phải là cực tăng trưởng của khu vực, cả nước hiện có 5 thành phố trực thuộc trung ương, tới đây có thêm thành phố Huế.
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, thành phố trực thuộc trung ương phải có triển vọng phát triển, thành phố phải là cực tăng trưởng của khu vực. Vì vậy, phải nghiên cứu những cơ chế, chính sách đặc biệt để đi đầu trong đổi mới sáng tạo, thu chi ngân sách, phát triển kinh tế - xã hội.
"Nếu lên thành phố thì đầu tiên phát triển như thế nào?", Tổng Bí thư đặt vấn đề và cho rằng, phát triển phải bền vững, hài hòa, "nếu thành phố cứ phát triển vùn vụt còn nông thôn càng khó khăn là không được, rồi người dân lại ùn ùn đổ về thành phố".
Tổng Bí thư cho biết, Trung ương đã bàn về vấn đề thành lập thành phố Huế thuộc trung ương và nhận thấy đủ tiêu chí, tất nhiên vẫn còn những điểm hạn chế thì Quốc hội cùng thảo luận, tháo gỡ.
"Huế rất xứng đáng nhưng cũng phải chia sẻ những khó khăn của Huế nếu lên thành phố. Tất cả những khó khăn đó phải vượt qua", Tổng Bí thư nói.
Với những địa phương muốn phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc trung ương, Tổng Bí thư lưu ý phải căn cứ vào tiêu chí quy hoạch, dân số, phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa.
"Cả nước vì Huế, Huế vì cả nước. Tôi thấy Huế xứng đáng. Tuy nhiên, lên thành phố thì cần một giai đoạn... Chúng ta hy vọng thời gian đó không quá dài", Tổng Bí thư nêu ý kiến.
Về tổ chức chính quyền đô thị thành phố Hải Phòng, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, nhiều đại biểu băn khoăn liên quan đến cơ chế chính quyền đô thị, cơ chế bộ máy quản lý Nhà nước thế nào cho hiệu lực, hiệu quả.
Tổng Bí thư chia sẻ đây là vấn đề rất lớn và đang tập trung bàn để tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy; không hình thức mà phải đúng thực chất như đại biểu nêu "HĐND phải có người tài, không kiêm nhiệm".
Tổng Bí thư nhấn mạnh, từ Đại hội 12, nghị quyết của Trung ương đã đánh giá bộ máy Nhà nước cồng kềnh, hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả, phải sắp xếp, tinh gọn.
Nói về vấn đề này, Tổng Bí thư cho biết, hiện nay mới làm từ dưới lên như xã, huyện sáp nhập còn tỉnh chưa làm tới, hay mới thực hiện sắp xếp ở một số vụ, cục, tổng cục của bộ ngành còn trung ương chưa làm. Trung ương mà gọn được thì tỉnh sẽ gọn. Cách thức như thế nào thì sắp tới phải bàn.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, tới đây Trung ương phải gương mẫu, các ban của Đảng phải gương mẫu, Quốc hội gương mẫu, Chính phủ gương mẫu. "Không tinh gọn bộ máy không phát triển được", Tổng Bí thư lưu ý.
Theo Tổng Bí thư, ngân sách đang chi gần 70% để trả lương, chi thường xuyên, phục vụ cho hoạt động, nếu điều hành ngân sách như vậy sẽ không còn tiền chi cho đầu tư phát triển.
Tổng Bí thư cũng nói việc khó tăng lương vì phải chi 80-90% ngân sách cho bộ máy, như vậy không còn tiền để làm việc khác.
Vì thế, Tổng Bí thư khẳng định, phải tiếp tục tinh gọn bộ máy, tinh giảm biên chế, giảm chi tiêu thường xuyên để dành nguồn lực cho đầu tư phát triển, bộ máy cồng kềnh sẽ kìm hãm sự phát triển.
Có bộ, ngành quản lý nhưng không rõ chức năng, nhiệm vụ, không phân cấp cho địa phương, phải xin - cho, hỏi mãi không trả lời, mất thời gian.
Tổng Bí thư lưu ý một trong những chỉ tiêu khó đạt được trong nhiệm kỳ này là năng suất lao động. Kinh tế phát triển nhưng năng suất lao động thực tế đang giảm. Nếu năng suất lao động giảm thì không thể phát triển kinh tế - xã hội được.
Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, cần thẳng thắn nhìn nhận năng suất lao động của Việt Nam giảm dần, thấp hơn nhiều nước trong khu vực. Muốn tăng năng suất lao động, phải có lao động tay nghề cao, "ít người làm một việc", áp dụng khoa học công nghệ, cách thức quản lý tốt.