Bamboo Airways có những năm đầu đời phát triển thần tốc. Nhưng khó khăn bất ngờ, bất khả kháng liên tiếp kéo đến, đẩy Bamboo Airways đến bờ vực sống còn, buộc hãng phải tái cấu trúc toàn diện, mạnh mẽ cắt bỏ nhiều “tán cành” để tập trung “vượt bão”.

Vượt bão

- Nhân sinh nhật Bamboo Airways, ông có thể chia sẻ đến nay hãng bay đã thu hoạch được những gì sau quá trình tái cấu trúc?

Đến thời điểm hiện tại, Bamboo Airways về cơ bản đã hoàn thành các nội dung tái cấu trúc, chuyển sang giai đoạn hoạt động ổn định và tăng trưởng trở lại.

Chúng tôi đã hoàn thành tái cấu trúc bộ máy, nhân sự, đội bay, mạng đường bay và định hình rõ ràng chiến lược, mô hình kinh doanh. 

Đội máy bay của Bamboo Airways đã được đồng nhất, tập trung vào một dòng máy bay Airbus A321/A320, vốn là dòng máy bay đem lại thành công cho rất nhiều hãng hàng không tại Việt Nam và trên thế giới. 

Các bạn có thể thấy, Bamboo Airways đang từng bước tăng máy bay trở lại. Chúng tôi đã thuê thêm 3 máy bay A320 từ đầu năm đến nay và dự kiến đón thêm 1 chiếc nữa trong Quý 4/2024. 

IMG_8D310F4BF7F9 1.jpg
Ông Lương Hoài Nam – Tổng giám đốc Bamboo Airways.

Mạng đường bay Bamboo Airways được tái cấu trúc, tập trung khai thác 11 đường bay nội địa có dung lượng thị trường cao, cùng với các đường bay thuê chuyến du lịch quốc tế.

Sức khỏe tài chính của hãng cũng tốt lên từng ngày. Đến nay, áp lực nợ lớn đến từ các khoản nợ tiền thuê máy bay về cơ bản đã được giải tỏa. Bamboo Airways đã sạch nợ tiền thuê máy bay và ổn định khai thác. 

Dưới góc độ thành viên tham gia xây dựng và triển khai kế hoạch tái cấu trúc Bamboo Airways, tôi khá hài lòng với các kết quả đạt được.

Nếu nhìn vào lịch sử hàng không và so sánh với quá trình tái cấu trúc của nhiều hãng trong khu vực và trên thế giới thì Bamboo Airways đã hoàn thành tái cấu trúc trong thời gian cực kỳ ngắn – chưa đầy một năm. Điều đó tạo điều kiện cho chúng tôi sớm ổn định và trở lại với đường đua phát triển.  

Những vết "cắt cành”

- Để tái cấu trúc thành công, Bamboo Airways đã phải cắt giảm rất nhiều nhân sự. Đó có phải là một quyết định khó khăn? 

Chắc chắn là như vậy. Trước khi chính thức đảm nhiệm vị trí tại Bamboo Airways, tôi đã có một thời gian thảo luận dài 4 tháng và rất kĩ lưỡng với nhà đầu tư chiến lược và HĐQT Bamboo Airways. Tôi đã đưa ra đề xuất về cách thức tiếp cận với vấn đề tái cấu trúc hãng, bao gồm những gì cần phải làm, tại sao cần phải làm, lộ trình thế nào.

Những nội dung tái cấu trúc chi tiết sau đó cũng được báo cáo với Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành vào cuối tháng 11/2023. 

Đề án tái cấu trúc Bamboo Airways đã được nhà đầu tư, HĐQT, Ban Điều hành Bamboo Airways và các bên liên quan thảo luận, cân nhắc rất kĩ lưỡng, cẩn trọng. Tính đến nay, cơ bản những gì Bamboo Airways triển khai vẫn đúng theo kế hoạch và phần lớn là nhanh hơn. Nhưng cũng có nội dung mà chúng tôi thấy phải thực hiện chậm lại. Đó là giải quyết lao động dôi dư.  

Hàng không là ngành đặc thù nên cũng có nhóm lực lượng lao động đặc thù. Trước tái cấu trúc, Bamboo có hơn 2500 lao động. Đến thời điểm cuối tháng 7/2024, số lao động đã giảm gần 50%, bao gồm những đối tượng lao động đặc thù mà nếu rời khỏi Bamboo Airways thì cơ hội việc làm của họ ở Việt Nam không nhiều. Bởi vậy, hãng phải tìm cách giải quyết sao cho hợp tình, hợp lý. 

Trong bối cảnh đó, Bamboo Airways còn thực hiện một quyết định đặc biệt, hiếm có trong ngành hàng không, đó là chuyển trụ sở chính từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh. Việc này đòi hỏi rất nhiều cán bộ, nhân viên đang sống tại Hà Nội phải tạm xa nhà và đi lại giữa 2 đầu thành phố để làm việc, hoặc thay đổi hẳn nơi định cư. Đó cũng là một yếu tố rất khó khăn với nhiều nhân sự. Nhưng may mắn lớn nhất của Bamboo Airways là có được sự thấu hiểu và đồng hành của người lao động. Đến thời điểm này, hãng vẫn hoạt động liên tục, thông suốt nhờ sự thấu hiểu, đồng hành của tập thể hơn nghìn người Bamboo Airways.

Thiếu một con ốc, máy bay đã không thể được cất cánh. Mọi sự cống hiến của người lao động, dù gắn bó thời gian ngắn hay dài với Bamboo Airways đều vô cùng trân quý, góp phần duy trì Bamboo Airways đến ngày hôm nay. Họ xứng đáng được ca ngợi và biết ơn. Bởi vậy, tôi và các thành viên trong Ban Điều hành vẫn hiểu có những quyết định lý trí phải đưa ra, phải đánh đổi để đảm bảo lợi ích của tập thể, nhưng chúng tôi vẫn luôn trăn trở về vấn đề này. 

maybay Bamboo.jpg
Bamboo Airways sẽ trở lại thị trường quốc tế, với các đường bay kết nối tới các nước Đông Nam Á, Đông Bắc Á…, khởi đầu là các đường bay đến Thái Lan cuối năm nay.

Hi vọng rằng, theo đà ổn định và hồi phục như hiện nay, đến ngày Bamboo Airways phát triển mạnh mẽ thì chúng tôi có thể chào đón những người đồng nghiệp cũ, những nhân sự đã từng tâm huyết, gắn bó, cống hiến cho hãng trở lại với ngôi nhà Bamboo Airways. Cơ hội công việc chắc chắn sẽ ưu tiên dành cho họ trước khi tuyển dụng ngoài.

- Ngoài cắt giảm nhân sự, Bamboo Airways đã phải cắt giảm đội bay và nhiều đường bay. Vị trí hãng bay đúng giờ nhất toàn ngành qua từng tháng cũng không được duy trì. Phải chăng dịch vụ của Bamboo Airways bị ảnh hưởng bởi hoạt động tái cấu trúc? 

- Trước hết, tôi khẳng định rằng dịch vụ của Bamboo Airways trong quá trình hãng tái cấu trúc không bị cắt giảm so với giai đoạn trước. Về văn hóa dịch vụ, chúng tôi đã và đang triển khai nhiều giải pháp để tiếp tục duy trì văn hóa dịch vụ tận tân, hiếu khách đã trở thành thương hiệu của Bamboo Airways. 

Bamboo Airways đã “thổi” vào ngành hàng không Việt Nam một “luồng gió” mát lành về văn hóa dịch vụ. Không phải cá nhân tôi với vai trò người điều hành Bamboo Airways nói như vậy, mà cả cộng đồng khách hàng, các chuyên gia theo dõi hàng không đều thừa nhận điều đó. Bởi vậy, tập thể Bamboo Airways luôn ý thức được trách nhiệm phải gìn giữ, phát huy văn hóa dịch vụ mang tính cốt lõi đó trong mọi hoàn cảnh, kể cả trong khi thực hiện tái cấu trúc. 

Về bay đúng giờ, tỉ lệ OTP trung bình trên 90% và dẫn đầu các hãng bay nội địa qua từng tháng là niềm tự hào của Bamboo Airways trong một thời gian rất dài. Trong giai đoạn tái cấu trúc vừa qua, có tháng chúng tôi giữ được vị trí đứng đầu (như tháng 6/2024), có tháng lại không. Tuy nhiên, bức tranh bay đúng giờ của Bamboo Airways không quá đáng lo ngại.

Trong bối cảnh hiện tại, với các yêu cầu khai thác hiệu quả đội tàu, có thể Bamboo Airways chưa thể trở lại với vị trí hãng bay đúng giờ nhất toàn ngành theo từng tháng. Nhưng chúng tôi đã và đang triển khai các giải pháp để nâng tỉ lệ đúng giờ trung bình tất cả các tháng lên mức cao nhất. 

Bên cạnh đó, hãy nhìn vào tỷ lệ hủy chuyến. Thời gian qua, Bamboo Airways gần như không hủy chuyến bay nào, kể cả trong giai đoạn mật độ chuyến bay ở các cảng hàng không dày đặc như trước/sau Tết Nguyên Đán. Chúng tôi luôn cố gắng thực hiện tất cả các chuyến bay đã lên lịch, thậm chí chấp nhận phải khai thác trễ một số chuyến bay ở một mức độ và bù đắp thỏa đáng cho hành khách, đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Bamboo Airways luôn cố gắng để mọi hành khách đã mua vé đều bay được.

luong hoai nam 1.jpg
Đã phải cắt giảm 50% nhân sự trong quá trình tái cơ cấu, hãng bay sẽ đón những người cũ trở lại khi có điều kiện.

- Theo ông, yếu tố nào đã giúp Bamboo Airways hoàn thành tái cấu trúc một cách thần tốc? 

- Tôi nghĩ đó là sự thấu hiểu và đồng hành. Vì thấu hiểu, nên đồng hành.

Sự thấu hiểu đến đó trước hết đến từ nội tại Bamboo Airways, từ lãnh đạo cấp cao cho đến các cán bộ, nhân viên làm việc ở nhiều cương vị khác nhau trong toàn hệ thống, bao gồm những người đã và đang gắn bó với hãng cho tới thời điểm này và cả những người đã từng cống hiến nhưng hiện nay không còn công tác tại Bamboo Airways nữa. Sự thấu hiểu, đồng lòng của tập thể Bamboo Airways là yếu tố vô cùng quan trọng, bởi họ là những người đã vẫn kiên cường, tận tụy làm việc ngày đêm, đảm bảo cho hãng hoạt động liên tục và an toàn.

Sự thấu hiểu còn đến từ bên ngoài. Từ Nhà đầu tư chiến lược luôn kịp thời hỗ trợ, đồng hành để Bamboo Airways đứng vững sau những khó khăn và áp lực tài chính khủng khiếp; từ hàng trăm đối tác, nhà cung cấp dịch vụ đã giúp đỡ, tạo điều kiện cho Bamboo Airways hoạt động, mặc dù vẫn còn những khoản nợ; từ các cơ quan Chính phủ, các Bộ, ngành với sự quan tâm, định hướng, chia sẻ giải pháp giúp Bamboo Airways vượt qua khó khăn. Và trên hết, là sự thấu hiểu, đồng hành của khách hàng – những người vẫn tin tưởng và lựa chọn bay với Bamboo Airways.

Tất cả những sự thấu hiểu và đồng hành đó đều vô cùng quan trọng, vô cùng cốt lõi để Bamboo Airways có được ngày hôm nay và tin vào ngày mai tươi sáng.

Trở lại đường đua

- Nhìn về tương lai, ông hình dung sự cạnh tranh trên thị trường hàng không và định hướng của Bamboo Airways trong 5-10 năm tới sẽ như thế nào? 

- Theo đánh giá của tôi, Việt Nam là một thị trường hàng không lớn nhờ quy mô dân số 100 triệu dân (đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á và thứ 15 trên thế giới). Tuy nhiên, cũng còn nhiều khó khăn để phát triển. Thu nhập bình quân của người Việt Nam vẫn còn thấp ngay cả khi so sánh trong khu vực Đông Nam Á, sức mua trên thị trường chưa cao. Sự cạnh tranh trên thị trường hàng không nội địa khá mạnh mặc dù không có quá nhiều hãng hàng không cùng hoạt động. Cơ chế giá trần khiến các hãng hàng không phải chịu nhiều hạn chế.

Tôi nghĩ trong 5 - 10 năm tới Bamboo Airways vẫn cần tiếp tục bám vào các mục tiêu thực tế và thực dụng để tối ưu hiệu quả hoạt động. Chúng tôi đang có 8 máy và sẽ tiếp tục gia tăng quy mô hơn nữa, tập trung vào đơn dòng máy bay A320/A321. Với nhiều máy bay hơn, Bamboo Airways sẽ trở lại mạnh mẽ hơn trên thị trường quốc tế, với các đường bay thường lệ kết nối tới các nước Đông Nam Á, Đông Bắc Á…, mà khởi đầu là các đường bay đến Thái Lan từ cuối năm nay. 

Đồng thời, Bamboo Airways sẽ tập trung phát triển nguồn lực con người để sẵn sàng cho giai đoạn phát triển mới. Hiện chúng tôi đang chuẩn bị triển khai chương trình tổng thể mang tên “Triết lý Bamboo”, bao gồm rất nhiều chương trình đào tạo, hoạt động văn hóa nhằm trang bị cho các thành viên Bamboo Airways thêm kiến thức, kĩ năng để phát triển bản thân, qua đó tạo nên một môi trường làm việc cầu thị, văn hóa làm việc năng động và nhiều cơ hội phát triển bản thân cho người lao động. 

Đó không chỉ là nguồn cảm hứng thúc đẩy mọi người gắn bó với công ty, mà còn tạo nên nền tảng vững vàng cho Bamboo Airways lớn mạnh, vượt mọi thử thách.   

- Khó khăn còn nhiều, động lực của ông và tập thể Bamboo Airways là gì để vượt qua các thử thách mỗi ngày?

- Tôi nghĩ động lực lớn nhất của chúng tôi là niềm đam mê điển hình của người làm hàng không.

Hàng không thực sự là một ngành “gây nghiện”. Chẳng phải riêng mình tôi. Bạn thử nói chuyện với những người cũng làm trong ngành này, bạn sẽ rất dễ bắt gặp câu trả lời tương tự. Có rất nhiều người làm hàng không, đã ra khỏi ngành rồi sau một thời gian lại tìm đường quay lại với môi trường hàng không để làm việc. Cái ngành này, tìm thấy đam mê dễ lắm! (cười)

Cá nhân tôi đã gắn bó với hàng không từ những năm 1990, tính đến giờ là gần 35 năm. Nếu chỉ thuần túy là một công việc đem lại lương mà thiếu đi sự đam mê, chắc tôi đã không gắn bó lâu đến thế. 

Trong quá trình làm việc, tôi may mắn được tích lũy những trải nghiệm quý giá ở nhiều doanh nghiệp hàng không khác nhau, từ các hãng hàng không thương mại, hãng bay thủy phi cơ, chuyên cơ VIP; cho đến các đơn vị cung cấp dịch vụ bảo dưỡng máy bay, dịch vụ hạ tầng sân bay… Những năm tháng đó đã hun đúc và nuôi dưỡng niềm đam mê hàng không của tôi. 

Đến thời điểm Bamboo Airways gặp khó khăn, đứng trước cơ hội trực tiếp tham gia lãnh đạo, đồng hành với hãng, vận dụng tối đa tất cả những kiến thức, kinh nghiệm và cả những mối quan hệ tôi đã có để góp phần vực dậy doanh nghiệp và thương hiệu hàng không Bamboo Airways, đối với tôi quả một niềm hứng khởi và kích thích lớn.

Nhưng sẽ chẳng tạo nên kết quả gì nếu chỉ có mình tôi đam mê. Sự đam mê của cá nhân tôi được đặt vào và hòa chung với niềm tin, sự đam mê cháy bỏng của hàng ngàn con người Bamboo Airways mới tạo nên sự cộng hưởng và những thành quả tốt đẹp. Và kết quả của việc quyết tâm theo đuổi đam mê ấy, mọi người đã có thể nhìn thấy từ ngày hôm nay. 

- Xin cảm ơn ông và xin chúc Bamboo Airways luôn thành công!

Linh Ji (thực hiện)