LỜI TÒA SOẠN

Cách đây đúng 70 năm, ngày 21/7/1954, Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam được ký kết tại Geneva (Thụy Sỹ) và trở thành dấu mốc lịch sử quan trọng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của nhân dân ta.

Cùng với chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Geneva đã chấm dứt hoàn toàn sự đô hộ của chủ nghĩa thực dân cũ kéo dài gần 100 năm tại Việt Nam, giải phóng hoàn toàn miền Bắc, tạo tiền đề xây dựng miền Bắc trở thành hậu phương vững chắc cho tiền tuyến lớn miền Nam, đi tới thực hiện trọn vẹn mục tiêu độc lập dân tộc và thống nhất đất nước.

Quá trình đàm phán, ký kết và thực thi Hiệp định Geneva là cuốn cẩm nang chứa đựng nhiều bài học sâu sắc thể hiện bản sắc độc đáo của trường phái đối ngoại và ngoại giao Việt Nam, đã được kế thừa, vận dụng sáng tạo và phát triển trong đàm phán, ký kết và thực thi Hiệp định Paris 1973 sau này cũng như trong xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc ngày nay...

Ngày 24/6/1954, khi Hội nghị bàn về chiến tranh Đông Dương đang diễn ra ở thành phố Geneva (Thụy Sĩ), tại Chiến khu Việt Bắc đã diễn ra cuộc họp chuẩn bị cho Hội nghị giữa Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam và Bộ chỉ huy Quân đội Liên hiệp Pháp nhằm thảo luận tất cả các vấn đề do cuộc đàm phán ở Geneva đặt ra.

Trước đó, hai bên đã chọn ngọn đồi ở thôn Xuân Sơn, xã Trung Giã, huyện Ða Phúc, tỉnh Phúc Yên (nay thuộc huyện Sóc Sơn, Hà Nội), là khu vực nằm cạnh đường số 3, giữa vùng tự do của ta và vùng Pháp chiếm để làm địa điểm cho Hội nghị này, vậy nên còn được gọi tắt là Hội nghị quân sự Trung Giã.

hoi nghi 2.jpg
Tổng tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng tại Hội nghị quân sự Trung Giã

Tại cuộc họp, Thiếu tướng Văn Tiến Dũng công bố thành phần đoàn Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam gồm: Thiếu tướng Văn Tiến Dũng, Tổng Tham mưu trưởng, Trưởng đoàn; Ðại tá Song Hào, Chính ủy Ðại đoàn 308, Phó trưởng đoàn và các thành viên: Ðại tá Lê Quang Ðạo, Cục trưởng Cục Tuyên huấn; Trung tá Nguyễn Văn Long ở Cục Tác chiến, Trung tá Lê Minh (tức Lê Minh Nghĩa), phụ trách Cục Quân huấn; Thiếu tá Nguyễn Văn Lê (tức Lưu Văn Lợi) phiên dịch và các phóng viên báo chí.

Sau cuộc họp, Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng chỉ đạo cơ quan chức năng tìm kiếm địa điểm làm nơi ở cho đoàn. Nhận lệnh, đoàn cán bộ từ Việt Bắc về nhờ chính quyền xã Tân Phú huyện Phổ Yên, Thái Nguyên giúp đỡ. Với sự tận tình của ông Trần Tâm Khai, Chủ tịch xã Tân Phú, đoàn đã tìm được nơi đóng quân cho phái đoàn tại thôn Phú Cốc, nơi có dòng sông Cầu chảy vòng quanh tạo thành vành đai tự nhiên ôm gọn ba bề, khá đảm bảo an toàn khi địch tráo trở. Từ đây chỉ đi khoảng 3km là đến nơi diễn ra Hội nghị.

Khi được chọn làm địa điểm đóng quân, bà con trong thôn đã nhanh chóng dọn dẹp đồ đạc, nhường nhà cho bộ đội. Trưởng đoàn Văn Tiến Dũng ở nhà ông Lê Văn Sâm, nằm sát bờ sông, khá yên tĩnh, thoáng mát. Giữa nhà kê một cái bàn rộng làm nơi hội họp cho Đoàn, ngoài vườn có hầm dưới bờ tre để phòng tránh máy bay. Cạnh đó, có lối nhỏ xuống sông, có một thuyền nan để vượt sông khi cần thiết. Còn các thành viên khác ở rải rác trong thôn, mỗi gia đình từ 4 đến 6 người. Ngoài ra còn có một Đại đội của Đại đoàn 308 có nhiệm vụ bảo vệ đoàn đóng quanh thôn.

Để tiến hành Hội nghị hai bên thoả thuận phía Việt Nam sẽ ngừng các hoạt động quân sự từ Trung Giã về Cầu Đuống; phía  Pháp  đình chỉ mọi hoạt động do thám, bắn phá bằng máy bay từ Trung Giã lên tới thị xã Thái Nguyên.

Trên ngọn đồi Xuân Sơn, một hội trường bằng khung thép, mái tôn, có đèn điện, quạt điện và bàn ghế đã  được phía Pháp dựng lên. Ngày 4/7/1954, Hội nghị khai mạc, lần đầu tiên, đại diện cấp cao của lực lượng vũ trang hai bên chiến tuyến trong suốt chín năm đối mặt với nhau tại chiếc bàn hình chữ nhật. Thiếu tướng Văn Tiến Dũng đọc diễn văn khai mạc phiên họp thứ nhất, nêu rõ: "Cuộc gặp nhau tại chỗ là một việc có ích và cần thiết nếu hai bên đều thực tâm muốn bàn bạc những phương pháp cụ thể để nhanh chóng chấm dứt chiến tranh. Những cuộc thảo luận tại chỗ bao giờ cũng dễ thiết thực và cụ thể hơn". 

Câu chuyện về bản diễn văn khai mạc, được Tổng tham mưu trưởng kể trong Hồi ký Đi theo con đường của Bác như sau: 

“Sau khi nhận nhiệm vụ, tôi và các anh trong đoàn (cùng đi có các ông Song Hào, Lê Quang Đạo, Lê Minh Nghĩa và một số đồng chí khác) phải chuẩn bị khẩn trương rất nhiều công việc. Anh Văn (Đại tướng Võ Nguyên Giáp) nhận viết giúp đoàn bài diễn văn đọc trong buổi khai mạc.

Cả tối hôm trước (3/7) tôi rất sốt ruột chờ mãi mà văn bản không thấy. Đến tận sáng hôm sau (4/7) sát giờ khai mạc, anh Thanh Quảng, Phó văn phòng Bộ Quốc phòng mới mang tới trao cho tôi hai bản, một bản tiếng Việt, một bản tiếng Pháp đánh máy rất sạch sẽ. Anh Thanh Quảng kể lại vắn tắt chuyện làm hai bản diễn văn này, khiến tôi và những người cùng đi vô cùng xúc động. Chuyện là: Đêm qua anh Văn và anh Quảng mới cùng nhau ngồi lại thảo diễn văn. Hai anh đang viết thì Bác tới. Bác hỏi:

- Hai chú làm gì đấy?

Anh Văn thưa với Bác là đang thảo diễn văn cho đoàn, mới xong phần tiếng Việt, bắt đầu làm sang phần tiếng Pháp. Bác nói tiếp:

- Thôi đi ngủ, đưa đây Bác xem. 

Anh Văn đáp: 

- Thưa Bác, đã xong đâu mà ngủ.

Bác bảo cứ đưa đây. Miệng nói, tay Bác lượm hết cả số giấy tờ trên bàn mang về phòng mình. Anh Quảng cho biết, lúc ấy anh rất mệt, nhưng trằn trọc đến gần sáng cũng không sao ngủ được, nhìn lên phòng Bác vẫn thấy ánh đèn và tiếng máy chữ lạch cạch. Sáng sớm hôm sau, Bác đến gõ cửa gọi hai anh dậy đưa cho bài diễn văn này, gồm đầy đủ hai bản. 

Tôi cầm bản diễn văn bước vào phòng họp với lòng tự hào, tự tin và niềm xúc động khôn tả. Một bài diễn văn nhỏ, một việc làm nhỏ, nhưng làm thêm được một việc giúp cấp dưới của mình là niềm vui của Bác. Đó là một việc khiến tôi ghi nhớ mãi.”

Tại phiên họp thứ hai vào chiều 4/7, hai đoàn đạt được thỏa thuận nội dung Hội nghị là: Bàn và quyết định biện pháp thực hiện những vấn đề quân sự đã được đề cập tại Hội nghị Geneva và những vấn đề quân sự khác đang diễn ra trên thực tế ở Đông Dương.

Từ ngày 5/7/1954, hai bên tập trung bàn về trao trả tù binh. Đây là vấn đề phía Pháp hết sức quan tâm, về phía ta cũng mong muốn sớm giải quyết. Sau năm ngày đàm phán, vào ngày 10/7/1954, hai bên đã ký được Biên bản chung về các vấn đề trên và họp báo công bố ngay.

Từ ngày 12/7/1954, Hội nghị bắt đầu thảo luận vấn đề ngừng bắn. Tuy nhiên, lúc này Hội nghị Geneva chưa kết thúc nên chưa thể đưa được phương án cụ thể và cũng không thể cho phía Pháp biết ý định của ta nên Đoàn Việt Nam tìm cách kéo dài cuộc thảo luận, đề nghị hai bên xác định thế nào là vùng kiểm soát và thế nào là vùng tranh chấp. Cuộc tranh cãi kéo dài hơn một tuần mà vẫn bế tắc. Nhớ lời Bác dặn trước khi lên đường: "Ta đàm phán với Pháp lần này trong tư thế người chiến thắng; phải vững vàng về nguyên tắc, nhưng linh hoạt về sách lược". Thiếu tướng Văn Tiến Dũng đã lãnh đạo đoàn thực hiện đúng như chỉ bảo của Người.

hoi nghi.jpg
Thiếu tướng Văn Tiến Dũng và Đại tá Lennuyeux tại Hội nghị Trung Giã. Ảnh: Tạp chí Life

Ngày 21/71954, Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Ðông Dương được ký kết ở Geneva, không khí Hội nghị quân sự Trung Giã trở nên sôi động. Hai đoàn tập trung bàn những biện pháp thực hiện các quy định của Hiệp định Geneva về ngừng bắn ở Đông Dương. Tuy nhiên, thực tế không dễ để hai bên sớm đạt được thỏa thuận, bởi chúng ta tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân đánh lại quân đội Pháp xâm lược nên không có chiến tuyến rõ ràng mà chiến trường luôn ở thế “cài răng lược”.

Đồng chí Văn Tiến Dũng đã chỉ đạo tập trung bàn thảo kỹ về vấn đề trên để đi đến thống nhất bằng "Hiệp nghị về nguyên tắc chung gỡ thế cài răng lược" do hai trưởng đoàn ký vào ngày 25/7/1954. Văn bản đó được mở đầu bằng một định nghĩa: "Gỡ thế cài răng lược là một hành động đầu tiên để phân chia quân đội đôi bên, làm cho các đơn vị đối lập giãn ra, trở về các căn cứ của mình hoặc tập trung ở những địa điểm trú quân tạm thời đầu tiên, cốt để tránh mọi sự tiếp xúc có thể gây xung đột đôi bên". 

Tiếp đó, giữa phái đoàn ta và Pháp lại nổ ra những cuộc tranh luận khi phía Pháp muốn các lực lượng không chính quy (dân quân, du kích) của Việt Nam phải rút ngay khỏi vùng họ tập kết tạm thời ở Nam vĩ tuyến 17. Tuy nhiên, phía Việt Nam lại không muốn điều đó xảy ra. Với sự đấu tranh của đoàn Việt Nam, phía Pháp phải chấp nhận các lực lượng không chính quy ngừng bắn tại chỗ, tiếp tục làm ăn theo nghề nghiệp của mình, không mang theo vũ khí.

Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của Tổng tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng, đoàn Việt Nam tại Hội nghị quân sự Trung Giã đã yêu cầu Quân đội Pháp ở Đông Dương phải thực thi đúng những điều khoản đã được ký kết tại Geneva. Ngày 27/7/1954, Hội nghị kết thúc, phái đoàn đàm phán của Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam đã hoàn thành nhiệm vụ. Hội nghị in đậm dấu ấn của vị Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, một vị tướng dày dạn chiến trường nhưng cũng hết sức bản lĩnh, sắc sảo trên bàn đàm phán. Khi đó ông mới 37 tuổi.