Không lâu sau, Tổng thống Ski Lanka đã lên máy bay quân sự rời thủ đô Colombo và đến Maldives. Ganeshan Wignaraja, trợ lý nghiên cứu cấp cao của ODI Global, miêu tả đây là cảnh tượng thể hiện sự sụp đổ của gia tộc Rajapaksa.

Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa. Ảnh: Reuters

Sự chạy trốn của ông Gotabaya là thời khắc lịch sử đối với quốc đảo 22 triệu dân. Ông và gia đình từng nhận được sự tín nhiệm rất cao của người dân trong vòng vài thập niên trở lại đây. 

Tổng thống Gotabaya sinh ra trong đại gia đình quyền lực nhất Sri Lanka. Người anh trai Mahinda cũng từng là tổng thống. Ông Mahinda đã dẫn dắt Sri Lanka đi đến chiến thắng vẻ vang trước quân nổi dậy vào năm 2009, kết thúc cuộc nội chiến tàn khốc kéo dài 26 năm.

Ông Mahinda (trái) cùng em trai Gotabaya. Ảnh: CNN

Trong nhiệm kì của mình, ông Mahinda đã đưa 2 người em trai là Basil lên làm cố vấn và Gotabaya làm Bộ trưởng Quốc phòng, còn người anh cả Chamal làm Chủ tịch Quốc hội.

Ông Gotabaya trở thành ứng cử viên tiềm năng cho cuộc bầu cử tổng thống năm 2019. Sau khi lên làm tổng thống, ông đưa anh trai Mahinda lên giữ chức vụ Thủ tướng. Dù có những lời không hay về chế độ ‘gia đình trị’, nhưng tình hình những năm đầu dưới thời nhà Rajapaksa khá tốt đẹp. Tuy nhiên cách quản lý yếu kém, nạn tham nhũng... đã châm ngòi cho khủng hoảng.

Du lịch lao dốc sau các vụ đánh bom, những khoản vay nước ngoài cho các dự án bao gồm một cảng và sân bay ở quê hương của tổng thống đến hạn hoàn trả. Tổng thống không lắng nghe các cố vấn kinh tế, thay vào thực hiện đợt cắt giảm thuế lớn nhất trong lịch sử nhằm thúc đẩy chi tiêu. Các đợt phong tỏa do Covid-19 và lệnh cấm nhập khẩu phân bón hóa học càng làm tổn hại nền kinh tế.

Sự sụp đổ của gia tộc Rajapaksa bắt đầu vào tháng 4/2022, khi các cuộc biểu tình ngày càng gia tăng buộc 3 người thân của Tổng thống Gotabaya phải rời bỏ các vị trí bộ trưởng.

Cuộc biểu tình tại dinh thự tổng thống. Ảnh: CNN

Tháng 5/2022, những người ủng hộ chính phủ đã tấn công những người biểu tình khiến 9 người thiệt mạng. Mọi người bắt đầu nhắm vào anh trai của Tổng thống là Thủ tướng Mahinda Rajapaksa, buộc ông phải từ chức và ẩn náu trong một căn cứ hải quân.

Những người biểu tình đã hô to trên phố "Hãy về nhà (của ông) đi!", nhưng ông Gotabaya khi đó vẫn từ chối rời đi. Gotabaya cố bám trụ bằng cách cầu cứu chính trị gia Ranil Wickremesinghe với hy vọng thoát khỏi cơn khủng hoảng. Tuy nhiên, cuối cùng, ông Wickremesinghe vẫn không thể vực dậy đất nước do thiếu sự ủng hộ từ các chính trị gia và công chúng.

Như Quỳnh