Top 10 Công ty Du lịch uy tín và Top 5 Khách sạn, Resort uy tín năm 2024 được xây dựng dựa trên các nguyên tắc khách quan, khoa học với 3 tiêu chí chính: Năng lực tài chính thể hiện trên báo cáo tài chính từ năm 2023 đến nay; Uy tín truyền thông được đánh giá bằng phương pháp Media Coding; Khảo sát đối tượng nghiên cứu và các bên liên quan.
Triển vọng ngành du lịch - khách sạn, resort và chiến lược của doanh nghiệp
Ngành du lịch và khách sạn, resort Việt Nam bước sang năm 2024 với nhiều tín hiệu tích cực. Trong 10 tháng đầu năm, doanh thu từ du lịch lữ hành ước đạt 50,3 nghìn tỷ đồng, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2023; doanh thu từ dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 602,3 nghìn tỷ đồng, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, bức tranh kinh doanh lại có sự phân hóa rõ rệt. Theo khảo sát của Vietnam Report, dù doanh thu tăng trưởng ổn định nhưng áp lực về chi phí gia tăng, thể hiện qua tỷ lệ doanh nghiệp báo cáo sụt giảm lợi nhuận tăng lên 11,1%. Điều này cho thấy các doanh nghiệp đang đối mặt với thách thức lớn trong việc kiểm soát chi phí và duy trì biên lợi nhuận khi chi phí vận hành lại tăng do yêu cầu đầu tư vào công nghệ và phát triển bền vững.
Năm 2025 được kỳ vọng không chỉ là năm của sự phục hồi mà còn là thời điểm để toàn ngành chuyển mình mạnh mẽ hơn. Kết quả khảo sát của Vietnam Report chỉ ra 71,4% doanh nghiệp lạc quan vào triển vọng ngành du lịch. Trong đó, nổi lên 4 xu hướng chính: Sự chuyển dịch từ các chuyến tham quan đơn thuần sang hành trình khám phá chiều sâu, chú trọng trải nghiệm văn hóa và tương tác trực tiếp tại điểm đến; Du lịch âm nhạc; Du lịch qua lăng kính truyền hình thực tế; và Sức hút gia tăng từ các điểm đến phương Đông, đặc biệt là châu Á.
Theo nhiều chuyên gia trả lời phỏng vấn của Vietnam Report, những yếu tố như tình hình kinh tế vĩ mô, sự dịch chuyển tiêu dùng, sự bùng nổ của số hoá… sẽ có tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của toàn ngành trong thời gian tới. Đặc biệt, trong bối cảnh công nghệ số bùng nổ, mạng xã hội và các website trực tuyến đã trở thành công cụ chủ đạo trong việc tìm kiếm, đặt dịch vụ và đánh giá chất lượng của người tiêu dùng. Trước xu hướng này, nhiều doanh nghiệp đã kịp thời chuyển đổi chiến lược tiếp thị, tập trung nâng cao hình ảnh thương hiệu và đẩy mạnh hoạt động marketing trên các nền tảng số.
Đồng thời, chiến lược quản trị rủi ro nổi lên như một trong những ưu tiên dài hạn, cho thấy doanh nghiệp ngày càng nhận thức rõ tầm quan trọng của việc chủ động ứng phó với những tình huống bất ngờ hay thách thức khó lường, điển hình như cơn bão Yagi vừa qua. Đây cũng là chìa khóa giúp doanh nghiệp tăng cường sức chống chịu và khả năng phục hồi sau khủng hoảng.
Du lịch bền vững: Từ lý thuyết đến thực tiễn
Ngày nay, du lịch bền vững không chỉ là một lựa chọn chiến lược mà còn là yêu cầu cấp bách trước sự suy giảm tài nguyên thiên nhiên và các vấn đề xã hội toàn cầu.
Tại Việt Nam, gần đây, Chính phủ tiếp tục thể hiện sự quan tâm đến vấn đề này bằng việc ban hành Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/5/2023. Để phát huy hiệu quả các chiến lược và khắc phục hạn chế, cần thiết lập một lộ trình cụ thể, bao gồm các chỉ số đo lường bền vững rõ ràng và kế hoạch hành động chi tiết, cùng với những chính sách khuyến khích phát triển các dự án du lịch bền vững, xây dựng chương trình nâng cao nhận thức và đào tạo kỹ năng cho cộng đồng địa phương.
Về phía doanh nghiệp, khảo sát của Vietnam Report ghi nhận top 6 hành động doanh nghiệp sẵn sàng thực hiện để hướng tới cam kết phát triển bền vững, bao gồm: Ứng dụng chữ ký số để hạn chế sử dụng giấy (100,0%); Lập kế hoạch quy trình quản lý rủi ro nhằm ứng phó thiên tai, dịch bệnh (85,9%); Hạn chế sử dụng nhựa dùng một lần (85,2%); Nghiên cứu và phát triển sản phẩm du lịch xanh, du lịch bền vững (71,7%); Triển khai các chương trình vì cộng đồng (71,1%); Ưu tiên tuyển dụng nhân lực địa phương (42,9%).
Người tiêu dùng đang ngày càng quan tâm đến du lịch bền vững. Theo khảo sát của Vietnam Report trong giai đoạn 2022-2024, xu hướng này được thể hiện rõ qua sự gia tăng tỷ lệ sẵn sàng chi trả cho các dịch vụ du lịch bền vững qua từng năm.
Ngoài ra, không thể bỏ qua vai trò của người dân địa phương, nhất là trong việc bảo tồn văn hóa và giải quyết các vấn đề xã hội tại điểm đến. Theo Vietnam Report, tỷ lệ du khách chọn mua đặc sản từ người dân địa phương đã tăng từ 60,0% năm 2022 lên 87,6% năm 2024, tỷ lệ lựa chọn mua thực phẩm từ nhà hàng địa phương thay vì chuỗi nhà hàng cũng tăng trưởng ổn định từ 53,8% lên 69,1%.
(Nguồn: Vietnam Report)