Đó là chia sẻ của bà Nguyễn Thị Lâm Giang, Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương), tại hội thảo quốc tế “Hợp tác phát triển bền vững ngành Dệt may và Da giày Việt Nam” sáng 5/12.

Dệt may và da giày Việt Nam là những ngành xuất khẩu chủ lực, đóng góp khoảng 16% tổng kim ngạch xuất khẩu quốc gia và tạo việc làm cho hơn 3 triệu lao động.

Tuy nhiên, trước sức ép cạnh tranh gay gắt từ thị trường cung ứng, các doanh nghiệp dệt may và da giày Việt Nam phải đồng thời đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt về tiêu chuẩn lao động, truy xuất nguồn gốc và phát thải carbon thấp từ các thị trường xuất khẩu lớn như EU. 

Thách thức này càng lớn hơn đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn gặp khó khăn trong việc tiếp cận tài chính và công nghệ xanh.

w det may 1 3105.jpg
Chỉ 20% doanh nghiệp trong ngành hiện có hệ thống quản lý đủ tiêu chuẩn bền vững quốc tế. Ảnh: Xuân Ngọc

Bà Nguyễn Thị Lâm Giang cho rằng, hội thảo được tổ chức nhằm tham góp ý kiến của các bên về các sáng kiến, hành động ưu tiên trong việc đổi mới, áp dụng các mô hình bền vững, mở rộng thị trường và thúc đẩy liên kết phát triển chuỗi cung ứng bền vững, tuần hoàn góp phần giảm phát thải khí nhà kính. Cùng với đó, thúc đẩy tăng trưởng xanh và thực hiện các quy định, cam kết quốc tế của Việt Nam về phát triển bền vững và biến đổi khí hậu trong thời gian tới. 

Bộ Công Thương vừa qua đã tổ chức triển khai một số nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp dệt may và da giày nói riêng, áp dụng thí điểm một số giải pháp và mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Tới đây, bộ sẽ tiếp tục triển khai các nhiệm vụ liên quan kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực ngành công thương. Theo đó, sẽ tập trung ưu tiên các hoạt động phù hợp các nhiệm vụ được giao tại các văn bản chương trình trên đây và nằm trong khuôn khổ bản ghi nhớ.

Cụ thể, hỗ trợ áp dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững; chứng nhận và dán nhãn sinh thái đối với các sản phẩm dệt may da giày; xúc tiến thương mại và hỗ trợ tiếp cận, mở rộng thị trường đối với các sản phẩm xanh, sản phẩm tái chế, sản phẩm carbon thấp đáp ứng các yêu cầu quy định, tiêu chuẩn quốc tế về biến đổi khí hậu và kinh tế tuần hoàn,... bà Giang cho hay.

Ông Huỳnh Tiến Dũng - Giám đốc Quốc gia, IDH Việt Nam - đánh giá, thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Công Thương, các hiệp hội ngành hàng và IDH là một nền tảng tiên quyết, quan trọng thúc đẩy sự hợp tác công tư hiệu quả hơn, đặc biệt trong bối cảnh ngành dệt may và da giày đang phải đối mặt với các yêu cầu phát triển bền vững ngày càng khắt khe hơn của thị trường. 

Khi có một khuôn khổ hợp tác vững chắc sẽ tạo điều kiện cho các bên đóng góp ý kiến, huy động và điều phối nguồn lực từ các cơ quan của Chính phủ, các hiệp hội, doanh nghiệp... trong việc xây dựng các giải pháp toàn diện và các sáng kiến. Từ đó, giúp ngành dệt may và da giày Việt Nam không chỉ phát triển bền vững hơn, mà còn đảm bảo tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế.