Theo Bộ Y tế, danh mục dược liệu quý, hiếm và đặc hữu phải kiểm soát bao gồm 23 loại: bách hợp, bát giác liên, bảy lá một hoa, bình vôi, cẩu tích, cốt toái bổ, đẳng sâm, hoàng đằng, hoàng liên ô rô, hoàng tinh hoa đỏ, hoàng tinh hoa trắng, na rừng, nam hoàng liên, sâm Lai Châu, sâm Lang bian, sâm Ngọc Linh, tắc kè đá, tế tân, thạch tùng răng cưa, thổ hoàng liên, thông đỏ lá dài, thông đỏ lá ngắn, vàng đắng. 

sam ngoc linh 1.jpg
Sâm Ngọc Linh là cây thuốc có giá trị cao. Ảnh: Hà Nam

Dưới đây là tác dụng của 6 cây thuốc tiêu biểu trong danh sách trên: 

Bảy lá một hoa còn gọi là thất diệp nhất chi hoa, độc cước liệt, thảo hà xa… thuộc họ hành tỏi. Đây là một loại cỏ nhỏ, sống lâu năm, giữa thân có 1 tầng lá gồm 3-10 lá, thường là 7 lá; hoa mộc đơn độc ở đỉnh cành. Cây được phát hiện ở Ninh Bình, Lào Cai, Hòa Bình, Hà Giang. Theo Đông y, thân rễ của cây có vị ngọt, hơi cay, tình bình không độc; tác dụng chủ yếu là thanh nhiệt giải độc. 

Cẩu tích còn gọi là rễ lông cu ly, kim mao cẩu tích, cây lông khỉ thuộc họ lông cu ly. Cây có thể cao tới 2,5m, lá dài tới 2m phủ nhiều vẩy vàng bóng. Cẩu tích mọc hoang khắp nơi miền rừng núi Việt Nam, thu hái quanh năm. Cây có vị đắng, tính ôn. Trong dân gian, cây được dùng làm thuốc bổ gan, thận, chữa đau lưng, đau khớp xương, đầu gối, phong thấp, người già đi tiểu tiện nhiều lần. 

Cốt toái bổ còn gọi là bổ cốt toái, tổ phượng, tổ điểu, tắc kè đá. Tên gọi của cây bắt nguồn từ quan niệm dân gian cho rằng vị thuốc này có tác dụng làm liền xương gẫy. Cây sống lâu năm trên các hốc đá, đám rêu, thân cây lớn ở vùng rừng núi. Cây có vị đắng, tính ôn, không độc, có khả năng bổ thận, trị đau xương, sát trùng đỡ đau, dùng chữa dập xương, đau xương, bong gân, sai khớp, tai ù, răng đau. 

Hoàng liên ô rô còn gọi là thập đại công lao thuộc họ hoàng liên gai. Cây cao tới 3m, cụm hoa màu vàng nhạt. Cây được phát hiện ở vùng núi Lào Cai, cao nguyên Lâm Đồng. Trong thân cây có thành phần becberin được nhân dân dùng chữa lỵ, ăn uống không tiêu, vàng da, đau mắt, mẩn ngứa, mụn nhọt. Cây dùng dạng thuốc sắc hay thuốc bột. 

Hoàng đằng là cây leo, thân cứng, mọc hoang ở nhiều vùng núi miền Bắc và miền Trung nước ta, thu hoạch quanh năm. Cây có thành phần ức chế đối với vi trùng, làm thuốc chữa đau mắt, sốt rét, lỵ, bệnh gan, viêm ruột, viêm dạ dày, tiêu chảy. 

Sâm Ngọc Linh được phát hiện ở vùng núi Ngọc Linh ở miền Trung. Đây là cây thân thảo, sống nhiều năm, cao đến 1m. Đã có hàng chục nghiên cứu về loại sâm này cho thấy hàm lượng saponin rất cao tương tự các loại sâm quý trên thế giới. Ngoài ra, các axit amin, nguyên tố đa lượng, vi lượng trong sâm Ngọc Linh cũng rất phong phú. 

Bài thuốc cổ truyền dùng sâm Ngọc Linh cầm máu, lành vết thương, làm thuốc bổ, sốt rét, đau bụng. Kết quả nghiên cứu dược lý cho thấy sâm còn kích thích hệ miễn dịch, chống lão hóa, phòng chống ung thư, bảo vệ tế bào gan, giúp ăn ngon, ngủ tốt, lên cân, tăng thị lực… 

1. Loài, chủng loại dược liệu quý, hiếm là dược liệu có giá trị đặc biệt về khoa học, y tế, kinh tế, sinh thái, cảnh quan, môi trường hoặc văn hóa - lịch sử mà số lượng còn ít hoặc bị đe dọa tuyệt chủng.

2. Loài, chủng loại dược liệu đặc hữu là dược liệu chỉ tồn tại, phát triển trong phạm vi phân bố hẹp và giới hạn trong một vùng lãnh thổ nhất định của Việt Nam mà không được ghi nhận có ở nơi khác trên thế giới.