Đánh giá tại văn bản khẩn 2925/UBND-ĐT do Phó chủ tịch UBND TP HCM Lê Hoà Bình ký, để việc giãn cách xã hội bảo đảm hiệu quả hơn thì phải tăng cường lực lượng phục vụ cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm và thiết bị, nhu cầu y tế. Tăng cường đội ngũ giao hàng công nghệ (shipper) để kịp thời phục vụ nhu cầu hàng hóa đến tận nhà người dân.

Do đó, thành phố thống nhất cho phép lực lượng shipper theo danh sách của Sở Công Thương được lưu thông ra đường theo phạm vi một quận, huyện, thành phố Thủ Đức trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.

Thành phố giao Sở Công Thương làm việc với các doanh nghiệp quản lý shipper, yêu cầu cung cấp danh sách thực hiện nghiêm các điều kiện về tiêm ngừa vaccine phòng, chống Covid-19 và xét nghiệm nhanh âm tính để được hoạt động.

Đối với đội ngũ shipper hoạt động ở 8 quận “vùng đỏ”: đã được tiêm ngừa ít nhất 1 mũi vaccine phòng, chống Covid-19 và thực hiện xét nghiệm nhanh âm tính với Covid-19. Việc xét nghiệm được thực hiện theo hình thức xét nghiệm nhanh mỗi ngày một lần theo mẫu gộp 3 người. Thời gian xét nghiệm hàng ngày vào lúc 5h đến 6h sáng do lực lượng quân y thực hiện tại các trạm y tế lưu động của 312 phường, xã, thị trấn trên địa bàn.

Đối với đội ngũ shipper hoạt động ở 14 quận, huyện còn lại: đã được tiêm ngừa ít nhất 1 mũi vaccine phòng, chống Covid-19 và thực hiện xét nghiệm nhanh âm tính với Covid-19 tần suất 2 ngày/lần theo mẫu gộp 3 người. Lực lượng công an sẽ kiểm tra hoạt động của shipper nói trên theo hình thức tra cứu trực tuyến.

{keywords}
TP.HCM: Cho phép shipper hoạt động trở lại, nối lại chuỗi cung ứng hàng hoá

Để điều chỉnh việc cung ứng hàng hóa thời gian tới cho phù hợp, Sở Công Thương TP HCM cũng đã yêu cầu 22 địa phương rà soát lại việc cung ứng hàng hóa, phân bổ điểm bán. Trường hợp các cửa hàng, siêu thị có dấu hiệu quá tải thì phải báo lại với Sở Công Thương để phân bổ lại nguồn lực.

Liên quan đến việc cấp giấy đi đường cho hệ thống nhân viên siêu thị, ông Nguyễn Nguyên Phương cho biết, trong đợt cấp giấy đi đường đầu tiên vào ngày 22/8, Công an TP HCM cấp cho Sở 40.000 giấy. Sở đã cấp 38.228 giấy cho các đơn vị, còn lại 1.772 giấy. Đây là số lượng dự phòng trong trường hợp các đơn vị gặp khó khăn, nếu đơn vị có F0 thì sẽ có lực lượng bổ sung ngay.

Khơi thông hàng hoá

Việc cho shipper hoạt động trở lại của TP HCM cho thấy quyết định chính xác vì theo thống kê, trong 14 ngày (từ ngày 23/8-5/9), các địa phương của thành phố đã giải quyết được 1.275.708 đơn hàng “đi chợ hộ” cho người dân. Tuy nhiên, khi có sự tham gia bổ trợ cung ứng, vận chuyển hàng hóa của lực lượng shipper thì chỉ sau 7 ngày hoạt động, số lượng khoảng 10.000 shipper đã giải quyết được hơn 1 triệu đơn hàng.    

Trong ngày 6/9, Sở Công Thương TP đã đề xuất UBND thành phố về việc “nới khung giờ” cho phép đội ngũ shipper hoạt động theo phạm vi một quận, huyện, TP Thủ Đức từ 6h - 21h hàng ngày tương ứng để hỗ trợ phân phối hàng hóa kịp thời đến người dân. 

Cùng với đó, Sở Công thương TP cũng đề xuất cho phép hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm được mở rộng phương thức hoạt động và tăng thời gian trở lại từ 6h – 21h hàng ngày nhằm đảm bảo cung ứng hàng hóa cho người dân.

Ông James Dong, Tổng Giám đốc Lazada Việt Nam và Thái Lan cho biết: "Việc áp dụng giãn cách xã hội góp phần đáng kể trong công tác phòng chống dịch, nhưng cũng khiến tình hình giao nhận hàng hóa kéo dài, ảnh hưởng lớn đến người tiêu dùng và các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng. Chúng tôi đánh giá rất cao quyết định của Chính phủ và các cơ quan chức năng trong việc cho phép các nhân viên giao hàng hoạt động trở lại ở thời điểm này".

Tương tự, Shopee đã phối hợp với các đối tác vận chuyển để tăng cường số lượng nhân viên giao hàng cũng như trang bị an toàn dành cho đội ngũ shipper nhằm đẩy nhanh tiến độ giao hàng trong bối cảnh thành phố vẫn đang thực hiện giãn cách tại nhiều khu vực. Đơn vị này đẩy nhanh chuỗi cung ứng lương thực, thực phẩm và các sản phẩm thiết yếu. Tổng số đơn Shopee đã giao đến người tiêu dùng từ sau chỉ thị đã lên đến hàng trăm nghìn đơn hàng.

Viettel Post và sàn thương mại điện tử Vỏ Sò hiện đang đẩy mạnh việc cung ứng hàng hóa thiết yếu cho TP HCM thông qua việc triển khai gian hàng “đi chợ online” từ ngày 31/8. “Dự kiến nhu cầu hàng hóa sẽ còn tiếp tục tăng, chúng tôi đã bố trí nhân sự để có thể vận hành hoạt động trơn tru, đảm bảo thời gian giao các đơn hàng thiết yếu tới tay người tiêu dùng”, đại diện Viettel Post chia sẻ.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom) cho rằng, Hệp hội hoàn toàn ủng hộ những quy định nhận diện shipper để đảm bảo an toàn chống dịch nhưng không vì thế mà lại siết quá mức như việc hạn chế khu vực giao hàng. Điều này làm cho việc lưu thông hàng hóa bị ảnh hưởng, chuỗi cung ứng bị đứt gãy.

Vecom cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các lực lượng thực thi pháp luật, đặc biệt tại các chốt kiểm soát giao thông cần coi người giao hàng là đang làm nhiệm vụ chống dịch và có thái độ tôn trọng họ.

Theo Vecom, trong khi các doanh nghiệp thương mại điện tử và đa số người dân tôn trọng và đánh giá cao nỗ lực làm việc của đội ngũ giao hàng thì một bộ phận quản lý nhà nước và lực lượng thực thi pháp luật chưa có thái độ tôn trọng thỏa đáng.

"Cần xem đội ngũ giao hàng có vai trò quan trọng thứ hai, sau đội ngũ y tế trực tiếp chăm sóc sức khỏe. Trong khi đa số người dân ở nhà, họ phải di chuyển liên tục và tiếp xúc với rất nhiều đối tượng, chịu sự giám sát chặt chẽ của nhiều đơn vị", đại diện Vecom nhấn mạnh.

“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Bài ảnh Bảo Anh