Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: “Kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa kinh tế, văn hóa, xã hội,... với quốc phòng, an ninh”1 nhằm thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đó cũng là nội dung được Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng, tập trung quán triệt và tổ chức thực hiện có hiệu quả, với nhiều giải pháp đồng bộ, phù hợp.

Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế, giữ vị trí trung tâm liên kết vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và của cả nước. Nhận thức rõ vai trò của Thành phố đối với sự phát triển chung của cả nước và dưới ánh sáng các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, trọng tâm là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Thành phố đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai toàn diện các mặt công tác, lấy phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, quốc phòng, an ninh là trọng yếu thường xuyên; trong đó, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh trên từng địa bàn và toàn Thành phố được quán triệt nghiêm túc, thực hiện bài bản, chặt chẽ và đạt hiệu quả thiết thực.

Theo đó, Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố đã quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; Nghị quyết số 16-NQ/TW, ngày 10/8/2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020. Các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án, nhất là các dự án do nước ngoài đầu tư, liên doanh, liên kết trong khu vực phòng thủ được hướng dẫn, thẩm định đúng quy định. Thành phố chỉ đạo các ban, ngành, địa phương phối hợp với các bộ, ngành Trung ương tổ chức Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến 2020, định hướng đến 2030; Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến 2020, tầm nhìn đến 2025. Đồng thời, tổ chức thực hiện tốt Kế hoạch số 821/KH-UBND-M, ngày 18/12/2012 của Ủy ban nhân dân Thành phố về thực hiện Quy chế kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh trong khu vực phòng thủ Thành phố; trong đó, chú trọng việc phân công lại lao động, bố trí dân cư và phát triển các ngành công nghiệp lưỡng dụng vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, vừa sẵn sàng phục vụ nhiệm vụ quân sự, quốc phòng khi cần thiết.

Với chủ trương đúng, giải pháp phù hợp, những năm qua, mặc dù đứng trước nhiều khó khăn, thách thức nhưng kinh tế của Thành phố luôn đạt mức tăng trưởng khá và giữ vững vị trí là đầu tàu kinh tế của cả nước; tổng sản phẩm trên địa bàn giai đoạn 2016 - 2020 tăng bình quân 6,41%; tỷ trọng kinh tế đóng góp trên 22,2% kinh tế cả nước. Trong năm 2021, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, nhưng do thực hiện tốt chủ trương kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh, nên kinh tế Thành phố vẫn đạt nhiều kết quả tích cực; tổng thu ngân sách đạt hơn 381.000 tỉ đồng, vượt dự toán 4,5%; kim ngạch nhập khẩu tăng 12,9%; lượng kiều hối ước đạt 6,6 tỉ USD, tăng gần 09% so với năm 2020; giải quyết việc làm cho 300.437 người, đạt 100,1% kế hoạch năm; các hoạt động văn hóa xã hội được chủ động điều chỉnh phù hợp với công tác phòng, chống dịch; công tác an sinh xã hội, an dân, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm. Năm 2022, trên cơ sở triển khai đồng bộ các giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau dịch Covid-19, kinh tế - xã hội của Thành phố đã khởi sắc khá đồng bộ và toàn diện; tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm tăng 9,03%; tổng thu ngân sách ước đạt 471.562 tỉ đồng, vượt và tăng 23,6% so cùng kỳ; đã triển khai nhiều dự án hạ tầng giao thông quan trọng. Cùng với lấy lại đà tăng trưởng về kinh tế, tiềm lực quốc phòng, an ninh trên địa bàn ngày càng được tăng cường, nhất là trong xây dựng các tiềm lực trọng yếu của khu vực phòng thủ Thành phố.

Hiện nay, với quy mô của 14 khu công nghiệp, 3 khu chế xuất, 1 khu công nghệ cao, 1 khu nông nghiệp công nghệ cao; có gần 500.000 doanh nghiệp với số vốn hơn 9,2 triệu tỉ đồng, Thành phố triển khai đồng bộ nhiều giải pháp lồng ghép giữa các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường xây dựng, hoạt động của khu vực phòng thủ các cấp. Trong đó, hình thành nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp có tính lưỡng dụng, sẵn sàng huy động, chuyển giao công nghệ phục vụ sản xuất quốc phòng. Các công trình quốc phòng, hệ thống giao thông, các căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu phương, căn cứ hậu cần - kỹ thuật,... đều được quy hoạch, quản lý chặt chẽ, hình thành thế trận liên hoàn, bảo đảm sẵn sàng chuyển địa phương từ thời bình sang thời chiến.

Hiện nay và thời gian tới, trong bối cảnh phát triển bền vững, tăng trưởng xanh đã trở thành xu thế chung; cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã, đang phát triển như vũ bão, tác động tới mọi mặt của đời sống xã hội, tạo ra cơ hội và thách thức mới cho mọi nền kinh tế. Đối với nước ta nói chung, Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, sau hơn 35 năm đổi mới, thế và lực đã lớn mạnh, đồng thời cũng tích lũy được nhiều kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, Thành phố là địa bàn trọng yếu, có vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh; là địa bàn mà các thế lực thù địch, các tổ chức phản động, lực lượng chống đối, cơ hội chính trị trong và ngoài nước tập trung chống phá, thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, bạo loạn, lật đổ, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trên tất cả các lĩnh vực. Trước tình hình đó và trên cơ sở quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025, Thành phố tiếp tục chủ trương: “Huy động hiệu quả mọi nguồn lực và tận dụng thời cơ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh; xây dựng Thành phố thông minh, phát triển nhanh, bền vững”. Để thực hiện tốt mục tiêu đó, Thành phố tập trung thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Một là, tiếp tục quán triệt sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về định hướng, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn Thành phố theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI. Trong đó, tập trung quán triệt sâu rộng Nghị quyết Trung ương 8 (khoá XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; Nghị quyết số 28-NQ/TW của Bộ Chính trị (khoá X) về tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới, Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 07/10/2022 của Bộ Chính trị (khóa XIII) về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết số 31-NQ/TW, ngày 30/12/2022 của Bộ Chính trị (khóa XIII) về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 32/NQ-CP, ngày 06/12/2018 của Chính phủ về thực hiện Chiến lược Quốc phòng Việt Nam, v.v. Qua đó, tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, các ngành, các thành phần kinh tế và toàn thể nhân dân Thành phố trong việc thực hiện kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh thời kỳ mới.

Hai là, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và toàn dân nắm vững chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước về công tác quốc phòng, an ninh. Trọng tâm là, tuyên truyền chủ trương xây dựng và hoạt động của khu vực phòng thủ, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, truyền thống cách mạng của Đảng bộ và lực lượng vũ trang Thành phố; hiểu rõ bản chất âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch. Trên cơ sở đó, nâng cao nhận thức, giác ngộ chính trị và lòng yêu nước, củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền, nỗ lực phấn đấu xây dựng khu vực phòng thủ Thành phố ngày càng vững chắc, sẵn sàng xử lý hiệu quả các tình huống về quốc phòng, an ninh.

Ba là, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện kết hợp chặt chẽ kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh trong từng quy hoạch, kế hoạch, từng dự án, chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Trước mắt, tập trung hoàn thành Quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và rà soát, điều chỉnh Quy hoạch chung Thành phố đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060. Đồng thời, lãnh đạo, chỉ đạo việc phát triển các khu công nghiệp, công nghệ, khu đô thị, thương mại, dịch vụ và quốc phòng, an ninh phải bảo đảm tính đồng bộ, hiện đại, thông suốt, cơ động cao và có khả năng chuyển đổi nhanh.

Bốn là, tập trung nguồn lực đầu tư cho lực lượng vũ trang Thành phố theo Nghị định số 165/2016/NĐ-CP, ngày 24/12/2016 của Chính phủ; trong đó, chú trọng đầu tư xây dựng lực lượng Quân đội và Công an vững mạnh. Tập trung lãnh đạo xây dựng Thành phố thành khu vực phòng thủ vững chắc cả về tiềm lực, thế trận và lực lượng; không ngừng nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập ở các cấp để lực lượng vũ trang Thành phố thực sự là lực lượng nòng cốt bảo vệ Thành phố trong mọi tình huống.

Năm là, tăng cường công tác nắm tình hình, dự báo chiến lược về quốc phòng, an ninh từ sớm, từ xa. Các cơ quan, lực lượng chức năng của Thành phố cần tăng cường nghiên cứu nắm chắc tình hình, nhất là các âm mưu, thủ đoạn hoạt động chống phá của các thế lực thù địch trên địa bàn. Phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng trong việc nắm và xử lý thông tin, đặc biệt nguồn thông tin từ nhân dân. Xử lý, giải quyết hiệu quả các vấn đề tiềm ẩn, nguy cơ gây bất ổn về an ninh chính trị. Chủ động dự báo sớm sự phát triển của tình hình trong nước, khu vực, quốc tế; từ đó, chuẩn bị tốt các phương án xử lý; “chủ động phòng ngừa”, ứng phó kịp thời, hiệu quả với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống.

Kết hợp giữa phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh là chủ trương chiến lược của Đảng và Nhà nước ta, đồng thời là nhiệm vụ thường xuyên, cấp thiết của mỗi địa phương, trong đó có Thành phố Hồ Chí Minh, đòi hỏi các cấp, ngành, địa phương, lực lượng và toàn dân phải thực sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động; đặt ra bước đi, lộ trình cụ thể và hệ thống các giải pháp cơ bản, đồng bộ, nhằm xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành trung tâm lớn trên nhiều phương diện; là đô thị thông minh, phát triển nhanh, bền vững, vì cả nước, cùng cả nước, vì hạnh phúc của nhân dân, góp phần to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

PHAN VĂN MÃI, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố
__________________

1 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb CTQGST, H. 2021, tr. 157.

(Theo Tạp chí Quốc phòng toàn dân)