Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) cho biết, phía nhà thầu Hitachi (Nhật Bản) - đơn vị thi công ga ngầm tuyến metro số 1 (tuyến Bến Thành – Suối Tiên) vừa trình diễn quy trình lắp đặt cửa ngăn nước tại các cửa vào nhà ga ngầm.

Theo đó, việc ngăn chặn ngập nước tại các nhà ga ngầm tuyến metro số 1 là rất quan trọng, nhất là đặc điểm khí hậu, thời tiết tại TP.HCM. Những năm gần đây, do tác động của biến đổi khí hậu, TP.HCM có nhiều trận mưa lớn bất thường về thời gian, địa điểm, tần suất và cường độ. Mưa lớn và đặc biệt lớn xảy ra thường xuyên trên diện rộng và cục bộ đã ngập lụt nghiêm trọng.

Từ góc độ kỹ thuật, phía nhà thầu đã tính đến phương án chống ngập cho các nhà ga ngầm của tuyến metro số 1 với việc xác định mực nước cao nhất để thiết kế cao độ của các cửa vào nhà ga ngầm như ga trung tâm Bến Thành, ga Nhà hát Thành phố và ga Ba Son. Các tiêu chuẩn thiết kế được yêu cầu tương đồng với thiết kế tại các nhà ga ngầm ở Nhật Bản.

393253604-837634978367199-618315054341972863-n-1.jpg
Chuyên gia, kỹ sư nhà thầu trình diễn lắp đặt cửa ngăn nước tại lối vào ga ngầm tuyến metro số 1. Ảnh: MAUR.

Theo đó, các cửa vào nhà ga ngầm tuyến metro số 1 được thiết kế và xây dựng gồm 2 bậc cấp và các tấm ngăn nước có chiều cao tương ứng thay đổi từ 0,3 đến 0,9m. Ngoài ra, một mái che được lắp dọc theo toàn bộ chiều dài của cấu trúc mở để tránh mưa.

Trường hợp khi nước dâng cao vượt qua tấm ngăn nước thì lúc này sẽ sử dụng các biện pháp đảm bảo an toàn hơn như sử dụng bao cát hoặc những máy bơm có công suất lớn, bơm nước từ nhiều vị trí bể thu nước dưới các tầng ngầm ra bên ngoài.

Trong lúc ngăn chặn nước xâm nhập vào nhà ga, đơn vị cũng tính đến phương án sẽ sơ tán khẩn cấp hành khách tại các tầng thấp hơn lên các tầng cao hơn và mặt đất. Tại các vị trí này, hành khách sẽ di chuyển đến khu vực cao hơn tại các lối thoát hiểm.

393133995-837635068367190-4406092336273340847-n-1.jpg
Phương án chống ngập cho nhà ga ngầm tuyến metro số 1 được đánh là rất quan trọng.

Dự án metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) có tổng chiều dài 19,7km (đoạn đi ngầm 2,6km; đoạn trên cao 17,1km) với 14 nhà ga (3 nhà ga ngầm, 11 nhà ga trên cao và 1 Depot). Đây là dự án đường sắt đô thị đầu tiên tại TPHCM, có tổng mức đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng. Tiến độ hoàn thành khoảng 96% khối lượng, trong đó có gói thầu đã đạt trên 98%. 

Hiện nay, chủ đầu tư đang dồn lực cùng nhà thầu, tư vấn tiếp tục triển khai thi công phần khối lượng công việc còn lại để hoàn thành dự án theo kế hoạch đề ra. Dự kiến, tuyến metro số 1 sẽ đưa vào khai thác thương mại từ tháng 7/2024.