Thành phố Hồ Chí Minh đã có hơn 320 năm lịch sử phát triển, hình thành nên giá trị di sản phong phú, trong đó có cả những di sản kiến trúc Việt, kiến trúc Pháp… Khắp thành phố, đan xen giữa những công trình xây dựng mới là những công trình kiến trúc xưa, những tòa nhà mang vẻ đẹp cổ kính trải qua hàng trăm năm lưu giữ dấu ấn thời gian.

Đó là Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện Thành phố, Trụ sở Uỷ ban nhân dân Thành phố, Nhà hát Thành phố, Bến Nhà Rồng, chợ Bến Thành… đã trở thành di sản kiến trúc cũng là linh hồn của thành phố, là minh chứng cho sự đa dạng văn hoá của thành phố Hồ Chí Minh.

Ảnh minh hoạ

Những di sản kiến trúc này là tài sản vô giá, là một tài nguyên sản phẩm du lịch hấp dẫn thu hút đông đảo du khách quốc tế nhiều năm qua. Đặc biệt, việc quy hoạch, giữ gìn, kết nối các di sản kiến trúc cổ với các công trình kiến trúc hiện đại không chỉ đem đến giá trị về lịch sử, văn hóa, xã hội mà còn mang lại lợi ích rất lớn về mặt kinh tế.

Trước câu hỏi về các phương án xây dựng và hình thức kêu gọi đầu tư của Thành phố đối với các di sản đã bị xuống cấp, bà Nguyễn Mỹ Hạnh, Phó Chánh Văn phòng Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Thành phố hiện có 185 di tích đã được xếp hạng, gần 100 công trình địa điểm thuộc danh mục kiểm kê.

Bên cạnh các công trình quy mô lớn như Rạp xiếc và biểu diễn đa năng Phú Thọ với tổng mức đầu tư 1.395 tỷ đồng từ vốn ngân sách thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố đã chú trọng đầu tư các công trình trùng tu, tôn tạo chùa Giác Viên (giai đoạn 2), đình Chí Hòa; tu bổ, tôn tạo Bảo tàng Lịch sử, đền thờ Hùng Vương trong khuôn viên Thảo Cầm Viên; tu bổ tôn tạo di tích khảo cổ quốc gia Giồng Cá Vồ (giai đoạn 2)…

Hiện Sở đã chỉ đạo Trung tâm Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa Thành phố nghiên cứu, thực hiện đầu tư cải tạo, nâng cấp các dự án tu bổ, tôn tạo trên địa bàn, trong đó có dự án tu bổ, tôn tạo Bảo tàng Lịch sử theo hình thức đầu tư công; đối với "Khu trưng bày chuyên đề đa năng và phòng trải nghiệm cho học sinh - sinh viên tại Bảo tàng Lịch sử" đang tiếp tục nghiên cứu thực hiện theo quy định.

Bà Hạnh cho biết thêm, Sở Văn hóa và Thể thao đang nghiên cứu, đề xuất 27 dự án kêu gọi xã hội hóa theo phương thức PPP và thu hút vốn FDI; đồng thời, rà soát các cơ sở nhà, đất do Sở quản lý để xem xét các mặt bằng đủ điều kiện và đưa vào danh mục kêu gọi đầu tư.

Ngay khi dự thảo Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54/2017/QH14 được Quốc hội thông qua, Sở sẽ tiếp tục phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các đơn vị có liên quan lập kế hoạch xây dựng phương án phù hợp; đồng thời mời gọi các nhà đầu tư có tiềm năng, năng lực tham gia các dự án đầu tư trong lĩnh vực văn hóa và thể thao.

Nguyễn Ngọc Tuân, Nguyễn Hồng Hạnh