Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có tờ trình gửi UBND TP.HCM về xây dựng quy định tạm thời việc quản lý nuôi chó, mèo trên địa bàn thành phố, nhằm đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch bệnh động vật, bảo vệ sức khỏe người dân.
Cùng với đó xây dựng hệ thống quản lý hiệu quả, đảm bảo quyền gia súc cho chó, mèo. Tăng cường ý thức của cộng đồng về trách nhiệm nuôi dưỡng chó, mèo và đối xử nhân đạo đối với hai vật nuôi này.
Quy định này khi ban hành sẽ điều chỉnh hoạt động nuôi chó, mèo làm cảnh, kinh doanh, dịch vụ lưu trú, cứu hộ động vật và các mục đích khác trên địa bàn TP.HCM.
Cụ thể, quy định chủ vật nuôi phải đăng ký việc nuôi chó, mèo với UBND cấp xã. Cùng với đó là khuyến khích các hộ nuôi gắn chip điện tử trên chó, mèo nhằm quản lý thông tin ở mức độ cá thể (phối giống, tiêm phòng, kiểm dịch vận chuyển...).
Người nuôi chó, mèo phải kê khai định kỳ 2 lần/năm; kê khai đột xuất trong thời hạn 3 ngày kể từ khi nhập về nuôi mới, hoặc theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
Chủ vật nuôi phải theo dõi sức khỏe vật nuôi thường xuyên. Khi chó, mèo có biểu hiện bất thường nghi bệnh truyền nhiễm nguy hiểm phải cách ly, theo dõi và báo ngay cơ quan thú y hoặc chính quyền địa phương để được hỗ trợ, xử lý theo quy định.
Chủ nuôi phải thực hiện tiêm phòng bắt buộc đối với bệnh dại của chó, mèo theo quy định để hạn chế nguy cơ lây nhiễm bệnh cho con người, chó và các vật khác. Quy định cũng yêu cầu chủ vật nuôi không được thả rông chó nơi công cộng, không để chó tấn công người và các vật nuôi khác. Khi đưa chó ra nơi công cộng, chủ vật nuôi bảo đảm an toàn cho người xung quanh. Chó phải được xích giữ, đeo rọ mõm và có người dắt.
Ngoài ra, chủ vật nuôi phải cam kết thực hiện công tác bảo vệ môi trường trong chăn nuôi và áp dụng các biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi theo quy định hiện hành.
Chuồng phải giữ sạch sẽ để tạo sự thoải mái cho chó và để kiểm soát dịch bệnh. Phân phải được loại bỏ thường xuyên để giảm mùi hôi.
Chuồng nuôi chó dữ phải đảm bảo không để mọi người tiếp cận, có bảng cảnh báo. Chuồng nuôi cũng cần chỗ ngủ phù hợp với điều kiện thời tiết, diện tích sàn tối thiểu 10m²/con, chiều cao chiều rộng tối thiểu 1,8m.
Về số lượng vật nuôi, theo quy định, số lượng nuôi nhỏ là từ dưới 10 con chó hoặc dưới 20 con mèo; số lượng nuôi vừa là từ 10 đến dưới 50 con chó hoặc từ 20 đến dưới 100 con mèo; số lượng lớn từ 50 con chó hoặc từ 100 con mèo trở lên. Trong trường hợp hộ dân vừa nuôi chó và mèo thì tính một con chó tương đương hai con mèo.
Triển khai biện pháp cấp bách phòng chống bệnh dại
Trước đó, Sở Y tế cũng có công văn gửi các địa phương và các đơn vị liên quan về việc tiếp tục tăng cường triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh dại trên địa bàn TP.HCM.
Theo đó, các đơn vị phải tăng cường giám sát chặt chẽ các trường hợp bị chó, mèo nghi dại cắn để hướng dẫn tiêm phòng và xử lý ổ dịch kịp thời.
Phối hợp chặt chẽ với ngành thú y trên địa bàn để kịp thời thông tin khi phát hiện hoặc nhận được thông tin, giám sát về các trường hợp người bị chó, mèo mắc bệnh dại hoặc nghi mắc dại cắn.
Phối hợp với các đơn vị, tổ chức liên quan trên địa bàn tăng cường truyền thông về sự nguy hiểm, hậu quả của bệnh dại cũng như các biện pháp phòng, chống bệnh dại trên người và động vật; vận động người dân kịp thời đến các cơ sở y tế để khám, tư vấn và tiêm phòng dại khi bị chó, mèo mắc bệnh dại hoặc nghi động vật mắc bệnh dại cắn.
Sở Y tế cũng chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố hướng dẫn, theo dõi, giám sát các đơn vị, địa phương trong việc thực hiện các hoạt động của phòng, chống bệnh dại trên người.
Phối hợp với Chi cục chăn nuôi Thú y (thuộc Sở NN&PTNT) trong việc chia sẻ thông tin về tình hình bệnh dại và phối hợp điều tra, xử lý ổ dịch kịp thời.
Đặc biệt, Sở Y tế yêu cầu các cơ sở tiêm vắc-xin phòng dại phải đảm bảo nguồn vắc-xin để người dân tiếp cận đầy đủ.