Lời tòa soạn: Tại TP.HCM mới đây xôn xao chuyện chủ nuôi hành hung người cha bảo vệ con khi gặp chó không đeo rọ mõm ở chung cư. Đáng nói, thực trạng nuôi chó thả rông, không đeo rọ mõm trong khu dân cư đã trở thành vấn đề nhức nhối, rất đáng bàn và cần quản lý chặt chẽ sau hàng loạt vụ chó nuôi tấn công làm chết chủ nhà, hàng xóm hay khiến trẻ nhỏ thương tật suốt đời.

Vụ việc ở Thanh Hóa, chó nuôi cắn chết chủ nhà trong lúc đang cho nó ăn từng gây xôn xao dư luận. Chuyện xảy ra ở gia đình bà D. (64 tuổi, trú thôn Sao Vàng, xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) vào khoảng 21h30 ngày 28/8/2022.

Trong lúc bà D. đang cho chó ăn (giống Pitbull, nặng khoảng 40kg), thì bất ngờ nó quay lại tấn công, cắn nhiều nhát vào người, mặt khiến bà D. ngã xuống nền, bất tỉnh. Đến thời điểm đó, con chó đã được gia đình bà D. nuôi hơn một năm.

Người thân nhanh chóng đưa bà D. đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, nhưng do vết thương quá nặng, nạn nhân tử vong sau 3 ngày điều trị.

Sau khi cắn chết chủ nhà, con chó Pitpull đã bị gia đình bà D. tiêu hủy. Ảnh minh họa: Internet

Nhận thấy việc chó nhà nuôi phản chủ như vậy, sau khi bà D. mất, gia đình đã quyết định mang tiêu hủy vật nuôi này.

Một chuyện đau lòng khác cũng đã xảy ra tại Bình Phước, khi bé P.N.T.T. (8 tuổi, ngụ ấp 2, xã Đồng Tiến, huyện Đồng Phú) qua nhà bà nội chơi ngày 22/7/2022, đã bị chó Pitbull nặng khoảng 30kg cắn tử vong.

Vào thời điểm đó, bà nội ở phía trước, bé T. một mình đi ra sau nhà chơi. Con chó Pitbull được xích sau nhà bất ngờ tấn công, cắn vào người bé T. Dù được người nhà đưa đến bệnh viện cấp cứu, nhưng bé T. đã không qua khỏi. 

Cũng liên quan đến nạn nhân là trẻ em, mới đây, Bệnh viện Sản nhi tỉnh Phú Thọ tiếp nhận bệnh nhi N.G.H. (3 tuổi, trú tại huyện Phù Ninh, Phú Thọ), vào cấp cứu trong trạng thái quấy khóc, tâm lý hoảng sợ, nhiều vết chó cắn ở trên mặt. 

Gia đình cho biết, vụ việc xảy ra khi bé H. sang nhà hàng xóm chơi. Khi nghe tiếng con khóc và la hét, gia đình phát hiện bé đang bị chó cắn, gây ra vết thương ở vùng mặt, hai bên má, vết rách chảy nhiều máu bám bụi bẩn. 

Mẹ của bé cho biết, con chó tấn công H. được gia đình hàng xóm nuôi để trông nhà. Tại thời điểm xảy ra sự việc, chó được thả rông, không rọ mõm.

Trước đó, ngày 7/11/2022, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa cũng tiếp nhận một bé trai Y.T.B. (2 tuổi, ở thị trấn Phong Sơn, huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa) cấp cứu trong tình trạng sốc mất máu, trên vùng mặt có nhiều vết thương hở, để lộ xương sọ, tổn thương mắt.

Người nhà của bé B. cho biết, hôm xảy ra sự việc bé đang chơi gần nhà thì bị một con chó tấn công. Bé B. ngã xuống đường nhưng con chó vẫn không buông tha. Nó tiếp tục cắn, cào cấu vào mặt cháu bé.

Sau 11 ngày điều trị, cháu B. ổn định sức khỏe. Ảnh CTV

Gia đình đưa bé B. đến Bệnh viện Đa khoa huyện Cẩm Thủy để sơ cứu. Tuy nhiên, do vết thương quá nặng, cháu bé được chuyển tiếp xuống Bệnh viện Nhi Thanh Hóa để tiếp tục điều trị.

Sau 11 ngày được các y, bác sĩ tại bệnh viện điều trị tích cực, các vết thương của cháu bé dần ổn định.

Cơ quan chức năng khuyến cáo, nếu nhà có trẻ em, gia đình không nên nuôi chó hoặc nếu có phải nuôi nhốt. Đồng thời, những gia đình nuôi chó phải thường xuyên để ý, quan sát và không cho chó tiếp xúc với mọi người xung quanh, tránh xảy ra những tai nạn đáng tiếc.

Trách nhiệm chủ vật nuôi khi chó cắn chết người?

Bác sĩ Vương Phương Thảo - Khoa Mắt, Tai mũi họng, Răng hàm mặt, Bệnh viện Sản Nhi Phú Thọ cho biết, thời gian qua bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhi bị chó thả rông cắn. Hầu hết trường hợp bị chó cắn là do chủ quan cả từ phía gia đình nuôi chó và trẻ. Vì vậy, các phụ huynh cần hạn chế cho trẻ em tiếp xúc với chó nuôi, chó lạ. Nhà có trẻ nhỏ không nên nuôi giống chó to và dữ. Nếu nuôi chó cần tiêm phòng đầy đủ, có rọ mõm...

Luật sư Giang Hồng Thanh - Văn phòng luật sư Giang Thanh cho hay, theo Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ NN&PTNT quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn, chủ nuôi chó, mèo phải xích, nhốt hoặc giữ chó trong khuôn viên gia đình; bảo đảm vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng xấu tới người xung quanh.

Khi đưa chó ra nơi công cộng phải bảo đảm an toàn cho người xung quanh bằng cách đeo rọ mõm hoặc xích giữ chó và có người dắt.

Trong trường hợp chó không rọ mõm cắn chết người ở nơi công cộng, chủ chó có thể bị xử lý hình sự về tội “Vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người” theo Điều 295 Bộ luật hình sự.

Mức hình phạt đối với chủ chó có thể tới 5 năm tù (nếu 1 người chết) hoặc đến 12 năm tù (nếu 3 người chết trở lên). Bên cạnh đó chủ chó còn phải bồi thường toàn bộ thiệt hại cho người bị chó cắn. Đây là quy định tại Điều 603 Bộ luật dân sự.

Kỳ sau: Chủ nuôi chó thả rông tấn công cả người góp ý