TP Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt với hơn 2.000km2 và hơn 10 triệu dân. Thành phố đã và đang chịu áp lực về lượng chất thải lớn, khả năng xảy ra sự cố chất thải là hoàn toàn có thể xảy ra. Chính vì vậy, việc xây dựng một quy trình cụ thể để ứng phó sự cố chất thải trên địa bàn thành phố là hết sức cần thiết phù hợp với điều kiện thành phố và để chủ động ứng phó, cũng như xác định trách nhiệm các bên liên quan trong công tác ứng phó.

Thông tin từ UBND TP cho biết, trên địa bàn TP có những khu vực có nguy cơ cao xảy ra sự cố chất thải, tập trung trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, các bãi chôn lấp chất thải, khu xử lý nước thải tập trung. Có thể kể tên như: Bãi chôn lấp Đa Phước tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn và nghĩa trang Đa Phước; bãi chôn lấp số 1, 1A, 2 và 3 tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc; bãi chôn lấp Gò Cát; bãi chôn lấp Đông Thạnh. Các khu vực có nguy cơ sự cố chất thải lỏng, có thể kể tên như: Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng; nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng Hòa; nhà máy xử lý nước thải Tham Lương - Bến Cát; các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn huyện Bình Chánh, quận 12...; các bệnh viện khu vực nội đô...

23 ho chi minhok.jpg
Thành phố đã và đang chịu áp lực về lượng chất thải lớn, khả năng xảy ra sự cố chất thải là hoàn toàn có thể xảy ra. 

Để sẵn sàng, chủ động ứng phó với nguy cơ xảy ra sự cố chất thải, từ nhiều năm nay, UBND TP đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo triển khai và đồng nhất với phương châm “bốn tại chỗ” gồm chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện, vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ và “ba sẵn sàng” gồm phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả.

Cùng với đó, Sở Tài nguyên & Môi trường cùng các đơn vị có liên quan thống nhất thực hiện nhiều giải pháp phòng ngừa như xây dựng lực lượng chuyên trách, lực lượng kiêm nhiệm thực hiện nhiệm vụ quản lý, phòng ngừa, ứng phó với sự cố chất thải. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các khu công nghiệp, khu chế xuất, nhà máy vi phạm quy định về quản lý, xử lý chất thải.

TP Hồ Chí Minh cũng sẽ tăng cường hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ; trao đổi thông tin, học tập kinh nghiệm về dự báo, cảnh báo, ứng phó, khắc phục với sự cố chất thải. 

Tháng 7/2023, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM đã có chỉ đạo về việc chủ động phòng ngừa, ứng phó sự cố chất thải tại các cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) trong mùa mưa bão năm 2023.

Trước đó, trong tháng 4/2023,  Ủy ban nhân dân TP cũng ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình Giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2020-2030 trong năm 2023 với các nhóm giải pháp cụ thể như: Tăng cường sự tham gia và phối hợp của các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện, các đơn vị có liên quan trong công tác truyền thông nâng cao nhận thức, giúp cộng đồng dân cư Thành phố thay đổi hành vi, hình thành thói quen tích cực trong bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; hoàn thiện cơ chế chính sách để thu hút các ngành nghề đầu tư trong lĩnh vực môi trường; nâng cao năng lực quản lý, phát triển nguồn nhân lực; củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý, đào tạo nguồn nhân lực đảm bảo thực hiện hiệu quả mục tiêu đề ra; hiện đại hóa cơ sở vật chất, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thực hiện công tác quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh đầu tư công nghệ cao, khuyến khích việc sử dụng công nghệ, thiết bị tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu chất thải, kiểm soát và xử lý triệt để ô nhiễm; tăng cường liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành phố trong vùng, các vùng lân cận và quốc tế trong quản lý, giải quyết các vấn đề tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu…

Trà My và nhóm PV, BTV