Thành phố Móng Cái có trên 50km bờ biển, trên 19.900ha biển và đất bãi triều cùng hơn 2.700ha ao đầm nuôi trồng thủy sản. Thành phố đã dành nhiều sự quan tâm và nguồn lực để đưa thủy sản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. 

Xác định mục tiêu này, tại Nghị quyết số 57/NQ-HĐND ngày 25/5/2018 của HĐND thành phố đã quy hoạch chi tiết vùng nuôi trồng thủy sản tập trung thành phố Móng Cái đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030.

hai san mong cai.jpg
Hiện nay, diện tích nuôi thủy sản mặn, lợ ở Móng Cái được quy hoạch hơn 1.800ha.

Thời gian qua, thành phố Móng Cái đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường, đầu tư nâng cấp hạ tầng các vùng nuôi tập trung; quản lý quy hoạch các vùng nuôi đồng thời xử lý dứt điểm tình trạng nuôi trồng thủy sản trái phép, ngoài quy hoạch… hướng tới phát triển thủy sản bền vững.

Trong đó, việc ứng dụng khoa học kĩ thuật vào nuôi trồng thuỷ, hải sản được thành phố đặc biệt quan tâm. Cụ thể là tích cực ứng dụng công nghệ nuôi tôm 2, 3 giai đoạn, công nghệ biofloc, nuôi ít thay nước, nuôi tuần hoàn nước, ứng dụng công nghệ vi sinh thay cho các sản phẩm kháng sinh, hóa chất phục vụ nuôi thủy sản... 

Đồng thời, các đơn vị và hộ nuôi tôm đã đẩy mạnh phát triển theo chiều sâu và đa dạng hóa sản phẩm chế biến, tập trung chế biến các sản phẩm mực, cá, tôm, cua, ghẹ; phát huy hiệu quả 2 thương hiệu sản phẩm tôm thẻ chân trắng và ghẹ Trà Cổ...

Với diện tích nuôi thủy sản mặn, lợ được quy hoạch hơn 1.800ha, trong đó chủ yếu là diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng, thành phố đặc biệt quan tâm đến việc đầu tư hạ tầng cho các vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung. 

Đến nay, 11/12 xã, phường có diện tích nuôi tôm tại Móng Cái đã hình thành các vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung ứng dụng công nghệ nuôi mới, tiên tiến, cho hiệu quả kinh tế cao.

Theo số liệu thống kê, tổng diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng giai đoạn 2018-2020 của thành phố đạt gần 6.000ha; sản lượng đạt 2.655 tấn; giá trị sản lượng đạt 292,1 tỷ đồng. 

Riêng năm 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn do tình hình dịch bệnh Covid-19, thời tiết khí hậu diễn biến không thuận lợi, song tổng sản lượng thủy sản đạt gần 25.500 tấn, bằng 109,5% so với cùng kỳ; giá trị sản xuất ngành thủy sản đạt gần 1.020 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế của thành phố.

Tại xã Vạn Ninh, nhiều gia đình đã ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến trong nuôi tôm công nghiệp. Đặc biệt, xã Vạn Ninh quy hoạch 3 vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung với diện tích quy hoạch 450ha.

Theo đó, tổng diện tích thả nuôi tôm hàng năm của xã đạt 315ha với sản lượng bình quân đạt 750 tấn tôm thương phẩm; doanh thu bình quân đạt 75 tỷ đồng mỗi năm, trong đó lợi nhuận hàng năm đạt 30 tỷ đồng, góp phần nâng cao thu nhập đời sống của các hộ nuôi trồng thuỷ sản.

Để ngành nuôi trồng thuỷ sản phát triển bền vững, thành phố đặc biệt quan tâm đến công tác bảo vệ mội trường trong nuôi trồng thuỷ sản. Thời gian qua, thành phố đã chỉ đạo thực hiện nghiêm công tác đảm bảo vệ môi trường đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh phải thực hiện các điều kiện để bảo vệ môi trường. Trong đó, ủy quyền cho các xã, phường phê duyệt kế hoạch bảo vệ môi trường đối với các hộ có diện tích nuôi trồng lớn hơn 5.000m2 và nhỏ hơn 10ha.

Từ năm 2018 đến nay, 100% hộ nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn các xã, phường đã được phê duyệt kế hoạch bảo vệ môi trường với bình quân hơn 5.400 hộ nuôi mỗi năm. Các cơ sở sản xuất kinh doanh, nuôi trồng thuỷ sản đều tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường, thực hiện việc thu gom và xử lý chất thải đúng nơi quy định. 

Đặc biệt, nhiều cơ sở nuôi tôm đã áp dụng công nghệ nuôi sử dụng vi sinh BOX; dần chuyển dịch từ phương thức quảng canh, quảng canh cải tiến sang hình thức bán thâm canh, thâm canh...; được tham gia các lớp đào tạo nghề nuôi trồng thủy sản, tham quan để học tập các mô hình nuôi tôm công nghệ cao trong tỉnh, do đó, năng suất nuôi tôm ngày càng đạt cao.

Đơn cử như xã Vạn Ninh, từ năm 2018, xã đã tổ chức cho 170/170 hộ nuôi trồng thuỷ sản ký cam kết bảo vệ môi trường. Hàng năm, xã chủ động phối hợp với Chi cục thuỷ sản lấy mẫu giám sát an toàn tực phẩm không phát hiện chất cấm sử dụng trong quá trình nuôi. 

Hiện nay, trên địa bàn xã có 10 hộ nuôi hàu hà với tổng diện tích 1,2ha, gồm 55 lồng bè với 830 phao xốp. Đến nay, 10/10 hộ đã thực hiện chuyển đổi phao xốp với 368 phao nhựa đã được thay thế.

Để tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thuỷ sản, xã Vạn Ninh cũng đã hình thành 3 chuỗi liên kết nuôi tôm công nghệ cao. Các chuỗi liên kết sản xuất trên địa bàn đều đảm bảo quy trình khép kín từ con giống, thức ăn đến sản xuất và bao tiêu sản phẩm. 

Trong 3 năm qua, thành phố đã tổ chức được 12 lớp đào tạo nghề nuôi trồng thủy sản cho 350 hộ nuôi; 40 lớp đào tạo tập huấn kỹ thuật cho trên 2.000 người tham gia; thành lập 6 tổ quản lý cộng đồng vùng nuôi trồng thủy sản, 9 hợp tác xã, tổ liên kết vừa để tổ chức sản xuất tập trung vừa gắn với tiêu thụ sản phẩm. 

Trong đó, thành phố đã huy động gần 1.400 tỷ đồng để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vùng nuôi; đầu tư cho công tác đào tạo nguồn nhân lực, phòng chống dịch bệnh, hỗ trợ lãi suất...

Cùng với việc chú trọng nâng cao sản xuất, nuôi trồng, thành phố đã chủ động tìm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm thủy sản bằng việc phối hợp với các tổ chức, bộ, ngành cấp Trung ương, tỉnh Quảng Ninh và một số địa phương Trung Quốc để xúc tiến xuất khẩu. 

Bên cạnh đó, định hướng xây dựng hình thức, cơ chế liên kết phù hợp giữa các cơ sở thu mua với cơ sở nuôi; hình thành các mô hình liên kết, liên doanh, hợp tác xã, mô hình tổ quản lý cộng đồng tại tất cả các vùng nuôi tập trung để cùng tham gia tổ chức sản xuất thủy sản liên hoàn theo chuỗi giá trị sản phẩm.  

Thúy Ngân và nhóm PV, BTV