Nhiều bất cập còn tồn tại cũng như những kiến nghị, giải pháp đã được các chuyên gia tham gia thảo luận trong Hội thảo chuyên đề “Quản lý xây dựng, chỉnh trang và phát triển đô thị TP.HCM” do Bộ Xây dựng và UBND TP.HCM phối hợp tổ chức ngày 7/10.

Phát triển nhưng nhiều thách thức

Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ X có chương trình đột phá “Chỉnh trang và phát triển đô thị”. Với chương trình này, Thành phố phấn đấu đến năm 2020 di dời và tổ chức lại cuộc sống cho 20.000 người dân đang sống trên và ven kênh rạch; cải tạo, xây dựng mới ít nhất 50% thay thế chung cư cũ hư hỏng, xuống cấp…

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, công tác phát triển đô thị của thành phố luôn được coi là hướng then chốt để phát triển và đạt được nhiều thành tựu gắn liền với những đột phá trong tư duy phát triển đô thị. Tuy nhiên, còn nhiều thách thức như mất kiểm soát tăng trưởng dân số cơ học, phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị chưa theo kịp tốc độ phát triển kinh tế và dân số, vấn đề biến đổi khí hậu, nước biển dâng và sụt lún đất gây hiệu ứng ngập úng, xâm nhập mặn…

{keywords}

Hội thảo chuyên đề “Quản lý xây dựng, chỉnh trang và phát triển đô thị TP.HCM” do Bộ Xây dựng và UBND TP.HCM phối hợp tổ chức ngày 7/10.

TS.KTS Trần Thị Lan Anh, Cục Phát triển đô thị - Bộ Xây dựng cũng nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm của chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị TP.HCM, trong đó có vấn đề chỉnh trang đô thị dọc hai bên bờ kênh rạch, cải tạo chung cư cũ, thay thế tạo ra các khu nhà ở mới có chất lượng, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.

Phân vùng quản lý

Theo đánh giá của PGS.TS.KTS Nguyễn Trọng Hòa, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM: “Trên địa bàn thành phố, việc sử dụng đất cho phát triển đô thị ở nhiều khu vực kém hiệu quả. Thành phố đã giao gần như toàn bộ quỹ đất trong các khu vực định hướng phát triển đô thị nhưng tỷ lệ đất được thực sự đưa vào đầu tư phát triển đô thị không nhiều, tạo nên hiện tượng đầu cơ đất đai… Ngày càng nhiều nơi trong thành phố bị ách tắc giao thông, ngập lụt, nhiều dự án khó hoặc không thực hiện được, nhất là các dự án sử dụng nguồn vốn từ ngân sách hoặc các nhà đầu tư tính toán thiệt hơn. Tình trạng người dân khiếu kiện kéo dài do bị thu hồi đất hoặc giá đền bù chưa thỏa đáng; xây dựng trái phép hoặc không phép vẫn luôn thường trực ở các quận huyện vùng ven…”.

“Hệ thống các đồ án quy hoạch đô thị của TP.HCM tưởng như đã hoàn thiện vì đã được lập, thẩm định và phê duyệt theo đúng các quy định của pháp luật đang gặp nhiều khó khăn vì khi đưa vào quản lý phát triển đô thị lại khá tùy tiện, thiếu cơ sở khoa học, gây cản trở quá trình chỉnh trang và phát triển đô thị, hoặc tại nơi này nơi kia đã được xử lý nhưng thường bằng những giải pháp mang tính tình thế, thiếu tính bền vững”, ông Hoà cho biết thêm.

Cụ thể, tại một khu đất, theo đồ án có thể được phép xây dựng công trình với hệ số sử dụng đất và tầng cao lớn, song phải đồng bộ với việc đầu tư cải tạo phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật, trong đó có hệ thống giao thông, và nhất là hệ thống giao thông công cộng. Chính vì vậy mà khi chưa có câu trả lời chính xác về thời điểm hoàn thành hệ thống giao thông này thì việc cho phép đầu tư hàng loạt công trình lớn sẽ gây ách tắc giao thông là điều hiển nhiên.

Theo đó, ông Hoà đề xuất giải pháp mang tính khả thi nhất đó là thực hiện phân vùng quản lý chỉnh trang và phát triển đô thị được giữ nguyên theo hệ thống đồ án quy hoạch chung - xây dựng đô thị tại các quận, huyện đã được phê duyệt như hiện nay.

Phát triển đô thị nén

Bày tỏ quan điểm, TS. Huỳnh Thế Du, Giám đốc đào tạo chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, nêu đề xuất then chốt là thành phố nên tập trung vào chương trình đột phá chỉnh trang và phát triển đô thị gắn với phát triển hệ thống vận tải công cộng, nhằm tạo cấu trúc không gian đô thị thông minh, hiệu quả, làm nền tảng cho một thành phố có sức cạnh tranh và đáng sống.

Ngoài ra, nhằm giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông, chuyên gia này nhấn mạnh việc nhất quán trong các chính sách nhằm đảm bảo phát triển đô thị nén, tập trung vào những nơi đã phát triển, hạn chế phát triển đô thị phân tán với mật độ thấp và phải giữ bằng được vành đai xanh của thành phố. Đồng thời, gắn chương trình đột phá về giải quyết ùn tắc giao thông với chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị. Phát triển bán đảo Thủ Thiêm gắn kết tốt với khu trung tâm hiện hữu; phát triển khu Nam Sài Gòn gắn với liên kết vùng.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, chương trình phát triển các khu đô thị mới sẽ mở rộng khu trung tâm cũ, hình thành thêm khu trung tâm đô thị mới là khu đô thị Thủ Thiêm và các khu đô thị vệ tinh trên các hướng quan trọng của thành phố.

Đại diện HoREA khuyến khích các công trình kiến trúc đạt tiêu chuẩn xanh, sử dụng năng lượng tái tạo, thiết bị, vật liệu mới thân thiện môi trường… “Việt hóa” các mô tuýp kiến trúc nước ngoài để tránh lai căng, hoặc bê nguyên xi thiết kế nước ngoài; học tập kinh nghiệm thiết kế, xây dựng các công trình kiến trúc kiểu Pháp - châu Âu đã được “Việt hóa” đưa vào thành công ở nước ta mấy chục năm trước đây.

Trang Phạm