Thanh tra TP.HCM vừa công bố kết quả thanh tra việc sử dụng quản lý đất công trên địa bàn TP.HCM trong 2 năm 2016 - 2017.
Theo đó, TP.HCM có đến 103 địa chỉ nhà đất công sản có dấu hiệu sai phạm. Trong đó, chủ yếu liên quan đến cho thuê trái phép (32 địa chỉ/mặt bằng); không quản lý, bỏ trống gây lãng phí (26 địa chỉ); sử dụng không đúng mục đích, sai quy định (17 địa chỉ); để xảy ra lấn chiếm (3 địa chỉ), vừa cho thuê trái phép vừa bỏ trống (1 địa chỉ); các sai phạm khác (14 mặt bằng).
Thanh tra TP.HCM nhận định đa số các sai phạm trong quản lý nhà, đất công chủ yếu liên quan đến các đơn vị sự nghiệp, tổng công ty, công ty nhà nước cho thuê đất, giao đất. Các sai phạm chủ yếu là sử dụng sai mục đích, cho thuê trái quy định, bỏ trống gây lãng phí tài nguyên.
TP.HCM công bố hàng loạt sai phạm về đất công. (Ảnh minh họa) |
Nguyên nhân chủ yếu là do các cơ quan, đơn vị được nhà nước giao, cho thuê đất thiếu trách nhiệm trong việc quản lý, sử dụng. Ngoài việc quản lý lỏng lẻo, có trường hợp các đơn vị vì lợi ích cục bộ mà vi phạm.
Đơn cử như lợi dụng hình thức kêu gọi đầu tư, hợp tác liên doanh, liên kết để cho thuê đất; hoặc tự ý cho công nhân viên làm nhà trên khuôn viên đất đang quản lý không đúng thẩm quyền, nhiều khu đất chưa đăng ký, chưa lập thủ tục thuê đất, lập hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận…
Cạnh đó cũng có trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc chưa kịp thời kiểm tra và xử lý nghiêm việc sử dụng nhà đất công không đúng mục đích, sai quy định pháp luật.
Điển hình như Tổng công ty Du lịch Sài Gòn - TNHH MTV (Saigontourist) quản lý 14 khu đất công sản lớn nhưng lại tự ý cho tư nhân thuê mở nhà hàng, cửa hàng, làm kho bãi, văn phòng. Ví dụ như ở khu nhà đất số 18 Khổng Tử (P.Bình Thọ, quận Thủ Đức) được Saigontourist sử dụng cho thuê làm nhà hàng.
Hay 14 cơ sở, mặt bằng đất công do UBND quận 8 và Công ty dịch vụ công ích quận 8 quản lý song hơn một nửa địa chỉ nhà đất, với diện tích lên đến hơn 11.800m2 để hoang hóa, gây lãng phí.
Hay tại Công viên Bình Phú (quận 6) cũng có 2 công trình xây dựng không phép, lấn chiếm đất sử dụng chung. Trong quá trình quản lý, UBND quận 6 thiếu kiểm tra nên không phát hiện Công ty Vila và doanh nghiệp TN Lê Minh tự ý xây dựng các công trình trong công viên để kinh doanh.
Còn tại Công viên văn hóa Phú Lâm, UBND quận 6 cũng cho thuê gần 1.900m2 để xây dựng công trình Nhà hàng tiệc cưới Sun Palace. Tại đây, Trung tâm Văn hóa quận 6 cũng lấy đất công viên xây sai phép công trình văn phòng. Tại Công viên Lê Thị Riêng (quận 10) cũng bị cắt đất cho thuê làm sân khấu ca nhạc, trung tâm trò chơi thiếu nhi Thỏ Trắng, nhà sách, quầy dịch vụ ăn uống...
Từ các sai phạm trên, thanh tra TP.HCM kiến nghị xử lý thu hồi tiền, tài sản về ngân sách nhà nước. Đến cuối tháng 2/2018, cơ quan này đã kiến nghị thu hồi cho ngân sách nhà nước số tiền 7,8 tỷ đồng và thu hồi 2.498m2 đất và 3 mặt bằng đất.
Đồng thời, kiến nghị kiểm điểm, xử lý trách nhiệm 11 tập thể và 34 cá nhân. Đến nay đã xử lý bằng hình thức kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với 10/11 tập thể , 29/34 cá nhân và xử lý bằng hình thức khiển trách 4/34 cá nhân. Hiện tại, các đơn vị liên quan đang tổ chức thực hiện.
Quốc Tuấn
Hà Nội ‘siết’ quản lý trụ sở làm việc và nhà, đất công
Hà Nội yêu cầu các sở ngành và đơn vị liên quan báo cáo về kết quả thực hiện phương án sắp xếp xử lý các cơ sở nhà đất và trụ sở làm việc cơ sở hoạt động sự nghiệp
Hà Nội: Chấm dứt ngay cho thuê, mượn; tạm dừng chuyển mục đích nhà đất công
Hà Nội yêu cầu chấm dứt ngay việc cho thuê cho mượn hợp tác liên doanh liên kết không đúng quy định của pháp luật đối với các cơ sở nhà đất được giao quản lý sử dụng
Chuyển nhượng nhà, đất công sản tại Đà Nẵng: Vì sao bị điều tra?
Cơ quan an ninh điều tra (Bộ Công an) vừa có văn bản gửi Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đề nghị phối hợp điều tra, xác minh làm rõ sai phạm trong việc mua, bán nhà đất công sản tại Đà Nẵng
"Điểm mặt" các dự án, nhà, đất công sản ở Đà Nẵng bị điều tra
Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) đã đề nghị phối hợp điều tra việc mua bán nhà công sản tại Đà Nẵng từ năm 2006 đến nay