TP.HCM có văn bản dừng không xét nghiệm miễn phí cho shipper từ ngày 24-30/9. Bắt đầu từ ngày mai, doanh nghiệp và shipper phải tự chịu phí xét nghiệm.
Trong buổi họp báo chiều nay, Phó Giám đốc Sở TT&TT Từ Lương cho biết, ngày 21/9, Sở TT&TT phối hợp với Sở Công Thương, Sở Y tế tổ chức tập huấn cho các doanh nghiệp quản lý shipper với hơn 200 điểm cầu trực tuyến.
Shipper chạy trên đường phố TP.HCM giai đoạn giãn cách nghiêm ngặt. (Ảnh: Hải Đăng) |
Ngày 22/9, Sở TT&TT đã tạo tài khoản cho 33/34 doanh nghiệp và kênh liên lạc với các sở ngành liên quan cùng đội ngũ hỗ trợ kỹ thuật để đảm bảo các doanh nghiệp có thể vận hành hệ thống.
Ông Từ Lương thông tin, tính đến 12h30 ngày 23/9 đã có 19/33 doanh nghiệp (hơn 60%) thực hiện đầy đủ các thao tác sử dụng phần mềm khai báo điện tử của TP để cập nhật kết quả xét nghiệm của shipper theo hướng dẫn tập huấn, trước khi triển khai cập nhật dữ liệu chính thức vào ngày mai (24/9).
19 doanh nghiệp trên đã thực hiện thành công 3 công việc chính là: khai báo dữ liệu kết quả xét nghiệm theo mẫu; tải dữ liệu lên hệ thống và kiểm tra, xem lại kết quả đã tải lên.
Theo thông tin từ Grab, công ty đã hỗ trợ chi phí xét nghiệm cho những tài xế 2 bánh tại TP.HCM có mức độ gắn kết cao và hoạt động tích cực trên ứng dụng Grab, bắt đầu từ ngày 24/9. Cụ thể, tài xế hoàn thành đủ số khung giờ hoạt động cần thiết trên ứng dụng Grab sẽ được hỗ trợ 300.000 đồng/tuần để thực hiện xét nghiệm theo quy định của cơ quan chức năng. Tài xế phải đăng ký với Grab để được xét nghiệm tại 3 địa điểm ở Tân Bình và TP Thủ Đức. Theo bảng giá của các cơ sở y tế hợp tác với Grab, hai địa điểm ở TP Thủ Đức xét nghiệm 75.000 đồng/người, ở Tân Bình giá 160.000 đồng/người.
Theo quy định của UBND TPHCM, từ 0h ngày 16/9, shipper được giao hàng liên quận, huyện từ 6 - 21h và phải đảm bảo các điều kiện an toàn phòng, chống dịch và thực hiện xét nghiệm mẫu gộp 3 người, 2 ngày/lần. Trước 24/9, việc chi trả chi phí xét nghiệm do thành phố thực hiện.
Hải Đăng
Tự tổ chức xét nghiệm cho shipper có thể khiến giá dịch vụ giao hàng tăng cao
Đại diện ứng dụng giao hàng cho rằng, các doanh nghiệp không có đủ chuyên môn, nguồn lực để tổ chức xét nghiệm cho shipper và có thể dẫn đến chi phí giao nhận hàng hóa tăng, do nguồn cung tài xế vốn đang thấp hơn so với nhu cầu.