Theo đó, Sở Y tế TP.HCM đang lập hội đồng chuyên môn gồm các chuyên gia thuộc nhiều chuyên khoa của Hội Y học Thành phố, các bệnh viện trên địa bàn. Dự kiến hội thảo ngày 21/7 tới đây sẽ thống nhất các ý kiến đánh giá ban đầu về bệnh lý hoại tử xương hàm mặt, xương sọ. 

Sở Y tế cũng đã yêu cầu các bệnh viện tổng hợp tình hình tiếp nhận, điều trị những ca hoại tử xương sọ, hàm mặt thời gian qua để có dữ liệu đánh giá. Cách đây ít ngày, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết đã ghi nhận 11 ca viêm hoại tử xương vùng hàm mặt, xương sọ do nấm Candida, Aspergilus và vi trùng trong vòng 2 tháng. 

Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương tại TP.HCM có 16 ca hoại tử hàm trên trong 5 tháng (3 ca nặng được chuyển Bệnh viện Chợ Rẫy). Bệnh viện Tai Mũi Họng TP ghi nhận khoảng 3 ca hoại tử hàm trên. Bệnh chủ yếu xảy ra trên nền đái tháo đường, nhiều ca có nấm xâm lấn. Các bệnh nhân có tiền sử mắc Covid-19 trước đó. 

Biểu hiện của bệnh nhân hoại tử xương sọ, hàm mặt tại Bệnh viện Chợ Rẫy. 

Theo ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, ngành y tế sẽ đánh giá ban đầu và có phương án khảo sát các yếu tố liên quan đến bệnh lý này, tránh gây tâm lý hoang mang cho người dân. 

Chiều 13/7, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cũng đã yêu cầu ngành y tế khẩn trương tìm hiểu kỹ nguyên nhân về các ca bệnh hoại tử xương hàm trên người từng mắc Covid-19. Từ đó, điều trị cho bệnh nhân tốt hơn, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân, sớm có câu trả lời khoa học cho người dân yên tâm. 

"Cần phải làm rõ nguyên nhân, bởi lẽ hiện nay nhiều thứ chúng ta gán cho “hậu Covid-19”. Điều đó có đúng hay không? Chúng ta cũng không nên làm dư luận hoang mang", ông Dương Anh Đức nói. 

Kết luận về hàng loạt bệnh nhân hoại tử xương sau mắc Covid-19Hội đồng chuyên môn thông tin, chùm ca bệnh hoại tử xương ở bệnh nhân sau mắc Covid-19 tại TP.HCM liên quan đến thiểu dưỡng cục bộ của xương sọ - mặt và bội nhiễm với nhiều nguyên nhân khác nhau, cần được nghiên cứu thêm.