UBND TP.HCM vừa có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ về ý kiến phương án, phương thức thực hiện dự án Xây dựng đường cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành (cao tốc TP.HCM - Chơn Thành).
Theo đó, UBND TP.HCM ủng hộ phương thức thực hiện dự án cao tốc TP.HCM- Chơn Thành theo kiến nghị của UBND tỉnh Bình Dương với điểm đầu kết nối với đường Vành đai 3 (thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương), phù hợp với Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Về phương án kết nối từ đường Vành đai 2 TP.HCM (tại nút giao thông Gò Dưa) đến đường Vành đai 3 TP.HCM (đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương), UBND TP.HCM cho rằng đoạn này không thuộc quy hoạch đường cao tốc TP.HCM - Chơn Thành.
Hiện đoạn đường dẫn kết nối cao tốc này có 2 đoạn. Trong đó đoạn trên địa bàn tỉnh Bình Dương (từ Vành đai 3 đến ranh TP.HCM) là đường tỉnh ĐT 743 hiện hữu đã được đầu tư với chiều dài khoảng 7,15km, mặt cắt ngang từ 36m - 43,5m. Lộ giới quy hoạch là 60,0m.
Riêng đoạn còn lại thuộc địa bàn TP.HCM dài khoảng 1,65km, TP.HCM đã có ý kiến thống nhất với Bộ GTVT từ nút giao Gò Dưa tuyến đi dọc theo tỉnh lộ 43 (thuộc TP Thủ Đức) khoảng 800m rồi rẽ phải theo đường tỉnh ĐT 743. TP.HCM dự tính bố trí 2.000 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách TP để triển khai đầu tư thành một dự án riêng, đảm bảo kết nối đồng bộ hiệu quả với đoạn tuyến đường dẫn trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Còn về nút giao giữa đường Vành đai 3 TP.HCM với đường cao tốc TP.HCM - Chơn Thành, hiện giai đoạn 1 đường Vành đai 3 TP.HCM qua địa bàn tỉnh Bình Dương (đoạn Mỹ Phước - Tân Vạn), UBND TP đề nghị cần nghiên cứu phương án nút giao phù hợp trong giai đoạn phân kỳ của đường cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành để tổ chức giao thông được an toàn, lưu thông thuận lợi, phát huy hiệu quả đầu tư dự án.
Theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, tuyến cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một- Chơn Thành có điểm đầu tại đường Vành đai 3 TP.HCM, điểm cuối tại Chơn Thành (Bình Phước), chiều dài khoảng 60 km (đoạn qua Bình Dương dài 53 km và Bình Phước dài khoảng 7 km) quy mô 6 làn xe.
Dự án được chia làm 2 giai đoạn đầu tư, hoàn thành trước năm 2030 với tổng kinh phí khoảng 17.300 tỷ đồng, đầu tư xây dựng theo hình thức BOT.
UBND tỉnh Bình Dương được Thủ tướng giao làm cơ quan chủ trì triển khai dự án. UBND tỉnh Bình Dương đã chấp thuận Tập đoàn Becamex là nhà đầu tư đề xuất dự án theo phương thức đối tác công tư (PPP). Hiện tỉnh Bình Dương đang phối hợp với nhà đầu tư hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.