Những hình ảnh vệ tinh do Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) ở Washington mới công bố cho thấy rất nhiều hoạt động chế tạo tàu sân bay "khủng" của Trung Quốc trong 6 tháng vừa qua tại xưởng đóng tàu Giang Nam ở bên ngoài thành phố Thượng Hải.
Bất chấp các thông tin do truyền thông Trung Quốc đăng tải, chính phủ nước này chưa từng chính thức công nhận việc chế tạo tàu sân bay thứ ba. Thời gian cũng như quy mô của dự án hiện vẫn là bí mật quốc gia.
Tuần trước, Lầu Năm góc tuyên bố, Bắc Kinh đã bắt đầu xúc tiến dự án, nhưng không có hình ảnh nào bị rò rỉ cho mãi tới thời điểm hiện tại.
Các bức ảnh vệ tinh của CSIS dường như hé lộ phần đuôi hình cánh cung của tàu sân bay mới cùng phần sàn trước phẳng 30 mét và một phần thân tàu tách rời, rộng 41 mét có các cần trục treo trên đầu. Các nhà phân tích cho rằng, tàu sân bay mật danh Type 002 này của Trung Quốc có vẻ nhỏ hơn các hàng không mẫu hạm nặng 100.000 tấn của Mỹ, nhưng to hơn tàu sân bay Charles de Gaulle nặng 42.500 tấn của Pháp.
Các phân xưởng chế tạo tương đương kích cỡ nhiều sân bóng đá đã được xây dựng quanh xưởng đóng tàu Giang Nam. Hoạt động nhiều khả năng tiếp tục ở vùng lưu vực ngập nước, thuận tiện cho việc hạ thủy tàu đã hoàn thiện ra cửa sông Dương Tử gần đó.
Phương Tây và các chuyên gia phân tích an ninh trong khu vực đều đang tìm kiếm các thông số kỹ thuật cụ thể của Types 002. Song, họ nhìn chung đều tin đây sẽ là hàng không mẫu hạm cỡ lớn, hiện đại và có khả năng dẫn đầu mọi chiến dịch tấn công theo nhóm của quân đội Trung Quốc trên biển.
Hiện vẫn chưa rõ tàu sân bay nói trên có chạy bằng nhiên liệu hạt nhân hay không. Trung Quốc đang sở hữu 10 tàu ngầm hạt nhân, nhưng cho đến nay chưa trang bị động cơ hạt nhân cho bất kỳ tàu nổi nào của nước này. Theo một số chuyên gia, Trung Quốc chưa sẵn sàng cho công nghệ tối tân như vậy.
Giới quan sát nhận định, việc ra đời một tàu sân bay tự chế cỡ lớn đầu tiên là phần cốt lõi trong những nỗ lực hiện đại hóa quân đội toàn diện của Bắc Kinh. Động thái được cho nhằm chống lại hàng thập kỷ chiếm ưu thế chiến lược của Mỹ ở Đông Á.
Tuấn Anh