Trong lúc căng thẳng leo thang ở Biển Đông, Trung Quốc lại công bố bản đồ 130 đảo ở vùng biển này và cả các đảo tranh chấp với Nhật ở Hoa Đông.



Bản đ9 đoạn mà Trung Quốc đưa ra gây bất bình với các nước trong khu vực.Ảnh: wordpress

Cơ quan Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa chất quốc gia Trung Quốc (NASMG) hôm qua thông báo, lần đầu tiên nước này đã đánh dấu thể hiện rõ các đảo ở Biển Đông trên các bản đồ chính thức.

Bản đồ mới với định dạng theo chiều dọc, do nhà xuất bản Sinomaps ấn hành. Trong đó, phần lớn các đảo và quần đảo chưa từng được Trung Quốc mô tả trong các tấm bản đồ được định dạng theo chiều ngang trước đây.

Theo NASMG, bản đồ mới sẽ được đưa ra công chúng vào cuối tháng 1. Phụ trách Sinomaps Tô Cân Tài nói rằng, bản đồ mới có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của người dân về chủ quyền quốc gia, bảo vệ quyền hàng hải và các lợi ích cũng như thể hiện lập trường ngoại giao chính trị Trung Quốc.

Tô còn cho hay, bản đồ mới mô tả rõ ràng các đảo lớn ở Biển Đông, thể hiện mối quan hệ địa lý của các đảo này với các đảo, quần đảo phụ cận và những quốc gia xung quanh. 

Ở hai góc dưới cùng bên trái và phải của bản đồ lần lượt cho in hình các quần đảo tranh chấp ở Biển Đông và Hoa Đông.

Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei đã phản đối yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Bất chấp chồng lấn chủ quyền, Bắc Kinh vẫn ngang nhiên tuyên bố có chủ quyền với hầu hết vùng biển giàu tài nguyên này.

Trước đó, việc Trung Quốc in bản đồ đường 9 đoạn trong hộ chiếu điện tử đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ Việt Nam và Philippines. Tấm hộ chiếu mới còn in hình bản đồ kèm những khu vực tranh chấp giữa Trung Quốc và Ấn Độ.

Ở một tin tức liên quan, cũng trong hôm qua, Trung Quốc đã tuyên bố sẽ tăng cường tuần tra hàng hải và tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên để đảm bảo chủ quyền của họ ở Hoa Đông và Biển Đông. Tờ Nhật báo Trung Quốc dẫn lời giám đốc Tổng cục Hàng hải Trung Quốc Lưu Tứ Qúy rằng, các tranh chấp lãnh thổ leo thang trong năm 2012 đã khiến họ phải tăng cường bảo vệ chủ quyền hàng hải của Bắc Kinh trong khu vực.

“Bắc Kinh sẽ tiếp tục thực hiện tuần tra thường xuyên ở quần đảo Điếu Ngư (cách Trung Quốc gọi quần đảo Senkaku tranh chấp với Nhật ở Hoa Đông) và Biển Đông", Lưu nói.
Trong khi đó, Trung tâm nghiên cứu Địa lý và Biên giới Lịch sử Trung Quốc thuộc Viện Khoa học Xã hội nước này thừa nhận rằng, Trung Quốc còn tụt hậu so với nhiều nước khác trong khu vực về cơ sở hạ tầng hàng hải, khả năng thực thi luật pháp, cơ sở và nhân viên tuần tra biển.

“Một ngân sách lớn và các hỗ trợ khác sẽ được dành riêng cho cơ quan ngư nghiệp, giám sát hàng hải và lực lượng phòng vệ bờ biển để thúc đẩy các nỗ lực của Trung Quốc trong mục tiêu trở thành cường quốc hàng hải", Lưu nhấn mạnh.


Thái An (theo Zeenews)