Trong việc định hình vai trò của mình tại biển Đông, thế "lưỡng nan" của Mỹ tập trung vào suy nghĩ lựa chọn giữa ưu tiên về sức mạnh, hay ưu tiên về luật/thể chế.

>> Vì sao Mỹ ngày càng cứng rắn với TQ?

>> TQ đang gây hấn với không chỉ Việt Nam

>> Nước Nhật 'trở lại' sẽ thay đổi an ninh khu vực

Gần đây, các hành động xác lập chủ quyền phi lý của Trung Quốc trên biển Đông, đặc biệt là vụ giàn khoan Hải Dương 981, đã làm dấy lên những câu hỏi đâu là những động thái "xoay trục" thực sự của Mỹ tại khu vực.

Từ năm 2011, khi chính phủ Obama công bố chính sách xoay trục (sau đó là tái cân bằng) luôn có những luồng đánh giá khác nhau. Một mặt, có ý kiến cho rằng chính sách này đang đi đúng hướng và tạo ra sự đồng thuận lớn với các nước trong vùng, từ đó tạo điều kiện cho Mỹ tái khẳng định lại vai trò lãnh đạo tại khu vực Thái Bình Dương.

Mặt khác, cũng có luồng ý kiến khác nghi ngờ xem những gì mà Mỹ thể hiện cho đến thời điểm này chỉ qua lời nói. Hoặc cho dù có Mỹ có hành động, nhưng những hành động đó là chưa đủ mạnh để đối phó lại tình hình an ninh và cán cân quyền lực đang thay đổi mạnh mẽ. Ý kiến này càng được nhiều sự ủng hộ hơn khi cùng một lúc khủng hoảng Ukraine xảy ra tại Châu Âu, và việc Nga "dễ dàng" sáp nhập được Crưm làm cho Mỹ rơi vào tình huống "lưỡng đầu thọ địch".

Hai góc nhìn trên được ThS Trương Minh Huy Vũ, giảng viên Khoa Quan hệ Quốc tế, Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQG Tp HCM, chia sẻ.

{keywords}
Tàu khu trục USS Wayne E. Meyer của Mỹ từng tới biển Đông. Ảnh: Navy.mil

Chiến lược hai trục

Ông ví von Mỹ đang theo đuổi chiến lược hai trục tại biển Đông. Ông có thể giải thích rõ hơn?

Khái niệm chiến lược hai trục xuất phát từ cuộc tranh luận lâu dài trong chính sách đối ngoại của Mỹ, qua đó đi tìm sự cân bằng giữa hai trường phái trong quan hệ quốc tế: chủ nghĩa thể chế quốc tế và chủ nghĩa sức mạnh hiện thực.

Trong nhiều thời điểm, giai đoạn khác nhau, có lúc Mỹ ưu tiên chiến lược này nhưng có lúc lại ưu tiên chiến lược kia. Việc sử dụng song hành hai đại chiến lược thể hiện bản chất lưỡng thể của chính sách đối ngoại Mỹ: vừa là quốc gia mạnh nhất trên thế giới, cũng là quốc gia thúc đẩy và xây dựng thế giới được cai trị bằng luật lệ. Và sự đụng độ giữa hai trường phái này đã làm cho chính sách đối ngoại của Mỹ luôn đi dây giữa hai xu hướng vừa muốn giải quyết các vấn đề mâu thuẫn trong quan hệ quốc tế bằng luật, nhưng cũng vừa muốn có được những ưu tiên chiến lược dựa trên các cân sức mạnh nghiêng về ưu thế của mình.

Trong việc định hình vai trò của mình tại biển Đông, thế "lưỡng nan" của Mỹ tập trung vào suy nghĩ lựa chọn giữa ưu tiên về sức mạnh, hay ưu tiên về luật/thể chế. Ưu tiên luật pháp thì sợ bị xem là con cọp giấy, nhưng nếu "hùng hổ" về sức mạnh thì hoàn cảnh hiện tại (cả dư luận quốc tế, lẫn quốc nội không cổ xúy). Vì thế phải đi tìm điểm cân bằng giữa hai đại chiến lược, mà nếu chuyển tải thành chính sách có thể tạm gọi là giữa thúc đẩy "thể chế hóa" và tạo thế quân sự để "răn đe giới hạn".

Tại sao trong vấn đề biển Đông, Mỹ phải đi tìm sự cân bằng giữa hai trường phái tiếp cận này?

Lý do đơn giản và dễ nhận thấy nhất là Mỹ bị song trùng về lợi ích tại biển Đông. Một mặt, Mỹ cảm nhận không có lợi ích trực tiếp về tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, lẫn lãnh hải, trong khi đó Trung Quốc lại là đối tác lớn về kinh tế, lẫn an ninh-chiến lược. Vì thế trong một thời gian dài, chính phủ Mỹ đều giữ thái độ trung lập về các tranh chấp chủ quyền, tức là không đứng về bên nào trong việc phân định lãnh thổ với nhau.

Nhưng mặt khác, sự trỗi dậy của Trung Quốc đã thách thức Mỹ trong nhiều lĩnh vực. Trong đó, hai vấn đề lớn nhất là quyền tự do hàng hải, một trong những nguyên tắc đã được chính phủ Mỹ định nghĩa là "lợi ích quốc gia" tại biển Đông. Nếu Trung Quốc có những tác động tiêu cực đến tự do hàng hải của khu vực thì Washington sẽ phản ứng để chống lại.

Bên cạnh đó, chính sách đối ngoại của Bắc Kinh tạo thành một đe dọa an ninh cho hệ thống đồng minh của Mỹ. Ở biển Hoa Đông, Trung Quốc và Nhật đụng độ quyết liệt xung quanh quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư; ở biển Đông, Trung Quốc đụng độ Philippines ở bãi cạn Scarborough và nhiều điểm nóng khác. Nếu xem việc Trung Quốc tuyên bố vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) tại biển Hoa Đông hoặc đụng độ Philippines ở Scarborough là một phép thử của Bắc Kinh trực tiếp vào hệ thống đồng minh của Mỹ thì việc hai phép thử này thành công sẽ làm lung lay hai mắt xích quan trọng nhất, một ở Đông Bắc Á một ở Đông Nam Á.

Chính sự song hành hai mục tiêu cùng lúc làm cho bất kì chính phủ nào của Mỹ cũng rất khó khăn trong việc lựa chọn một chính sách "xuyên suốt và rõ ràng". Ý tôi muốn nhấn mạnh ở đây trong cả lời nói lẫn hành động.

"Vũ khí chiến lược" của Mỹ?

Một số chuyên gia cho rằng, vụ giàn khoan Hải Dương 981 cũng là một "phép thử" của TQ đối với Mỹ. Ông nghĩ sao về điều này?

Trước hết, cần nói rằng, qua vụ giàn khoan Hải Dương 981, cái Trung Quốc muốn là hợp thức hóa chủ quyền thực địa và tạo phép thử cho các nỗ lực của các nước Đông Nam Á nói chung, và Việt Nam nói riêng tìm kiếm một chính sách đối ngoại cân bằng và độc lập hơn.

Trong một thế giằng co trên biển như vậy, kẻ mạnh thì thiếu lý nhưng ưu thế thực địa, ngược lại người chính nghĩa, có lý lại bị thua thiệt về chủ quyền thực tế. Về vụ giàn khoan Trung Quốc đã bị thế giới lên án là bá quyền, các nước ASEAN nghi ngờ chính sách trỗi dậy hòa bình, và tạo thêm nhiều "cơ hội" cho Mỹ và các đồng minh thúc đẩy chính sách "tái cân bằng chiến lược". Lời nói có biến thành hành động hay không, và tốc độ có đủ nhanh để đối phó với vụ giàn khoan hay không lại là câu hỏi khác.

Trong bối cảnh như vậy, cần có một cái nhìn sát với thực tế. Nhìn lại nhiều thập niên qua, một trong những điều kiện giúp Mỹ giữ được vai trò này là nhờ sự thống trị của hải quân Mỹ trên các vùng biển Tây Thái Bình Dương, trong đó có biển Đông. Tuy nhiên, hiện nay cái khó của Mỹ là Trung Quốc đang tận dụng điểm yếu của Mỹ bằng cách sử dụng yêu sách lãnh thổ, tạo ra tranh chấp lãnh thổ - yếu tố mà xét về nguyên tắc Mỹ phải đứng trung lập giữa các nước. Thế nên, ưu tiên của Mỹ tại biển Đông là nhất quyết bảo vệ tự do hàng hải tại khu vực và trước hết bằng công cụ pháp lý, qua đó có thể có thể xây dựng một trật tự chung cho các nước xung đột mà không mang tiếng "can dự chuyện nội bộ bất hợp pháp".

Trong bối cảnh một quốc gia muốn thúc đẩy trật tự bằng luật thì việc thúc đẩy thông qua UNCLOS phải là một ưu tiên như lời của Tổng Thống Obama trong bài phát biểu mới đây tại lễ tốt nghiệp của Học viện Quân sự Hoa Kỳ ở West Point: "Nước Mỹ cũng không thể giải quyết vấn đề xung đột ở biển Đông nếu Thượng viện Mỹ không phê chuẩn Công ước về Luật Biển (UNCLOS)". Đó không những là cơ sở pháp lý, đạo đức như đã trình bày ở trên mà còn là "vũ khí chiến lược" của Mỹ tại biển Đông.

Xét trên mặt thực địa, Mỹ sẽ không có thêm nhiều hành động can thiệp quân sự trực tiếp chừng nào tình hình biển Đông còn chưa leo thang đến mức xung đột vũ trang. Còn nhớ trường hợp đụng chạm tại bãi đá Scarborough với Philippines, một đồng minh của Mỹ tại Đông Nam Á năm 2012. Việc Trung Quốc sử dụng những tàu cá với chiêu bài dân sự đã hạn chế Mỹ tham gia trực tiếp bảo vệ lợi ích cho Philippines.

Nếu Bắc Kinh cứ tiếp tục sử dụng chiêu thức tương tự tại bãi cạn Scarborough, Washington sẽ không điều động hải quân khi các tàu của Trung Quốc được gắn mác dân sự. Quan trọng hơn, trong cả hai vụ Scarborough (và cả giàn khoan 981) cái Mỹ muốn đứng trên lợi ích của nước họ là một khu vực biển Đông hòa bình và ổn định được quản lý bằng luật pháp quốc tế chứ không ưu tiên hỗ trợ hay ủng hộ nước nào (dù có là đồng minh) bằng các biện pháp quân sự.

Bởi vậy, trong tình hình hiện tại, nếu Việt Nam thúc đẩy việc sử dụng luật quốc tế, chẳng hạn như cùng các nước ASEAN đẩy nhanh đàm phán COC với Trung Quốc hay sử dụng các kênh pháp lý để kiện những hành động hiếu chiến của Bắc Kinh, Mỹ sẽ ủng hộ Việt Nam bởi điều này hoàn toàn tương đồng với lợi ích của Mỹ. Điều này cũng đã được thể hiện qua các phát biểu của lãnh đạo hành pháp Mỹ những ngày vừa qua.

Ông cho rằng UNCLOS là một "vũ khí chiến lược" của Mỹ tại biển Đông. Nhưng đến nay chính phủ Obama - dù nhiều lần lên tiếng ủng hộ - nhưng vẫn chưa thúc đẩy được Thượng Viện thông qua. Đâu là lý do cho sự trì hoãn?

UNCLOS là "vũ khí chiến lược" của Mỹ tại biển Đông, nhưng nó có thể là "rào cản chiến lược" của Mỹ với tư cách một quốc gia giữa vai trò siêu cường toàn cầu. Phạm vi điều chỉnh của UNCLOS liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều đối tượng khác nhau, nên xuất hiện nhiều nhóm lợi ích trong lòng nước Mỹ.

Xét chiều dài lịch sử, tất cả các nỗ lực thông qua UNCLOS đến nay đều gặp thất bại bởi sự phản đối của các thành viên đảng Cộng Hòa trong Chính phủ và trong Thượng viện, dẫn đến vấn đề UNCLOS không được đưa ra, hoặc nếu được đưa ra thì lại không đủ 2/3 số phiếu cần thiết.

Bên cạnh các tiếp cận phủ định tuyệt đối, còn có các đề xuất khác tìm kiếm một giải pháp ưu tiên dùng luật, nhưng không bắt buộc tham gia UNCLOS. Chẳng hạn có ý kiến cho rằng, Mỹ không cần phải tham gia UNCLOS mới có thể quản trị được các vùng biển của mình bằng luật và thể chế quốc tế, mà nên ưu tiên theo đuổi những hiệp ước mang tính song phương chỉ với với các nước có liên quan.

Nói chung, sự vận động UNCLOS của chính trường nước Mỹ từ nhiều năm qua cần được đặc trong bối cảnh "lưỡng nan" của Mỹ trong việc song trùng lợi ích giữa một bên là mong muốn điều chỉnh các nước khác bằng luật và thể chế quốc tế, một bên là không muốn những điều chỉnh đó giới hạn lợi ích và quyền sử dụng sức mạnh của bản thân.

Đây là một bài toán khó mà chính quyền Obama khó đưa ra lời giải rốt rào trong những năm cầm quyền còn lại, xét về tầm quan trọng của UNCLOS so với các hồ sơ đối nội khác như kinh tế hay bất bình đẳng xã hội mà Obama và nội các của ông phải ưu tiên. Nếu có một điểm sáng nào đó, đó có thể là hy vọng về sự tiếp tục quá trình này sau năm 2016 bởi một nữ Tổng thống từ Đảng Dân Chủ?

Xin cảm ơn ông!

Duy Linh - Vân Trần (thực hiện)