Phát biểu trong cuộc họp báo hôm 19/2, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho biết, việc trục xuất là do một bài xã luận do tờ Wall Street Journal đăng tải ngày 3/2 nhan đề "Trung Quốc là người bệnh thực sự của châu Á".

{keywords}
 

Ông Cảnh Sảng nhấn mạnh: "Các biên tập viên đã sử dụng một tiêu đề phân biệt chủng tộc đến như vậy, gây ra sự phẫn nộ và lên án trong nhân dân Trung Quốc và cộng đồng quốc tế. Đáng tiếc, những gì báo WSJ đã làm cho đến nay không có gì ngoài việc ngăn cản và né tránh trách nhiệm của họ. Báo chưa đưa ra lời xin lỗi chính thức cũng như không cho chúng tôi biết họ dự định làm gì với những người liên quan ... Do đó, chúng tôi quyết định rằng, kể từ hôm nay, thẻ tác nghiệp dành cho ba nhà báo WSJ sẽ bị thu hồi".

Trong một tuyên bố phát đi cùng ngày, Câu lạc bộ các phóng viên thường trú nước ngoài tại Trung Quốc xác nhận, đây là vụ trục xuất đơn lẻ các nhà báo nước ngoài lớn nhất của Bắc Kinh kể từ năm 1989, nhưng là động thái đầu tiên kiểu này kể từ năm 1998.

Trong bài viết thông tin về sự việc trên trang web chính thức, Wall Street Journal cho hay, Phó văn phòng thường trú của báo Josh Chin cùng hai phóng viên Chao Deng và Philip Wen nhận được lệnh phải rời Trung Quốc trong vòng 5 ngày.

Tháng 8 năm ngoái, một phóng viên khác của báo là Chun Han Wong cũng bị trục xuất khỏi đại lục khi Bắc Kinh từ chối gia hạn giấy phép tác nghiệp của ông, tiếp sau khi ông đứng tên đồng tác giả một bài viết về anh em họ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Theo CNN, động thái mới của Bắc Kinh được đưa ra không đầy một ngày sau khi các quan chức Mỹ thông báo liệt 5 đơn vị truyền thông đến từ Trung Quốc vào diện “cơ quan đặc phái nước ngoài” và nhân viên của họ sẽ được coi là công chức của các cơ quan chính phủ Trung Quốc. Điều này đồng nghĩa, cũng như đại sứ quán Trung Quốc, các đơn vị truyền thông nói trên sẽ phải chia sẻ danh sách nhân sự và đăng ký tất cả các tài sản họ thuê hoặc sở hữu tại Mỹ với Bộ Ngoại giao nước sở tại. Bắc Kinh lên án đây là động thái "xử ép" của Washington.

Tuấn Anh