- Vắc-xin 6 trong 1 khan hiếm, người dân phải chờ cả tháng, xếp hàng xí chỗ từ sớm để chờ được tiêm phòng. Nhờ thế, hàng quán, cửa hàng bán đồ chơi gần đó... bỗng “vào cầu”, lãi cả trăm nghìn mỗi ngày thay vì ngồi chơi xơi nước như trước.

Tất tưởi vì vắc-xin

Mặc dù con đã hơn 6 tháng tuổi, nhưng chị Ngô Hoài An (Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội) vẫn chưa tiêm phòng được cho con dù đã chạy đôn chạy đáo khắp nơi. Có người bạn thân làm tại một trung tâm về vắc xin trên đường Nguyễn Khánh Toàn (Cầu Giấy, Hà Nội), chị và chồng đã nhờ vả nhưng chờ cả tháng nay chưa được.

Chị An chia sẻ: “Trung tâm này mỗi đợt nhập vài trăm liều vắc-xin 6 trong 1 nhưng chủ yếu là cho con em cán bộ công nhân viên chức, ngoại giao, ít bán ra ngoài. Bạn mình đăng kí rồi mà 3 đợt thuốc về vẫn chưa tới lượt”.

Chờ suất ngoại giao không được, vợ chồng chị An đành phải đi xếp hàng tại trung tâm Y tế dự phòng trên phố Lò Đúc. Dậy từ 4h sáng ngày 1/10 để đi xếp hàng, số mà chị đăng kí được đã lên tới 15. Tiêm xong đã là 9h30’.

{keywords}
Trung tâm Y tế dự phòng phố Lò Đúc lúc nào cũng đông đúc

Đây là lần thứ tư sau ba lần “canh” vắc-xin hụt của chị. Ngày nào, việc đầu tiên khi đến cơ quan là chị lướt web xem trung tâm thông báo gì, nhấc điện thoại gọi đến tất cả các điểm tiêm dịch vụ, xem nơi nào có vắc-xin. Khổ nỗi các tổng đài chắc nhiều mẹ gọi nên lúc nào cũng báo bận.

Không có suất ngoại giao, đi làm hành chính không có thời gian xếp hàng, chị Nguyễn Thanh Toàn (Kim Ngưu, Hoàng Mai, Hà Nội) phải đăng kí qua mạng cho cậu con trai 8 tháng tuổi. Chị Toàn cho hay: “Tôi đăng kí tiêm phòng cho con tại Phòng tiêm phòng Vắc-xin - Viện kiểm định Vắc-xin ở số 1 Nghiêm Xuân Yêm, Đại Kim, Hoàng Mai. Đăng kí là phải chuyển tiền qua tài khoản ngay. Tôi đăng kí từ 15/8, ngày nào cũng vào facebook xem thông báo, chờ tin nhắn, mãi đến 1/10 mới được thông báo đưa con đi tiêm.

Nhà chỉ có 2 vợ chồng, đứa con nhỏ 7 tháng tuổi thì dị ứng sữa ngoài, chỉ bú mẹ nên chị Hoàng Thị Yên (Gia Lâm, Hà Nội) không thể nào đi xếp hàng tiêm vắc xin cho con. Bàn đi tính lại, vợ chồng chị đành thuê người xếp hàng để có phiếu tiêm cho con ngày 1/10, ngay khi có tin thuốc về. “Cái thời này mà phải đi tranh giành mới có thuốc. Tôi bế con đi mấy lần và đều được trả lời “hết số” nên đành thuê người đăng kí, trọn gói một lần là 300.000 đồng. Tôi thấy người ta đi xếp hàng từ đêm, hôm sau 8h30’ sáng con mình đã tiêm xong, mừng quá thưởng thêm cho họ 200.000 đồng nữa. Mũi 2 của con, tôi đưa 100.000 đồng thuê chị bán nước ở cửa trung tâm đăng kí tên, còn đi nhận số, vợ chồng tôi sẽ tính toán”, chị nói.

Hàng nước, quán ăn... kiếm đậm

Không mở hàng vào 7h sáng như mọi khi, từ ngày sốt vắc-xin 6 trong 1, ngày mới của chị Thanh bán trà đá trước cửa trung tâm Y tế dự phòng phố Lò Đúc từ 4h sáng. Thế nhưng chị không cảm thấy mệt mỏi, khó chịu mà rất hào hứng.

Chị Thanh kể: “Trước tôi bán hàng nước ở cổng sau trung tâm, ngày nào cũng ế dài, có ngày cả vốn lẫn lãi chỉ được 20.000 đồng. Nhưng từ ngày có dịch vụ tiêm vắc-xin 5 trong 1 và 6 trong 1, việc làm ăn của chúng tôi phát đạt hẳn. Ngày cao điểm, tiền bán hàng lên tới cả triệu đồng. Ước gì, tháng nào cũng có chục ngày như này là chúng tôi sống êm”. 

{keywords}
Cổng trung tâm, hàng nước, quán ăn, cửa hàng bán đồ chơi...  đắt khách từ ngày sốt vắc-xin 6 trong 1

Trước cửa trung tâm y tế dự phòng phố Lò Đúc chỉ có 2 quán nước, bán ngay tại vỉa hè kiêm luôn dịch vụ đăng kí tiêm phòng vắc-xin cho trẻ em.

Quán mở lúc 4h sáng cũng là lúc các bậc cha mẹ, ông bà đến đăng kí tiêm phòng cho con cháu. Trung bình, 4.000 đồng/cốc trà đá hoặc nhân trần, 10.000 đồng/hộp sữa loại 200ml - hai loại nước uống được nhiều người lựa chọn nhất. Theo chị Trần Thị Vân, một người bán hàng tại đây, mỗi ngày chị bán được từ 200 tới 300 cốc nước. Cộng với sữa hộp và bánh mì gói, mỗi ngày chị lãi cả triệu đồng.

Không chỉ vậy, mặt hàng quạt giấy và đồ chơi trẻ em cũng bán chạy. Chị Thanh chia sẻ, mỗi buổi, người bán hàng quạt gửi ở quầy nước của chị chừng chục cái, hầu như là hết. Họ còn bán vài chục cái trong một buổi sáng nữa. Buổi chiều thì bán được nhiều hơn do trời oi nóng.

“Trung bình tôi kiếm được 200.000 đồng tiền lãi nhờ bán quạt, hơn hẳn đi bán dạo ở bến xe, ga tàu. Ngoài ra, tôi bán thêm ít đồ chơi trẻ em”, bà Ân - người bán quạt giấy, tiết lộ.

Một quán phở sáng đối diện trung tâm cũng cho hay, trước cửa hàng chỉ toàn khách quen là người dân quanh ngõ. Nhưng từ ngày có dịch vụ tiêm phòng mới, nhiều khách hàng tới ăn hơn, nhất là tầm 5h sáng và 12h trưa. Nhờ vậy, cửa hàng bán thêm được 20 đến 50 bát/ngày.

Ngoài ra chủ các quán trà đá còn nhận đăng ký tên, nhận số cho khách, trung bình cũng kiếm được 100.000-300.000 đồng cho mỗi phi vụ.

Không chỉ phố Lò Đúc, các con phố khác có dịch vụ tiêm phòng như Nguyễn Khánh Toàn, Nguyễn Chí Thanh (Cầu Giấy) hay Nghiêm Xuân Yêm (Đại Kim, Hoàng Mai)... khách đến tiêm cũng đông tương tự và dịch vụ ăn theo lãi đậm nhờ cơn sốt vắc-xin.

Hải Dương