- Vị nữ Phó chánh án của Tòa án tối cao Hoa Kỳ Ruth Bader Ginsburg vừa kết thúc chuyến thăm chính thức Hà Nội, nơi bà trao đổi với Chính phủ và Tòa án NDTC về các vấn đề pháp quyền.
Bà đã gặp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, và Hội đồng Thẩm phán mới được bổ nhiệm của Tòa án NDTC, đứng đầu là Chánh án Trương Hòa Bình. Bà cũng gặp gỡ các sinh viên luật và giới học giả. Chủ đề chung của các cuộc gặp là pháp quyền và cải cách tư pháp.
Khi vị thẩm phán 82 tuổi gặp gỡ báo chí VN sáng nay, nhiều câu hỏi đặt ra với bà về việc làm thế nào nâng cao chất lượng của hoạt động tòa án tại VN.
Vị nữ thẩm phán luôn mang theo mình một bản Hiến pháp Hoa Kỳ. Ảnh: Chung Hoàng |
Bà nhận định VN đang trong quá trình cải cách tư pháp với việc sửa Hiến pháp năm 2013, ra luật mới về Tổ chức tòa án, đã và đang xây dựng những đạo luật mới... "Đây là một thời điểm sôi động. Nhưng những cải cách này sẽ phát huy tác dụng ra sao trong thực tiễn thì vẫn còn phải chờ", bà nói.
Tuy nhiên, Thẩm phán Ginsburg đánh giá cao việc VN cập nhật hệ thống pháp luật với những nguyên tắc pháp quyền theo thông lệ quốc tế, trong đó có việc thúc đẩy tranh tụng thay vì xét hỏi trong các phiên tòa.
Cuộc trao đổi với Tòa án NDTC của bà Ginsburg không dài, chỉ 1 tiếng đồng hồ, nên bà khó đưa ra những nhận xét chi tiết về hệ thống tư pháp VN. Nhưng bà chia sẻ kinh nghiệm để đảm bảo một nền tư pháp trong sạch.
Hiến pháp Hoa Kỳ đưa ra hai cách để đảm bảo tính độc lập của các thẩm phán, bà cho biết. Thứ nhất là bổ nhiệm thẩm phán trọn đời, việc mà Mỹ là nước duy nhất trên thế giới làm. Các thẩm phán tòa án liên bang cấp sơ thẩm, phúc thẩm và tối cao giữ chức đến chừng nào còn cư xử đúng mực. Họ chỉ mất chức khi có vi phạm pháp luật và đạo đức nghiêm trọng, việc hiếm khi xảy ra trong lịch sử nước Mỹ.
Thứ hai là mức lương của thẩm phán không bị cắt giảm trong thời gian giữ chức. Dù Chính phủ hay QH không đồng tình với phán quyết của thẩm phán, không ai có thể tác động nhằm cắt giảm lương của thẩm phán.
Bà đưa ra hai ví dụ để nhấn mạnh đảm bảo mức lương sẽ góp phần bài trừ tham nhũng trong hệ thống tòa án: Một là Singapore, nơi trả lương cực kỳ cao cho các thẩm phán, tối thiểu 1 triệu USD/năm. Hai là Romania, nơi có rất nhiều thẩm phán là phụ nữ, một điều tưởng chừng đáng mừng nhưng lý do phía sau lại là... lương quá thấp, không người đàn ông nào muốn theo đuổi sự nghiệp cao quý này.
Vì vậy, "tham nhũng là vấn đề mà mỗi hệ thống phải tự tìm cách giải quyết phù hợp với tập quán của mình", Thẩm phán Ginsburg nhấn mạnh.
Thẩm phán Ruth Bader Ginsburg là người phụ nữ thứ hai được bổ
nhiệm vào Tòa án tối cao Hoa Kỳ vào năm 1993 do quyết định của
Tổng thống Bill Clinton. Là một trong 9 thẩm phán quyền lực của Tòa án tối cao Hoa Kỳ, bà Ginsburg luôn mang theo người một bản Hiến pháp Hoa Kỳ ra đời năm 1787, coi đó như Kinh thánh của mình. |
Chung Hoàng
Khó lấy phiếu tín nhiệm thẩm phán tòa tối cao
Nữ đại biểu QH, nữ Đại sứ làm thẩm phán Tòa tối cao