Sáng nay, Thường trực HĐND TP Hà Nội tổ chức phiên giải trình về kết quả thực hiện công tác quản lý trật tự xây dựng.

ĐB Vũ Ngọc Anh (Nam Từ Liêm) điểm những công trình vi phạm chưa được xử lý như: Công trình vi phạm năm 2015 tại số 107 phố Thanh Nhàn (quận Hai Bà Trưng), tại số 11B phố Nguyễn Xiển, số 174-176 Nguyễn Xiển (quận Thanh Xuân).

{keywords}
ĐB Vũ Ngọc Anh

ĐB đề nghị Chủ tịch UBND các phường Quỳnh Lôi, Hạ Đình báo cáo nguyên nhân tại sao đến nay các công trình vi phạm này chưa được xử lý theo đúng chỉ đạo, trách nhiệm của các chủ tịch phường và lộ trình đến bao giờ?

Phê bình chủ tịch phường không tới giải trình

Phó Chủ tịch UBND phường Quỳnh Lôi (quận Hai Bà Trưng) Lê Thị Cúc cho hay, trong quá trình bàn giao GPMB, chính quyền phường gặp khó khăn bởi gia đình chống đối về giải quyết chính sách…

Phường đã lập biên bản, cắt điện, nước, nhiều lần tuyên truyền thuyết phục gia đình tháo dỡ công trình vi phạm. Lãnh đạo phường đã nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm vào tháng 12/2018.

Bà Cúc cho hay, quan điểm của phường và quận sẽ tiếp tục đôn đốc gia đình này thực hiện tháo dỡ. UBND quận đã ban hành quyết định cưỡng chế, sẽ thực hiện trong tháng 6 tới.

Không đồng tình với trả lời trên, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc tạm ngắt lời bà Cúc và nói phê bình Chủ tịch phường Quỳnh Lôi vì không đến tham gia giải trình mà lại để Phó chủ tịch.

“Công trình từ 2015 đến bây giờ vẫn nói chúng tôi xem thế này thế khác, trách nhiệm của phường thế này rõ ràng không được rồi”, bà Ngọc nói và yêu cầu Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng giải trình. 

{keywords}
Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Vũ Đại Phong

Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Vũ Đại Phong cho biết, Chủ tịch UBND phường Quỳnh Lôi đang được triệu tập học lớp kiến thức do TP tổ chức, cũng là lãnh đạo mới được điều động về phường, nên quận đề nghị Phó chủ tịch phường phụ trách giải trình.

Về xử lý vi phạm tại 107 Thanh Nhàn, ông Phong cho hay, quận đã yêu cầu Thanh tra quận thanh tra làm rõ trách nhiệm, sai phạm này xảy ra trong thời gian mở đường.

"Tới đây chúng tôi sẽ thực hiện tốt kết luận thanh tra, xử lý dứt điểm sai phạm”, Chủ tịch quận Hai Bà Trưng nói.

Không để vi phạm tiếp tục "treo"

ĐB Hoàng Thị Thuý Hằng (Ban Pháp chế HĐND TP) đặt câu hỏi, qua khảo sát thực tế cho thấy có sự đùn đẩy trách nhiệm, không rõ ràng giữa cán bộ quản lý trật tự xây dựng và cán bộ phòng TN&MT, dẫn đến công tác xử lý không rõ ràng, không kịp thời, không triệt để.

“Đề nghị Giám đốc Sở Xây dựng làm rõ vấn đề trách nhiệm của các bên liên quan”, ĐB Hằng nói.

Trưởng ban Đô thị HĐND TP Nguyễn Nguyên Quân đề nghị Giám đốc Sở Xây dựng cho biết hiện nay những đơn vị nào trong chấp hành chỉ đạo của TP thực hiện chưa tốt? Sở có giải pháp gì để chấn chỉnh? 

Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục thừa nhận, trong năm 2018, do không đẩy nhanh tốc độ xử lý nên số lượng công trình vi phạm tồn đọng còn nhiều. Trước năm 2018, từ 413 công trình còn tồn đọng đã giảm xuống còn 80 công trình, nhưng năm 2018 không xử lý thêm được trường hợp nào.

{keywords}
Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục

Các quận, huyện còn nhiều công trình tồn đọng là: Cầu Giấy, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Thạch Thất, Hoài Đức.

Lãnh đạo Sở Xây dựng cũng thừa nhận vẫn còn tình trạng báo cáo không chính xác và nhận một phần trách nhiệm về tình trạng này. Sở Xây dựng đã đề ra kế hoạch, trong tháng 4 sẽ phấn đấu giải quyết, đôn đốc, kiểm tra, xử lý các vi phạm trong thẩm quyền và đề ra tiến độ xử lý đối với 80 trường hợp còn tồn đọng.

“Cái gì vượt thẩm quyền thì phải mạnh dạn đề xuất chứ không để vi phạm tiếp tục “treo”. Trong đó có làm rõ trách nhiệm từ người đứng đầu cấp ủy, chính quyền sở, ngành, quận, huyện... Trách nhiệm đồng chí nào cứ thế mà bổ thôi”, ông Dục nói.

Theo ông Dục, nếu chỉ hạ độ cao công trình mà vẫn để chủ vi phạm “ngồi đó” thì đến năm sau vi phạm vẫn y nguyên.

Trả lời câu hỏi của ĐB Thuý Hằng, ông Dục cho hay, trách nhiệm hiện không còn trùng giữa các đơn vị mà đã quy về đầu mối. Chủ tịch UBND các quận, huyện sử dụng bộ máy chuyên môn, cán bộ địa chính phòng TN&MT chủ trì đầu mối, phối hợp tham mưu cùng với đội thanh tra xây dựng để xử lý triệt để việc xây dựng trên đất nông nghiệp.

Xử nghiêm việc làm giả sổ đỏ

Phát biểu tại phiên giải trình, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, hiện TP còn hơn 2.200 nội dung được thanh tra các cấp thực hiện trong vòng 10 năm qua cần được tiến hành rà soát, xử lý.

{keywords}
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung

Nói về kết luận thanh tra về đất rừng Sóc Sơn vừa được công bố, Chủ tịch Hà Nội nói TP sẽ chỉ đạo UBND huyện Sóc Sơn và 9 xã có liên quan cùng các sở, ngành xử lý dứt điểm theo kết luận thanh tra.

Với các công trình vi phạm trên đất nông nghiệp, đất công dù đã chỉ đạo quyết liệt nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp. Trong 3 năm qua, đã có 98 cán bộ là chủ tịch, phó chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn bị kỷ luật, cách chức. 

"Theo báo cáo ban đầu của Công an TP, có những vi phạm liên quan đến việc làm giả giấy tờ, sổ đỏ, TP đã đề nghị cơ quan công an điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm, không dung túng, bao che", lãnh đạo TP bày tỏ thái độ kiên quyết.

Báo cáo của UBND TP cho biết, có 98 cán bộ, công chức, lao động hợp đồng thuộc lực lượng thanh tra xây dựng bị xem xét, kỷ luật. Trong đó, có 20 trường hợp là cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo (2 phó chánh thanh tra, 7 trưởng phòng/đội trưởng; 11 phó phòng/đội phó).

Thanh tra: Biệt thự của Mỹ Linh ở Sóc Sơn có vi phạm

Thanh tra: Biệt thự của Mỹ Linh ở Sóc Sơn có vi phạm

Thanh tra TP Hà Nội nêu các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng trong quy hoạch rừng tại huyện Sóc Sơn, trong đó có biệt thự của gia đình ca sĩ Mỹ Linh.  

Hương Quỳnh