Theo báo cáo của đơn vị xếp hạng tín nhiệm FiinRatings, tính từ đầu năm đến ngày 20/11, đã có 4 lô trái phiếu xanh được phát hành theo nguyên tắc xanh của Hiệp hội Thị trường Vốn quốc tế (ICMA), chiếm khoảng 2% tổng giá trị phát hành trong kỳ.
Các lô trái phiếu này đều được các tổ chức độc lập thực hiện đánh giá xác nhận về khung trái phiếu xanh.
Thị trường trái phiếu sơ cấp tháng 10 ghi nhận tổng giá trị phát hành đạt 33 nghìn tỷ đồng, với 38 đợt phát hành, giảm 41,4% so với tháng trước nhưng tăng 1,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đây là tháng có giá trị phát hành thấp nhất kể từ tháng 7 năm nay, chủ yếu do hoạt động của nhóm ngành dẫn dắt thị trường - nhóm tổ chức tín dụng - chậm lại, sau khi đã phát hành đáng kể trong tháng trước để đáp ứng các tỷ lệ an toàn cuối quý III của Ngân hàng Nhà nước.
Tính chung 10 tháng đầu năm, tổng giá trị phát hành của cả thị trường đạt gần 348 nghìn tỷ đồng, tăng gần 60% so với cùng kỳ năm ngoái.
Xét về cơ cấu theo ngành, nhóm các tổ chức tín dụng vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất (58%) về giá trị phát hành trong tháng 10. Tuy nhiên, tỷ trọng này đã giảm đáng kể so với các tháng trước (trên 80%), do nhiều nhóm ngành khác đã phát hành những lô trái phiếu có giá trị lớn trong tháng 10, dẫn đến cơ cấu ngành tương đối đa dạng.
Một số doanh nghiệp phi ngân hàng phát hành lượng lớn trái phiếu trong tháng 10 như Vinfast (6.000 tỷ đồng), Vinhomes (2.000 tỷ đồng) và Vietjet (2.000 tỷ đồng).
Đặc biệt, tháng 10 ghi nhận lô trái phiếu 1.000 tỷ đồng do CTCP Đầu tư và Phát triển Đa quốc gia I.D.I phát hành (thuộc lĩnh vực thủy sản) được bảo lãnh thanh toán bởi GuarantCo.
Đây là lô trái phiếu phát hành dựa trên khung trái phiếu xanh của I.D.I, được xác nhận độc lập bởi FiinRatings trên cơ sở tuân thủ nguyên tắc trái phiếu xanh của ICMA. Đây cũng là lô trái phiếu xanh đầu tiên được phát hành bởi một doanh nghiệp phi tài chính.
Theo thống kê của FiinRatings, giai đoạn 2016-2023, Việt Nam đã phát hành khoảng 1,1 tỷ USD (khoảng gần 27 nghìn tỷ đồng) trái phiếu xanh, xã hội và bền vững.
Tuy nhiên, trái phiếu do tổ chức phi ngân hàng phát hành thuộc nhóm này có số dư khiêm tốn, với các đợt phát hành từ EVNFinance (1.725 tỷ đồng), Vinpearl (425 triệu USD) và BIM Land (101 triệu USD). Ngoài ra, BIDV cũng phát hành 2.500 tỷ đồng trái phiếu xanh, nâng tổng số dư trái phiếu xanh chiếm 1,8% tổng giá trị thị trường - thấp hơn đáng kể so với mức 5-7% của các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia và Philippines.
Các doanh nghiệp đang chủ động xây dựng khung tài chính xanh/khung trái phiếu xanh và thực hiện đánh giá độc lập trước phát hành theo tiêu chuẩn quốc tế như của CBI và ICMA, với những khung phát hành tiên phong từ CTCP Điện Gia Lai (GEC), BIDV, mới đây là Ngân hàng Vietcombank, CTCP Đầu tư và Phát triển đa quốc gia I.D.I và Công ty TNHH Nước sạch Hòa Bình - Xuân Mai.
Đáng chú ý, thị trường ghi nhận một số lô trái phiếu xanh có khung trái phiếu xanh được xác nhận độc lập theo tiêu chuẩn quốc tế.
Việt Nam đang trong quá trình xây dựng dự thảo để ban hành khung phân loại trái phiếu xanh và tín dụng xanh. Các giao dịch trái phiếu xanh được phát hành gần đây có phần khởi sắc hơn nhờ vào khung pháp lý cơ bản bước đầu và đặc biệt là sự tự nguyện của các thành viên trên thị trường. Qua đó, từng bước góp phần nâng cao chất lượng hàng hóa cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), trái phiếu xanh là một loại trái phiếu được phát hành để huy động vốn từ các nhà đầu tư để tài trợ cho các dự án xanh hoặc các hoạt động có tính bền vững về môi trường. Điều này được thực hiện nhằm hỗ trợ xây dựng và phát triển các ngành công nghiệp sạch, giảm thiểu khí thải, tăng cường năng lượng tái tạo và bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Trái phiếu xanh có các đặc điểm khác biệt so với các loại trái phiếu thông thường, bao gồm các tiêu chuẩn xanh nhằm đảm bảo rằng các dự án được tài trợ bởi trái phiếu xanh phải đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường và sử dụng tài nguyên bền vững. Việc phát hành trái phiếu xanh được coi là một cách thức tài trợ mới và tiềm năng để hỗ trợ cho các dự án xanh, giúp tăng cường năng lực tài chính cho các hoạt động bảo vệ môi trường, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững của toàn cầu. |