Từ năm 2012 đến nay, nữ sĩ Nguyễn Thị Bích Vượng (Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam) ra mắt nhiều tập thơ và truyện ngắn. Nổi bật phải kể đến Tia nắng chiều muộn - tập truyện đoạt Giải B không có Giải A, Giải thưởng VHNT Phố Hiến lần thứ tư (2011-2015); Tập truyện ngắn Chiều muộn trên nghĩa trang - Giải Ba, Giải thưởng VHNT Phố Hiến lần thứ năm (2016-2021). Gần đây, chị gây ấn tượng với tập thơ Trái tim mặt trời (NXB Hội Nhà văn).
Qua những trang thơ, Nguyễn Thị Bích Vượng khám phá bản thân đồng thời giúp bạn đọc tìm thấy chính mình. Khi có Trái tim mặt trời ở bên, chúng ta có cảm giác đang đi cùng một người bạn và một cánh tay quàng nhẹ qua vai. Từng câu, từng chữ rủ rỉ nhẹ nhàng như lời tâm sự của chị với em, lời nhắn ấm áp của vợ tới chồng, lúc lại như khúc hoan ca của tình yêu nồng cháy, hay hờn giận phận đời trúc trắc, éo le…
“Ôi!/Thương lắm những người đã chết/Và cả những người đang sống/Ngắc ngoải, bơ vơ, đói ăn, đói mặc.../không người thân, không nhà ở, việc làm...”
Khi cảm xúc được chiết xuất thành thơ, ta được sống trọn vẹn hơn với từng khoảnh khắc, biết nâng niu, trân trọng những kết nối thương yêu và sẵn sàng thứ tha cho chính mình và tất cả, để lại được yêu thương và ôm lấy nhau trong vòng tay tin cậy. Nguyễn Thị Bích Vượng thuộc kiểu người như vậy. Trong bài Biển khóc, chị viết:
“Biển nước hiền hòa trong xanh/Em đến thăm sóng trào biển khóc!/Giọt nước thấm làn môi mặn chát/Giận dữ ai mà sóng thét, gào?...”- hình ảnh chị sử dụng trong thơ khiến nỗi buồn dường như vơi đi và cảm giác hạnh phúc được nhân lên.
Trong những tác phẩm của mình, nhà thơ chưa bao giờ quên nhắc đặc sản quê hương Hưng Yên:
“Tháng năm quê mình nhãn đang vào quả ngọt/Ong rộn ràng nhả mật sen bật lộc đơm hoa/Người quê mình nghĩa tình, thật thà, chân chất/Yêu quê hương qua từng tấc đất/Bao nhiêu hạt là bấy nhiêu tình.../Quê hương tôi là một gia đình/Thương lắm quê mình, nơi ấy Hưng Yên!...”
Đối với Nguyễn Thị Bích Vượng, tình yêu thương vừa là “đặc sản” vừa là di sản. Sự hợp nhất của cảm xúc, trải nghiệm và ngôn từ khiến những tác phẩm của chị ăn sâu vào tâm hồn độc giả.
Ở bài Trăng thu, tác giả lại cho thấy sự biến hóa ảo diệu của ngôn từ: “Anh bên em dưới trăng thu/Mắt em long lanh như ngọc/Cả trời trăng sao rực rỡ/Mùa thu muôn ngàn tinh tú/Nghe trong ngọn gió yên vui/Nghe trong lòng ta rạo rực/Vây giữa bốn bề hạnh phúc/Em ngỡ như mình đang mơ...”
Ngôn từ của chị tạo ra phản ứng hóa học trong não, khiến bài thơ không nằm trên trang viết mà đi thẳng vào tim người đọc. Họ cảm nhận nhịp điệu bài thơ, gần gũi như thể chúng là tiếng vang hoặc biến thể của nhịp tim dưới lồng ngực.
Mỗi bài thơ trong Trái tim mặt trời đều “vẽ” ra một bức tranh quyến luyến người xem:
“Vắng anh em thấy lòng trống trải/Bao lo âu khắc khoải/Anh đi đâu?/Cây bàng khắc khoải đầu ngõ/Lộc vừng tần ngần trước sân/Cây trúc, cây trà ủ rũ...”
Nếu đủ duyên chạm tới đoạn thơ này, có lẽ bất cứ ai cũng nhìn thấy một chút của mình ở đó: cảm giác nhung nhớ xen lẫn sự phấn khởi, dễ bị tổn thương và cả sự trưởng thành khi yêu.
Thưởng thức trọn vẹn tập thơ sẽ thấy Nguyễn Thị Bích Vượng dành nhiều không gian để kể và bày tỏ tình cảm dành cho cha mẹ.
“Ốm nằm ở nhà đếm thời gian/Một hai ba... đếm mãi vẫn còn/Ốm nằm nghĩ lại công ơn mẹ/Chẳng thể nào kể hết mẹ ơi!”
“Cha đi mấy chục năm rồi/Nhưng cha vẫn sống suốt đời bên con...”
Qua những áng thơ của chị, độc giả được chiêm ngưỡng bức tranh thân thương về cha mẹ. Họ tìm cách lấp đầy trái tim con cái bằng tình yêu thương, tìm cách nuôi dưỡng và bảo vệ bất kể mất mát về thể chất hay tinh thần.
“Trời nắng gắt trên đầu/Mồ hôi hoà giọt lệ/Mắt nhòa trong nắng chan/Vòng tay bố giang rộng/Nước mắt đẫm gương mặt/Ôm chặt con vào lòng/Nghẹn ngào tay ôm xiết...”