Trầm Bê và Sacombank như một cặp đôi đầy duyên nợ. Mặc dù giàu có trước khi lấn sân sang lĩnh vực ngân hàng, nhưng cái tên Trầm Bê bắt đầu nổi tiếng từ thương vụ thâu tóm Sacombank, một NHTM cổ phần hàng đầu. Nhưng cũng chính những sai phạm khi làm phó chủ tịch HĐQT Sacombank đã đẩy Trầm Bê vào tù tội.

Sáng 6.8.2018, sau 2 tuần xét xử TAND TP.HCM đã tuyên án đối với đại án Phạm Công Danh gây thất thoát 9.000 tỷ đồng. Theo đó, Trầm Bê, nguyên Phó chủ tịch thường trực HĐQT, Chủ tịch HĐTD Sacombank lĩnh 4 án năm tù.

{keywords}
Sáng 6.8.2018, TAND TP.HCM đã tuyên phạt Phạm Công Danh 20 năm tù, còn Trầm Bê lĩnh 4 án năm tù (Ảnh minh họa)

Về nội dung vụ án, đối với Trầm Bê, là người biết Phạm Công Danh cần tiền sử dụng nhưng Danh không thể vay tiền trực tiếp tại VNCB được nên Trầm Bê đã cùng Phan Huy Khang cho Danh vay 1.800 tỷ đồng.

Hồ sơ cho vay đều là các hồ sơ lập khống, các công ty vay vốn đều không có hoạt động kinh doanh, không thẩm định, không kiểm tra sau khi cho vay, Trầm Bê đã bỏ mặc cho ông Danh sử dụng tiền vay trái quy định.

Cáo trạng nhận định ông Trầm Bê đã tạo điều kiện, giúp sức tích cực cho ông Phạm Công Danh phạm tội, gây ra thiệt hại cho VNCB. Hành vi này đã phạm vào tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Khởi nghiệp từ chế biến lâm sản

Theo nhiều trang thông tin thống kê, trong những năm gần đây, các gia đình giàu nhất Việt Nam, nổi danh trên sàn chứng khoán vẫn đều đặn được chia sẻ hàng năm với số tiền hàng chục nghìn tỷ đồng được công khai.

Song có một gia đình mà độ giàu có luôn nằm trong nhóm đầu ai cũng nể nhưng rất kín tiếng. Đó là gia đình ông Trầm Bê, nguyên phó chủ tịch Sacombank.

{keywords}
Trước khi trở thành "ông trùm", ông Trầm Bê từng hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực chế biến lâm sản (Ảnh: I.T)

Trước khi trở thành "ông trùm" ngành ngân hàng và thao túng hoạt động tại SouthernBank, Sacombank, ông Trầm Bê từng bắt đầu công việc kinh doanh với vai trò Giám đốc Công ty Chế biến Lâm sản Đông Anh vào năm 1991. 4 năm sau, ông trở thành Chủ tịch HĐQT tại công ty này.

Đến năm 1999, nhận thấy sự phát triển đầy tiềm năng của thị trường bất động sản, ông Trầm Bê lấn sân sang thị trường còn rất mới mẻ này.

Sau khi gặt hái được nhiều thành công trong lĩnh vực bất động sản, ông Trầm Bê tiếp tục đầu tư sang lĩnh vực y tế, thị trường còn rất tiềm năng khi chưa có sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân nào thời đó.

Năm 2001, ông Bê cùng với 2 người bạn là bác sĩ Nguyễn Hải Nam và Lâm Trung Lương thành lập bệnh viên Triều An, một trong những bệnh viện tư nhân đầu tiên được Bộ Y Tế công nhận là bệnh viện đa khoa chuyên sâu, đến nay đây vẫn là bệnh viện tư lớn nhất TP.HCM.

Trong quá khứ đầu tư kinh doanh của mình, bất kỳ lĩnh vực nào ông đầu tư đều là những lĩnh vực rất mới và thị trường còn bỏ ngỏ.

Giai đoạn năm 2002-2009, cái tên Trầm Bê được nhiều người biết tới hơn khi ông đảm nhiệm vai trò Chủ tịch HĐQT của Công ty Chế biến Thủy hải sản Sơn Sơn. Đây là đơn vị duy nhất đủ tiền để sở hữu dây chuyền chiếu xạ thanh long.

Tiếng tăm từ "thương vụ" thâu tóm Sacombank

Cái tên Trầm Bê bắt đầu nổi tiếng từ thương vụ thâu tóm Sacombank, một NHTM cổ phần lớn và trở thành một từ khoá hot. Nhân chủ trương tái cơ cấu ngân hàng, Trầm Bê đã thông qua SouthernBank để thâu tóm Sacombank bằng cách gom cổ phiếu STB. Điều đáng nói, SouthernBank vốn là một ngân hàng bé, kinh doanh bết bát, âm vốn chủ sở hữu. 

Trong thời gian ông Trầm Bê giữa vai trò Phó Chủ tịch HĐQT SouthernBank, ngân hàng này bê bết nợ xấu và hiệu quả thấp.

Theo kết quả của Kiểm toán Nhà nước, tỷ lệ nợ xấu của SouthernBank tính tới ngày 30.6.2012 là 45,6%. Tới tháng 11.2013, con số này tăng lên 55,31% nhưng SouthernBank chỉ báo cáo tỷ lệ nợ xấu tháng 12.2013 là 3,39%, do ngân hàng này không chuyển nợ xấu theo kiến nghị của Thanh tra Ngân hàng Nhà nước.

Với tỷ lệ nợ xấu là 55,31%, SouthernBank có con số nợ xấu tương đương với 23.483 tỷ đồng tại thời điểm tháng 11.2015.

Năm 2014, trước khi sáp nhập với Sacombank, kết quả kinh doanh của Sounthern Bank cho thấy ngân hàng này chỉ hoàn thành được một phần rất nhỏ chỉ tiêu lợi nhuận.

Cụ thể, Southern Bank chỉ lãi 17 tỷ đồng trên tổng vốn điều lệ 4.000 tỷ đồng. Trong khi đó, nợ xấu chiếm gần 6% tổng số hơn 43.000 tỷ đồng dư nợ của Southern Bank. Do lợi nhuận thấp nên sau khi trích lập các quỹ, Southern Bank còn lại 1,2 tỷ đồng và không chia cổ tức cho cổ đông.

{keywords}
Kết quả kinh doanh Sacombank đi xuống khá nhiều sau thời điểm sáp nhập với SouthernBank (Ảnh minh họa)

Điều này đã khiến nhiều người lo ngại khi đại gia này cùng gia đình lại nắm quyền chi phối ở Sacombank. Và quá trình tụt dốc của Sacombank bắt đầu từ khi Southernbank chính thức sáp nhập vào SacomBank.

Trước thời điểm sáp nhập SouthernBank, Sacombank luôn ở trong câu lạc bộ lợi nhuận nghìn tỷ và là một trong ba ngân hàng cổ phần quyền lực thời điểm đó (Sacombank, Eximbank và ACB).

Và chỉ sau quý đầu tiên sau khi Trầm Bê thâu tóm và thực hiện sáp nhập SouthernBank vào Sacombank, Sacombank bắt đầu tụt dốc. Quý đầu tiên, quý IV.2015, Sacombank đã gánh khoản lỗ trước thuế 738 tỷ đồng, lỗ sau thuế 583 tỷ đồng. Lũy kế cả năm, Sacombank lãi trước thuế 1.289 tỷ đồng, giảm 55% cùng kỳ năm 2014.

Cùng với đó là chi phí dự phòng rủi ro quý IV.2015 cũng tăng vọt, từ mức 187 tỷ đồng cùng kỳ năm 2014 lên tới 1.125 tỷ đồng trong quý IV.2015. Tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,19% đầu năm lên 1,87% vào cuối năm. Trong đó nợ có khả năng mất vốn tăng đột biến từ 980 tỷ đồng lên 3.029 tỷ đồng.

Điểm đáng lưu ý trong mục “Tài khoản có khác” của Sacombank đã có sự tăng vọt từ các khoản phải thu. Nếu năm 2014, các khoản phải thu của Sacombank chỉ là 10.013 tỷ đồng, thì năm 2015 tăng vọt lên 42.909 tỷ đồng, trong đó khoản lãi dự thu tăng từ 5.149 tỷ đồng lên 25.230 tỷ đồng.

Tuy có giảm lỗ nhưng Sacombank vẫn tiếp tục sụt giảm lợi nhuận trong năm 2016. Theo đó, lợi nhuận quý IV.2016 của Sacombank lỗ trước thuế là 18 tỷ đồng và sau thuế là 86 tỷ đồng. Lũy kế cả năm chỉ đạt 531 tỷ đồng trước thuế, giảm 55% so với năm 2015.

Năm 2016 tiếp tục ghi nhận mục “Tài khoản có khác” của Sacombank có khoản phải thu tăng lên 43.741 tỷ đồng, trong đó lãi dự thu tiếp tục tăng lên 26.389 tỷ đồng.

Điểm khá ngạc nhiên là trích dự phòng của Sacombank khá thấp. Riêng trong quý IV.2016 chi phí dự phòng rủi ro chỉ khiêm tốn ở con số 23 tỷ đồng và lũy kế cả năm là 700 tỷ đồng. Con số này cùng với lãi dự thu cao ngất ngưỡng đã phần nào che dấu bớt con số lỗ của Sacombank.

Báo cáo tài chính của Sacombank cũng cho thấy nợ xấu trong năm 2016 là 10.641 tỷ đồng, trong đó nợ có khả năng mất vốn là 7.071 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu tăng vọt 5,35%. Và đến nay, hết quý II.2018, lợi nhuận có phục hồi và đạt 575,8 tỷ đồng nhưng tỷ lệ nợ xấu của Sacombank vẫn ở mức cao với 3,7%. Các khoản phải thu tuy có giảm nhưng ở mức cao là 44.650 tỷ đồng, gấp đôi vốn chủ  sở hữu của Sacombank. Hiện ngân hàng này cũng đang chật vật xử lý nợ xấu do Trầm Bê để lại.

Từ sai phạm tại Sacombank, Trầm Bê bị tù tội

Không chỉ sụt giảm lợi nhuận, hàng loạt vấn đề chưa từng có tiền lệ tại Sacombank đã xuất hiện. Đó là vào cuối tháng 3.2016, Sacombank đã có văn bản gửi Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM (HSX) đề nghị gia hạn công bố báo cáo kiểm toán năm 2015. Theo Sacombank, lí do của việc này là Sacombank vẫn chưa nhận được hướng dẫn và phê duyệt phương án tái cơ cấu sau sáp nhập của Ngân hàng Nhà nước. Song đề nghị này của Sacombank đã bị Uỷ ban chứng khoán nhà nước (UBCKNN) từ chối.

{keywords}
Khoản nợ ngân hàng lên tới 43.000 tỷ đồng của đại gia Trầm Bê 

Tới Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2015 – 2016 của Sacombank được tổ chức vào cuối tháng 6.2017, nhiều cổ đông đã yêu cầu truy trách nhiệm đối với ông Trầm Bê sau khi hai cha con ông Trầm Bê và Trầm Khải Hòa đi mà không chào ai...

Cổ đông Lê Thị Kim Cúc đặt câu hỏi: “Sao hôm nay không có ông Trầm Bê? Ông này phá hoại nhất mà sao hôm nay không có mặt?”.

Bà Cúc cho biết, năm 2015, bà cũng như nhiều cổ đông khác không đồng ý sáp nhập Ngân hàng Phương Nam vào Sacombank. Cổ phiếu trước khi sáp nhập “cao chót vót” thì nay “thấp lè tè”. Kể từ khi sáp nhập với Southernbank, Sacombank không chia cổ tức cho cổ đông.

Trước sát nhập, nợ xấu STB chỉ có 1,8 thì nay tăng gấp nhiều lần. Rủi ro tăng gấp đôi, lợi nhuận giảm dần.

Một cổ đông nắm giữ gần 600.000 cổ phiếu của Sacombank cũng cho rằng, phải truy cứu trách nhiệm của ông Trầm Bê, đồng thời phía Ngân hàng Nhà nước cũng phải có giải thích rõ ràng vì sao lại cho phép Sacombank và Southern Bank sát nhập khiến quyền lợi cổ đông bị ảnh hưởng rất nhiều. Tuy nhiên, vấn đề này đã không được các bên giải thích thỏa đáng cho cổ đông.

Sau thời điểm diễn ra ĐHĐCĐ thường niên 2015 – 2016 của Sacombank  khoảng 1 tháng, ngày 1.8.2017, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46 - Bộ Công an) bắt tạm giam ông Trầm Bê (58 tuổi, nguyên Phó chủ tịch HĐQT kiêm Chủ tịch HĐTD Ngân hàng Sacombank) về hành vi Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Bị cáo buộc cùng hành vi, ông Phan Huy Khang (nguyên thành viên hội đồng tín dụng, nguyên Tổng giám đốc Sacombank) và 15 người là cựu cán bộ các ngân hàng TPBank, BIDV, giám đốc các công ty... cũng bị bắt giam 4 tháng. 9 người khác bị khởi tố, song được tại ngoại.

{keywords}
Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) Dương Công Minh (Ảnh: I.T)

Sau đó 1 ngày, trả lời trong bản tin được phát trên truyền hình trưa 2.8.2017, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) Dương Công Minh, đã thông tin về khoản vay nợ của ông Trầm Bê và những thành viên, công ty liên quan tại Sacombank.

Ông Minh nói: “Ông Trầm Bê có hai khoản nợ ngân hàng. Một là những khoản nợ liên quan tới bất động sản, khoảng 33.000 tỷ đồng. Một khoản nợ liên quan tới cổ phiếu, khoảng 10.000 tỷ đồng. Tổng cộng là 43.000 tỷ đồng, tất cả những khoản vay này đều có tải sản đảm bảo.

HĐQT đang tích cực thu hồi nợ. Giá trị tài sản đảm bảo này theo định giá sơ bộ của Sacombank đều có thể đảm bảo được tất cả những khoản nợ này. Thời gian thu hồi nợ là 3 năm”.

Về nợ xấu của Sacombank, ông Minh cung cấp thông tin, nợ xấu lúc đó của ngân hàng là hơn 60.000 tỷ đồng đang được xử lý một cách quyết liệt, mục tiêu mà ông Minh đưa ra là cuối năm 2017 xử lý được khoảng 20.000 tỷ đồng nợ xấu.

Sacombank đang làm ăn ra sao?

Theo BCTC hợp nhất quý II.2018, tổng tài sản của Sacombank đạt gần 401.000 tỷ đồng, tăng 8,7% so với đầu năm. Trong đó tỷ trọng tài sản có sinh lời tăng 3,5%; huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư tăng nhanh hơn mức tăng của ngành, đạt hơn 364.000 tỷ đồng, tăng 11,9% so với đầu năm. Thị phần huy động tăng từ 4,7% lên 4,9%.

Tổng tín dụng đạt hơn 247.000 tỷ đồng, tăng 9,6% so với đầu năm. Thị phần cho vay tăng lên 3,6% so với 3,5% thời điểm đầu năm.

Tổng thu nhập của Sacombank ghi nhận hơn 5.000 tỷ đồng, tăng 49,1% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, thu dịch vụ tiếp tục tăng trưởng tích cực, đạt 1.134 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ năm 2017. Các tỷ suất sinh lời đều cải thiện với ROA 0,4% và ROE 6,55%.

{keywords}
Sacombank tăng chi phí dự phòng rủi ro lên tới 514 tỷ đồng, gấp 6 lần cùng kỳ năm 2017 (Ảnh: I.T)

Tại Sacombank, sau năm 2017 xử lý được hơn 15.000 tỷ đồng nợ xấu, nửa đầu năm 2018 tiếp tục rốt ráo xử lý nợ xấu và trích lập dự phòng. Chỉ trong vòng nửa năm, khoảng 40 Nghị quyết, Quyết định của HĐQT đã được thông qua liên quan tới xử lý nợ xấu.

Ngân hàng cho biết đã thu hồi được hơn 3.600 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng, nợ xấu tại ngân hàng này cũng đã giảm từ mức 4,28% cuối năm 2017 xuống còn 3,3% và dự kiến giảm xuống dưới 3% cuối năm nay. Đẩy mạnh thu hồi nợ xấu, Sacombank cũng tăng chi phí dự phòng rủi ro lên tới 514 tỷ đồng, gấp 6 lần cùng kỳ. Chi phí dự phòng năm ngoái chỉ chiếm 13% lợi nhuận thuần thì năm nay lên tới 34%.

(Theo Dân Việt)

Từ cậu bé họ Dương phải đi 'ở đợ' trở thành đại gia Trầm Bê

Từ cậu bé họ Dương phải đi 'ở đợ' trở thành đại gia Trầm Bê

Nhà nghèo nên học hết lớp 3 tại Trà Vinh, ông Trầm Bê được gia đình cho đi "ở đợ" nhà người bà con có xưởng sản xuất chén nhựa ở Vũng Tàu.

Bí mật của ông Trầm Bê trong thương vụ cho vay 1.800 tỷ đồng

Bí mật của ông Trầm Bê trong thương vụ cho vay 1.800 tỷ đồng

Ông Trầm Bê đã sử dụng quyền của mình tại Sacombank chỉ đạo cấp dưới cho Phạm Công Danh vay 1.800 tỉ đồng gây thiệt hại nghiêm trọng.

Chỉ một thương vụ nhỏ, lộ tài sản khổng lồ của Trầm Bê

Chỉ một thương vụ nhỏ, lộ tài sản khổng lồ của Trầm Bê

Sacombank phải "bán đứt" khối tài khổng lồ liên quan tới Trầm Bê trong cùng một lần đấu giá.

Trầm Bê và Phạm Công Danh đã lũng đoạn các ngân hàng như thế nào?

Trầm Bê và Phạm Công Danh đã lũng đoạn các ngân hàng như thế nào?

46 bị can, phần lớn là nhân viên các ngân hàng Sacombank, TPBank, BIDV, bị truy tố trong giai đoạn 2 vụ án Phạm Công Danh.

Trầm Bê và 'phi vụ' cho Phạm Công Danh vay 1.700 tỷ đồng

Trầm Bê và 'phi vụ' cho Phạm Công Danh vay 1.700 tỷ đồng

Mặc dù không đủ điều kiện để vay với số tiền lớn, nhưng Trầm Bê đã “xé luật” để cho Phạm Công Danh được vay khoản tiền 1.700 tỉ đồng một cách chóng vánh.

Truy tố đại gia Trầm Bê gây thiệt hại 1.835 tỷ

Truy tố đại gia Trầm Bê gây thiệt hại 1.835 tỷ

Hồ sơ đã được chuyển đến VKSND Tối cao đề nghị truy tố bổ sung ông Trầm Bê (nguyên Phó chủ tịch Sacombank) và 21 bị can liên quan.

Trầm Bê - 'ông trùm' bí ẩn, chơi ngông khác người

Trầm Bê - 'ông trùm' bí ẩn, chơi ngông khác người

"Ông trùm" tài chính gốc Hoa Trầm Bê thuộc dạng siêu giàu ở Việt Nam nhưng rất kín tiếng, với những sở thích lạ đời, không giống ai.