Biên kịch đã tạo ra những tình huống khiến người xem khó chịu
Bộ phim Trạm cứu hộ trái tim đang đi dần đến những tập cuối cùng nhưng vẫn gây ra luồng tranh luận trái chiều từ người xem.
Độc giả Hồng Ánh cảm thán: “Tôi là fan của phim Việt và vô cùng mến mộ NSND Thu Hà cũng như Hồng Diễm nên không thể bỏ qua Trạm cứu hộ trái tim. Dù xác định đây chỉ là phim xem để giải trí mà nhiều lúc nặng cả đầu vì nhiều tình tiết gây ức chế. Nhiều khi tôi đặt câu hỏi: Trạm cứu hộ trái tim hay Trạm nhồi máu cơ tim mới đúng với tên gọi của phim? Vì qua mỗi tập, ít khi nào cơ mặt tôi được giãn ra bởi tình huống trong phim drama chồng drama còn hầu hết các nhân vật làm cho mình quá mệt mỏi”.
Bạn Bichnguyet nhận xét: “Nhìn các diễn viên trợn mắt, nhíu mày, nói như quát là mệt thêm, cả ngày đã mệt về xem phim giải trí mà thêm stress”.
Bạn Quynh Tran nêu vấn đề: “Trọng tâm của phim là gì vậy mọi người, nhân vật chính là ai? Chị Hà trong phim này hiền hay bị ngố mà chẳng có hành động nào tiêu biểu. Toàn có người giúp đỡ, không thấy giỏi giang ở đâu”.
Độc giả có số điện thoại 84985650... nhận xét: ''Tôi chưa bao giờ thích diễn viên Hồng Diễm dù mọi người nức nở khen. Bạn ấy thực sự gồng lên để diễn, phải cau mày nhăn mặt vào vai. Ví như danh hài Xuân Hinh diễn như không diễn. Các diễn viên thế hệ sau mà đạt được ngưỡng như Xuân Hinh chỉ có: Lan Phương, Bảo Thanh sau nữa Thanh Hương...''.
Độc giả Hoài Linh gợi ý: “Phim dần khép lại được rồi, lan man dễ gây ức chế người xem. Kể ra cho Tuấn pháp chế có con bị tim rồi nhờ ân nhân Vũ mổ. Tuấn thấy con mình như được tái sinh nên cần sám hối, không tham lam và làm việc tạo nghiệp nữa nên cung cấp bằng chứng của Nghĩa cho gia đình Ngân Hà thì hay hơn. Xuất hiện ông IT kia gượng ép quá”.
Sẽ đồng hành với ‘Trạm cứu hộ trái tim’ đến tập cuối cùng
Ở luồng ý kiến ngược lại, bạn đọc Đoàn Linh cho rằng: “Nhiều người vì nhập tâm vào phim quá mà chỉ trích Ngân Hà lây sang cả Hồng Diễm. Tóm lại ai chê cứ chê, ai bỏ xem phim cứ bỏ, tôi vẫn cứ là fan trung thành đồng hành với Trạm cứu hộ trái tim đến tập cuối cùng để xem phe chính diện thắng phe phản diện như thế nào”.
Bạn Nguyễn Mai Hằng thể hiện sự đồng cảm: “Đúng là khổ thân Hồng Diễm, đạo diễn đã tạo ra nhân vật thế nào, tính cách ra sao, số phận như vậy thì diễn viên phải hoàn thành nhiệm vụ”.
Độc giả Mai Minh nhấn mạnh: “Ngân Hà cũng vì tin chồng mà mất cơ nghiệp cũng là bình thường. Đàn bà khôn ngoan mấy khi có chồng cũng muốn dựa vào nên phải trả giá vì đặt niềm tin nhầm chỗ cũng là dễ hiểu. Cá nhân tôi thấy người xem có thể ý kiến cá nhân này nọ, nhưng khi gõ ra những dòng chữ có tính chất sát thương phải nhìn nhận thật kỹ lưỡng và đa chiều. Cần cân nhắc những gì mình viết ra có đủ khách quan không, đừng để tay nhanh hơn não mà bản thân lại bị người khác chê cười".
Bạn Khải Quang phản hồi: “Không nói về phim hay dở thế nào nhưng tôi thấy khán giả rất buồn cười. Nhân vật phản diện trên phim bị ghét là mong muốn của đạo diễn qua đó thấy diễn viên nhập vai tốt đáng ra phải được ca ngợi nhưng nhiều người ghét nhân vật trong phim rồi quay sang ghét diễn viên. Thật lạ lùng!”.
Đáng chú ý là phân tích chi tiết của độc giả Nguyễn Trung Hiếu: “Không ít khán giả và thậm chí cả truyền thông nhiều khi lẫn hoặc cố tình nhầm lẫn nhân vật và diễn viên. Khán giả có quyền bộc lộ cảm xúc nhưng việc đầu tiên phải nhớ mình không đại diện nhóm nào.
Trong điện ảnh có quá nhiều thể loại như hành động, võ thuật, tâm lý, phiêu lưu, sex, kinh dị, hài, ngôn tình, lịch sử, viễn tưởng... Mỗi thể loại sẽ đem lại cho khán giả các cung bậc cảm nhận khác nhau, đối tượng xem khác nhau. Một khán giả có thể thích nhiều thể loại, nhưng một thể loại không thể làm tất cả khán giả thích được.
Phim truyền hình Việt Nam đã tạo được nhiều dấu ấn, Trạm cứu hộ trái tim cũng vậy. Tôi không nói đến nội dung, nghệ thuật, mục đích, ý nghĩa của phim, tôi chỉ thấy buồn cười về cách bộc lộ cảm xúc của nhiều khán giả. Mà thôi một bộ phim khi công chiếu nhận được nhiều tranh cãi chứng tỏ đã thu hút sự quan tâm của công chúng”.
Thiên Di (tổng hợp)
Ảnh, clip: VTV