- Câu chuyện nợ xấu có vẻ đã lắng bớt trong dư luận nhưng thực chất, đằng sau đó là cả một thực tế không yên ả. Hệ thống ngân hàng đang hối hả xử lý nợ xấu để tự lo cho mình.


Nợ xấu tăng lên

Mịt mờ như “nợ xấu” của hệ thống ngân hàng. Đây là lời ví von của một chuyên gia khi nói về việc này. Quả thực, các thông tin về nợ xấu của ngân hàng đều vẫn đang khá là mịt mờ. Ngoài các con số nợ xấu chiếm khoảng 8,6%, ước lượng vào khoảng 202.000 tỷ đồng được chốt vào cuối quý I năm 2012, hầu như các thông tin khác về nợ xấu không có gì thêm.

Hiện tại, thời điểm đầu quý IV, quý cuối cùng của năm 2012, chắc chắn con số nợ xấu còn tăng cao nữa. Qua báo cáo kiểm sau soát xét của một số ngân hàng thương mại cổ phần niêm yết có thể thấy con số nợ xấu của các ngân hàng đều tăng, nhẹ nhàng thì như Sacombank, Eximbank, nặng thì tăng mạnh như Vietinbank, Vietcombank…

Tuy nhiên, tất cả các con số này đều cho thấy tỷ lệ nợ xấu nằm trong giới hạn an toàn khoảng dưới 4%. Trong khi đó, đây là những ngân hàng rất lớn với quy mô tín dụng cũng khổng lồ không kém. Vậy, con số chung 8,6% của cả hệ thống (mà là con số cuối quý I) sẽ do đâu? Do các ngân hàng thương mại còn lại nợ xấu khổng lồ? Hay do “báo cáo sai” tiếp tục được tung ra? Có lẽ, tình trạng giấu nợ xấu vẫn sẽ tiếp diễn và có lẽ cần NHNN phải mạnh tay xử lý các hành vi không trung thực trong cung cấp thông tin.

Ở đây, nợ gắn liền với khách hàng. Các đối tượng khách hàng của ngân hàng thương mại rất khác nhau, trong đó, tập trung quy về 4 nhóm khách hàng chính: khách hàng cá nhân, khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa, khách hàng doanh nghiệp lớn và khách hàng định chế tài chính. Cũng có thể chia các khách hàng theo thành phần sở hữu như doanh nghiệp nhà nước, công ty cổ phần…

Mỗi một đối tượng khách hàng sẽ có tài sản đảm bảo đặc thù khác nhau, tính chất trả nợ khác nhau… Nhưng chúng ta chưa có một con số cơ cấu nợ xấu cụ thể phân chia theo từng đối tượng khách hàng thì làm sao để xử lý? Con số cứ mịt mịt mờ mờ thì sẽ vô cùng khó khăn, nếu không muốn nói là xử lý nợ xấu sẽ như đi giữa biển.


Nợ xấu của khách hàng cá nhân sẽ xử lý theo chiều hướng khác, xử lý nợ xấu của doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ xử lý khác và nợ xấu của doanh nghiệp lớn cũng lại càng khác. Đặc biệt, nếu chia theo tính chất sở hữu, thì việc xử lý nợ xấu lại càng khác nhau giữa các đối tượng. Đặc biệt, việc xử lý nợ xấu với khối các doanh nghiệp nhà nước sẽ nan giải hơn nhiều so với các thành phần kinh tế khác.

Theo tính toán của TS. Đinh Tuấn Minh, con số nợ xấu của các doanh nghiệp nhà nước lên tới 200.000 tỷ đồng, trong đó, các nợ xấu của các tập đoàn kinh tế khoảng 153.000 tỷ đồng. Nếu con số này tin cậy được thì công cuộc xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng sẽ “bội phần khó khăn” vì các doanh nghiệp này dùng vốn nhà nước, tài sản nhà nước.

Vậy, việc sử dụng phương án bán tài sản đảm bảo chắc sẽ khó khả thi, còn các giải pháp khác như tái cơ cấu nợ, tham gia tái cơ cấu doanh nghiệp… sẽ rất mất thời gian. Chắc lúc đó, giải pháp khả thi sẽ là bán nợ cho công ty mua bán nợ do NHNN thành lập? Điều này lại tiếp tục phải cẩn trọng vì nó có thể sẽ là một con đường thất thoát vốn của nhà nước.

Xử nợ xấu để cứu mình

Tuy nhiên, các ngân hàng cũng đang “ngồi trên đống lửa”, phải hối hả xử lý nợ xấu. Việc này có thể dễ dàng thấy qua các hoạt động điều chuyển nhân sự của ngân hàng. Một số ngân hàng đã rất mạnh tay “trảm tướng, xử quân”. Thậm chí, cán bộ cao cấp của ngân hàng cũng bị ra tay thẳng thừng vì dính tới nợ xấu.

Đồng thời với đó, một số ngân hàng cũng đang tăng cường nguồn lực, điều động cả vài chục cán bộ từ các bộ phận khác nhau, tuyển dụng thêm nhân sự cho khối xử lý nợ.

“Ngân hàng là ngành đặc thù, danh tiếng rất quan trọng nên họ có đang cắm đầu cắm cổ, dốc toàn lực xử lý nợ cũng sẽ phải cố tạo ra vẻ thong thả. Tuy nhiên, lực của họ xử lý được đến đâu thì phải hạ hồi phân giải”, một chuyên gia nghiên cứu về ngành ngân hàng đã hài hước ví von.

Và có lẽ, các ngân hàng cũng đang “giật mình” nhận ra những thiếu sót trong các qui trình của mình nên nhiều ngân hàng đã siết rất chặt các điều kiện về cho vay, cũng như siết chặt mạnh mẽ, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ liên quan đến các vấn đề cho vay.

Có lẽ việc này cũng là hợp lẽ thường tình trước. Dẫu tuyên bố nợ xấu cao, nhưng hệ thống ngân hàng vẫn liên tục thông báo có lãi. Các chi phí xử lý nợ xấu (trong đó có cả các khoản trích lập dự phòng rủi ro) đều được ghi nhận vào chi phí của ngân hàng. Chính vì thế, các ngân hàng phải dùng lợi nhuận của mình ra trước để hạch toán cho đủ số phải bù đắp cho nợ xấu, đặc biệt là các khoản nợ nhóm 5. Biện pháp cứu trợ của nhà nước chỉ là “cực chẳng đã” và sẽ chỉ dùng đến khi các ngân hàng đã thua lỗ.

Đồng thời, có lẽ, NHNN cũng cần các biện pháp mạnh tay hơn xử lý các ngân hàng yếu kém, lòng vòng cho vay và thậm chí phải xử lý hình sự các hành vi gian dối trong các hoạt động ngân hàng.

Trần Anh Tuấn