- Không chỉ bị u não, chàng trai trẻ Tài Nam xuất hiện trong tập 3 "Hát mãi ước mơ" còn bị teo cơ, điếc tai, miệng méo. Tuy nhiên, Tài Nam luôn có một nghị lực sống phi thường, khiến cho Trấn Thành và Cẩm Ly phải xúc động.
Trong tập 3 "Hát mãi ước mơ", khán giả tiếp tục được lắng nghe những câu chuyện đầy éo le, nghịch cảnh đến từ các thí sinh của chương trình. Đến với chương trình trong vai trò khách mời, ca sĩ Nhật Tinh Anh gửi đến khán giả ca khúc "Gánh hàng rong".
Ca sĩ Nhật Tinh Anh là khách mời trong tập 3 Hát mãi ước mơ. |
Câu chuyện đầu tiên của tập 3 thuộc về chàng trai trẻ Nguyễn Tài Nam. Tài Nam sinh ra là một cậu bé bình thường, học tốt nhưng đến năm 8 tuổi anh bắt đầu nổi nhiều nốt lạ ở tay. Đến năm 12 tuổi, Tài Nam bị phát hiện bị u sợi thần kinh 2 dây số 8 trong não, không thể bóc ra được.
Chưa có cách điều trị, Tài Nam đành sống chung với căn bệnh lạ này. Căn bệnh u não ngày càng phát triển, khiến cho cơ thể Tài Nam sinh ra những u khối bã đậu ở bên ngoài, tháng nào cũng phải đi mổ. Tài Nam càng đau khổ hơn khi căn bệnh ngày càng trở nặng dẫn đến việc anh bị teo cơ, điếc tai, miệng méo.
Tấn Nam (giữa) và thí sinh Phượng Yến (phải). |
Tuy nhiên, Tài Nam không đầu hàng số phận, chàng trai trẻ tìm hiểu và biết rằng phải tập thể dục, tập thiền để vận động, duy trì cơ thể khỏe mạnh. Từ khi quyết tâm tập luyện, từ ngồi xe lăn, cậu đã có thể bước đi; từ không thể leo cầu thang, nay đã làm được. Tài Nam mơ ước soạn một bài hát, khi mất đi sẽ là món quà cảm ơn cho cha mẹ.
Phượng Yến chính là người bạn luôn ở bên cạnh động viên, giúp đỡ Tài Nam vượt qua nhiều giai đoạn khó khăn.Tham gia chương trình, Phượng Yến mong có một số tiền giúp Tài Nam tiếp tục cuộc chiến lâu dài với căn bệnh và mua cho bạn mình một chiếc máy trợ thính để Tài Nam có thể nghe được bài hát mình viết ra.
Chị Như Phượng hát cho anh Tường Long bị bệnh viêm cột sống dính khớp. |
Câu chuyện thứ 2 đến từ chị Như Phượng. Chị Phượng là người thường xuyên tham gia công tác xã hội ở địa phương. Trong thời gian công tác, chị biết được hoàn cảnh của anh Tường Long, 29 tuổi, là bảo vệ ở một bệnh viện. Theo lời chị Như Phượng, gia đình Tường Long ở cùng nhà bà ngoại trong căn nhà nhỏ xập xệ với hơn chục nhân khẩu. Cả gia đình hầu hết là lao động chân tay như thợ hồ, bảo vệ… Không những vậy, bà ngoại nằm liệt giường, mới mất hồi tháng 1, dì của anh sốt bại liệt từ nhỏ, em gái đang tuổi học hành, mẹ anh phải gồng gánh rất nhiều thứ.
Tuy nhiên, điều khiến chị trăn trở nhất chính là sau khi tốt nghiệp trung cấp Dược, chàng trai bị phát hiện mắc bệnh viêm cột sống dính khớp, nếu không may dính qua khớp háng có thể liệt không đi được. Khi nghe tin dữ, Tường Long từng nghĩ đến việc chấm dứt cuộc sống vì sợ trở thành một gánh nặng nữa cho mẹ. Bình tâm lại, Tường Long mong tiếp tục và nếu có chuyện gì xảy ra, anh sẽ hiến xác cho y học để các bác sĩ nghiên cứu, tìm ra nguyên nhân và cách chữa trị cho những người mắc cùng căn bệnh quái ác.
Thí sinh Vũ Thị Tươi (thứ 2 từ phải qua) cùng cô Kim Chung và 2 cháu. |
Tiếp đến là câu chuyện của cô Bùi Kim Chung, 62 tuổi, làm nghề lượm ve chai để nuôi hai đứa cháu mồ côi cha mẹ. Chồng cô mang bệnh cột sống nặng, lại nhiễm trùng máu không thể ăn uống, chỉ có thể uống sữa. Ba mẹ của hai đứa sinh đôi bị tai nạn giao thông rồi qua đời, bà ngoại tuổi đã lớn vẫn hàng ngày đi lượm ve chai với thu nhập vỏn vẹn 50, 60 nghìn đồng lo cho cả gia đình. Cô Kim Chung xúc động kể lại có ngày mưa gió, không lượm được gì, cô đẩy xe lên giữa cầu và có ý định buông tay nhảy xuống.
Thế nhưng, nhìn hai đứa cháu bé bỏng, cô lại không nỡ. Chị Vũ Thị Tươi, quê gốc Thanh Hóa, sinh ra và lớn lên trong cảnh nghèo khó đã quyết tâm khi lớn lên sẽ giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn khác. Trong một lần phát gạo, chị Tươi đã gặp được cô Kim Chung và xúc động với hoàn cảnh của cô. Chị Tươi đã quyết định tham gia chương trình để thi hát, đem đến cho cô Kim Chung một số tiền để cuộc sống phần nào đỡ vất vả hơn.
Câu chuyện cuối cùng trong đêm thi được kể bởi chàng trai trẻ Phạm Trần Vân Đăng, có sở thích vẽ và đang làm thiết kế đồ họa. Anh chàng tìm hiểu và biết được rằng, ở Sài Gòn hiện đại như thế vẫn còn một ông họa sĩ già, hàng ngày cặm cụi vẽ bảng hiệu bằng tay. Bản thân luôn mê mẩn với những nét hoài cổ, nhuộm màu thời gian nên Vân Đăng thường xuyên thăm hỏi.
Chàng trai trẻ Phạm Trần Vân Đăng hát cho chú Nguyễn Thế Minh là 1 nghệ sĩ vẽ bảng hiệu. |
Người họa sĩ ấy chính là chú Nguyễn Thế Minh, ngày trước hay sáng tác thơ nên lấy bút danh là Hoài Minh Phương, năm nay 67 tuổi. Với dáng vẻ đậm chất nghệ sĩ, chú buồn bã cho biết khoảng thời gian có máy in kỹ thuật số, cắt decal, nghề vẽ dần mai một như cuối mùa hoa nở. Chú kể nghề này cũng đem đến cho chú nhiều cảm xúc, đơn cử như khi đi trên đường, thấy cái bảng ngày xưa mình vẽ cách đây 10 năm lại thấy xao xuyến.
Cách đây không lâu, khi vẽ tranh trên ghế cao, chú mất thăng bằng và té ngang, gãy tay trái. Bà xã của chú Minh Phương lại đang bị suy tim, thu nhập của cả nhà rất bấp bênh. Vân Đăng rất quý và mong một nghệ sĩ vẽ bảng hiệu như chú vẫn sẽ duy trì đam mê để nghề vẽ tay không bị mai một. Chính vì điều này, anh chàng đã quyết định đăng kí tham gia chương trình để hát cho chú Minh.
Lưu Hằng
Fan phát sốt xem Mỹ Tâm hát live nhạc phim 'Tháng năm rực rỡ'
Mỹ Tâm đăng tải video tự đệm đàn piano và hát live ca khúc “Rực rỡ tháng năm” đầy cảm xúc được fan khen ngợi hay hơn cả bản thu âm.