Yên Bái là tỉnh miền núi kinh tế chậm phát triển, sản xuất nông nghiệp (SXNN) còn manh mún, tự phát và theo lối truyền thống... Do đó, dựa vào lợi thế của đất đai, các tiểu vùng khí hậu mà thiên nhiên ban tặng, trình độ canh tác của từng địa phương, tỉnh đã triển khai 9 đề án tái cơ cấu SXNN, nhằm tạo ra những sản phẩm chủ lực, chất lượng cao cho sự bứt phá SXNN lên một trình độ cao và hiệu quả hơn.
Một trong số đó là đề án phát triển trồng dâu nuôi tằm, tập trung tại các xã nằm dọc sông Hồng thuộc một số huyện. Tổng diện tích dâu của Yên Bái hiện có 717,1ha. Hết năm 2019 trồng mới 413,4ha, trong đó trồng theo đề án 291ha, dân tự trồng 122ha.
Nghề trồng dâu nuôi tằm mới phát triển ở Yên Bái trong khoảng hơn 10 năm trở lại đây, mỗi ha cho thu nhập từ 250 - 300 triệu. Đề án đưa các giống dâu có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất cùng công nghệ mới để thúc đẩy nghề trồng dâu nuôi tằm thành nghề hái ra tiền cho nông dân.
Huyện Trấn Yên là địa phương có diện tích trồng dâu nuôi tằm lớn nhất Yên Bái |
Trồng dâu nuôi tằm trên vùng đất Trần Yên
Huyện Trấn Yên là địa phương có diện tích trồng dâu nuôi tằm lớn nhất tỉnh. Đến nay huyện đã hình thành được vùng trồng dâu rộng lớn với quy mô 700 ha và gần 2.000 hộ nuôi tằm. Đến hết năm 2019, diện tích dâu toàn huyện tăng lên gấp 7 lần so với năm 2010, trong đó, đất lúa chuyển đổi sang trồng dâu chiếm khoảng 45% (315 ha); đất soi bãi chiếm khoảng 40% (280 ha) và đất đồi thấp chiếm khoảng 15% (trên 105 ha). Quy mô diện tích dâu trung bình từ 0,4 – 0,45 ha/hộ.
Sản lượng kén năm 2019 đạt 650 tấn; giá trị sản phẩm bình quân đạt từ 200- 250 triệu đồng/ha/năm, cao hơn so với trồng lúa hoặc cây rau màu khác từ 2,5-3 lần. Với giá kén tằm tương đối ổn định, lại được chính quyền địa phương các cấp động viên khuyến khích, hỗ trợ giống, vốn, kỹ thuật, nên người dân đã tích cực chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả, đất gò bãi sang trồng dâu chăn tằm.
Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật, năng suất lá dâu trung bình đạt 30-32 tấn/ha/năm, thậm chí 35-37 tấn/ha/năm với một số diện tích đầu tư thâm canh tốt. Bên cạnh đó, do hạn chế dùng thuốc bảo vệ thực vật đối với cây dâu, nên môi trường nông thôn ở các xã trồng dâu nuôi tằm trong huyện luôn trong lành.
Năm 2018 huyện mời CTCP dâu tằm tơ miền Bắc liên kết với các hộ trồng dâu nuôi tằm trên địa bàn huyện trong việc đầu tư nuôi tằm và tiêu thụ sản phẩm kén tằm thông qua các Tổ hợp tác và Hợp tác xã. Đến nay, toàn huyện đã thành lập được 85 Tổ hợp tác và 10 HTX trồng dâu nuôi tằm liên kết với công ty này.
Huyện đã hình thành vùng trồng dâu, nuôi tằm tập trung ở 10/20 xã. Bà con nông dân tích cực tham gia các Tổ hợp tác, HTX liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ kén tằm. Đặc biệt, các xã vùng trồng dâu nuôi tằm đều là xã về đích nông thôn sớm, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh và 90% số hộ trồng dâu nuôi tằm có nhà xây khang trang, sạch đẹp. Ví dụ năm 2019, xã Việt Thành tỷ lệ hộ nghèo giảm còn chỉ còn 0,84%, xã Đào Thịnh còn 2,54%,…
Hiện Trấn Yên đang tích cực phối hợp với CTCP dâu tằm tơ Miền Bắc hoàn thiện các thủ tục đầu tư xây dựng Nhà máy ươm tơ tự động. Dự kiến năm 2021 khi nhà máy này đi vào hoạt động sẽ góp phần nâng cao giá trị kén tằm trên địa bàn huyện, tạo mối liên kết bền vững trong đầu tư nuôi tằm, thu mua và chế biến sản phẩm kén tằm trên địa bàn huyện.
Có thể nói, trong gần 10 năm trở lại đây, từ khi huyện Trấn Yên có chủ trương phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm gắn với xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, sản xuất dâu tằm phát triển nhanh rõ rệt so với trước năm 2010; góp phần đưa Trấn Yên hình thành vùng sản xuất dâu tằm chủ lực tập trung, trở thành huyện miền núi đầu tiên của các tỉnh miền núi phía Bắc về đích nông thôn mới. Huyện phấn đấu đến năm 2025, diện tích trồng dâu nuôi tằm toàn huyện đạt trên 1.200 ha; sản lượng kén đạt trên 2.200 tấn, giá trị thu trên 300 tỷ đồng, nâng mức thu nhập của người trồng dâu nuôi tằm lên gấp 4 lần so với trồng lúa.
Duy Khánh
Ảnh: Phạm Thiện