Theo báo cáo Vietnam Digital 2024 của We Are Social (công ty chuyên phân tích mạng xã hội toàn cầu), Facebook và TikTok hiện dẫn đầu trong bảng xếp hạng các nền tảng mạng xã hội tại Việt Nam, lần lượt chiếm vị trí số 1 và số 5 về lượng người dùng hoạt động tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh sự tiện lợi và hấp dẫn mà các nền tảng này mang lại cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mà giới trẻ cần sớm nhận thức và có biện pháp phòng tránh kịp thời.
Số liệu thống kê cho thấy, tình hình lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam đang ngày càng nghiêm trọng. Trong 9 tháng đầu năm 2024, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) ghi nhận hơn 22.000 vụ lừa đảo qua mạng. Đặc biệt, trẻ em và thanh thiếu niên, những người chưa đủ kinh nghiệm và nhận thức để đối phó với các nguy cơ trở thành nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất.
Trước thực trạng này, đòi hỏi xã hội cần có những hành động quyết liệt để trang bị cho trẻ em những kiến thức và kỹ năng cần thiết để phòng tránh các rủi ro trên mạng.
Mới đây, Kaspersky đã phối hợp với Vietnet-ICT triển khai Chương trình Tập huấn nâng cao năng lực số và an toàn số, dành cho 150 giáo viên từ 135 trường tiểu học và trung học trên khắp Việt Nam. Sau khóa đào tạo, các giáo viên sẽ được trang bị nền tảng vững chắc về an ninh mạng. Từ đó hướng dẫn học sinh bảo vệ bản thân trong thế giới số.
Với kiến thức chuyên sâu về an ninh mạng, giáo viên sẽ giúp học sinh nhận diện các chiêu trò lừa đảo tinh vi, tránh xa những website độc hại và bảo vệ tài khoản cá nhân một cách hiệu quả. Không chỉ vậy, khóa đào tạo còn giúp rèn luyện tư duy cảnh giác, đồng thời tự tin hơn khi tham gia các hoạt động trực tuyến và trở thành người sử dụng mạng xã hội có trách nhiệm.
Đẩy mạnh giáo dục kỹ năng an ninh mạng
Theo báo cáo mới nhất của Datareportal, tính đến tháng 1/2024, Việt Nam có hơn 72 triệu người sử dụng mạng xã hội, tương đương với 73,3% tổng dân số.
Số lượng người từ 18 tuổi trở lên dùng các nền tảng mạng xã hội phổ biến tại Việt Nam đã có sự tăng trưởng đáng kể so với năm ngoái. Cụ thể, Facebook có 72,7 triệu người dùng, TikTok có 67,72 triệu người và YouTube là 63 triệu người.
Các chuyên gia đồng tình rằng, việc giáo dục về an ninh mạng cần bắt đầu từ sớm, ngay trong nhà trường. Các khóa đào tạo không chỉ giúp giáo viên tự tin hơn trong việc bảo vệ học sinh, mà còn khuyến khích họ truyền tải những kỹ năng này đến các em.
Báo cáo của Viện Nghiên cứu Báo chí Reuters (Anh) cho thấy, gần 60% người dùng mạng xã hội đã từng gặp phải tin tức giả mạo trên các nền tảng này. Việc tiếp xúc với nhiều video ngắn có nội dung độc hại, nguy hiểm sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển tâm sinh lý của trẻ em, hình thành những suy nghĩ và hành vi lệch lạc.
Để hạn chế tiếp xúc với các thông tin sai lệch, theo thạc sĩ Phạm Đình Thắng, chuyên gia đào tạo bảo mật của ECCouncil, chúng ta nên theo dõi các trang báo chí chính thống hoặc cơ quan nhà nước bởi các nội dung đã được kiểm chứng, giúp tránh hiểu sai về một vấn đề nào đó. Việc này còn giúp chúng ta không trở thành nạn nhân và chia sẻ nhầm các thông tin sai lệch, tin giả mạo, cắt ghép hình ảnh, nội dung.
Ngoài ra, để bảo vệ thông tin cá nhân khi sử dụng mạng xã hội, người dùng nên sử dụng mật khẩu mạnh và riêng biệt cho từng tài khoản. Đồng thời không chia sẻ thông tin tài chính, hình ảnh riêng tư… cho bất kỳ ai, đặc biệt là kích hoạt tính năng xác thực 2 lớp để bảo vệ tài khoản tốt hơn.
Ông Thắng cho rằng, khi sử dụng bất cứ nền tảng mạng xã hội nào, người dùng cũng nên trang bị các kiến thức cần thiết và kích hoạt các chức năng bảo mật sẵn có của nền tảng để tự bảo vệ chính mình.