Trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin và Internet hiện nay, mạng xã hội đang ngày càng phổ biến với hàng loạt nền tảng như: Facebook, Tiktok, WeChat, Instagram, Zalo… thu hút hàng trăm triệu người sử dụng. Đặc biệt đối với trẻ em biết nắm bắt xu hướng và linh hoạt với những tiến bộ của công nghệ thì việc sử dụng và đam mê mạng xã hội là không thể tránh khỏi.

Với khả năng kết nối mọi lúc, mọi nơi, với tất cả mọi người, mạng xã hội trở thành kênh giao lưu, trao đổi thông tin hữu hiệu, không chỉ giúp chúng ta cập nhật tin tức hàng ngày mà còn là nơi lưu giữ những ký ức đẹp, kết bạn, trò chuyện, học hỏi một cách hiệu quả; kết nối những con người có cùng sở thích và đam mê, vượt qua khoảng cách về không gian và thời gian.

Mạng xã hội cũng là nguồn cảm hứng để chia sẻ, là môi trường nhanh nhạy để cập nhật những xu hướng, kinh nghiệm hay trong học tập, là kênh giải trí tiện lợi của người dùng với nhiều tiện ích tích hợp như âm nhạc, phim ảnh, trò chơi…

Ảnh chụp Màn hình 2024 09 16 lúc 11.25.07.png
Học sinh Trường Tiểu hoc Hồ Tùng Mậu (Hưng Yên) thực hành trò chơi trên máy tính.

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích không thể phủ nhận, mạng xã hội cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro cho trẻ em khi tham gia môi trường mạng như: tiếp cận thông tin không phù hợp; tán phát thông tin riêng tư, thông tin cá nhân của trẻ; bị bát nạt, lôi kéo, dụ dỗ, quấy rối, lừa đảo, tống tiền, ép tham gia các hoạt động phi pháp, mại dâm, bị xâm hại tình dục...

Nhiều nghiên cứu cho thấy, không ít trẻ đã bị bắt nạt trên không gian mạng gây tâm lý bị tổn thương cho trẻ, thậm chí có nguy cơ dẫn đến trầm cảm. Trẻ có thói quen, hành vi xấu trên không gian mạng thường thực hiện hành vi đó trong đời sống hằng ngày, tiềm ẩn các vấn nạn xã hội về sau.

Để bảo vệ trẻ em trước những nguy cơ trên, cha mẹ, thầy cô, người chăm sóc trẻ cần trang bị kiến thức, hướng dẫn kỹ năng cho trẻ cách xử lý các tình huống gặp phải phù hợp với lứa tuổi, đồng thời theo dõi, giám sát chặt chẽ hoạt động của con trẻ khi trẻ tham gia môi trường mạng. Nâng cao nhận thức cho trẻ về việc sử dụng Internet, mạng xã hội an toàn.

Hiện nay, các mạng xã hội đều có các tiêu chuẩn cộng đồng quy định độ tuổi trẻ được sử dụng mạng xã hội. Ví dụ đa phần các mạng xã hội quy định độ tuổi được phép sử dụng là 13 tuổi, song rất nhiều bố mẹ không để ý đến các quy định này nên đó là nguyên nhân đầu tiên trẻ thường tiếp cận thông tin không phù hợp. Vì vậy, quan trọng nhất là nhận thức “Chỉ có trẻ sử dụng khi đủ tuổi và thường xuyên phải chia sẻ cho con các rủi ro con có thể gặp phải và cách đối phó.”

Theo dõi, quản lý chặt chẽ việc sử dụng máy tính, thiết bị mạng của con trẻ và thiết lập các tính năng giúp trẻ an toàn. Ví dụ đối với trẻ em khi sử dụng Youtube hay cho trẻ sử dụng Youtube Kid hoặc nếu bắt buộc phải sử dụng Youtube hãy vào phần cài đặt chọn chế độ, kích hoạt chế độ hạn chế hoặc khi sử dụng nền tảng mạng xã hội như: Facebook, Tiktok, Zalo… hãy dạy trẻ sử dụng chế độ riêng tư và cài đặt an toàn…

Trang bị các giải pháp bảo vệ an toàn thông tin cho gia đình, như: các phần mềm phòng chống mã độc, virus, các giải pháp chặn lọc thông tin xấu, sản phẩm giám sát và ngăn chặn các thông tin độc hại khi con cái truy cập. Một số phần mềm miễn phí, ví dụ Cyberpurify Kid có thể cài đặt trên add on trình duyệt; khi cài đặt phần mềm này thì có thể chặn lọc các nội dung độc hại tự động theo phương thức làm mờ hoặc chuyển hướng. Hoặc có thể cài đặt các ứng dụng như Mobile Guard; Google Family Link; Kaperskysafe Kid.

Trong trường hợp có quá nhiều thiết bị sử dụng ở nhà thì có thể chọn giải pháp kiểm soát chỉ thông qua 1 thiết bị wifi như giải pháp Safegate Family của SCS hay Cyberpurify Egg của Cyberpurify…

Giám sát sát sao những nội dung mà con trẻ đang tiếp cận trên không gian mạng; quan tâm nhiều hơn đến cảm xúc của trẻ, tạo điều kiện cho con được tham gia các hoạt động ngoại khóa, vui chơi, giải trí lành mạnh… để hạn chế việc trẻ nhỏ tìm đến các nội dung giải trí trên mạng.

Cha mẹ, người chăm sóc trẻ lưu ý: Điều quan trọng nhất vẫn là trang bị cho trẻ những kiến thức, kinh nghiệm sử dụng mạng an toàn có thể coi như là “Vắc xin số” để trẻ em có thể tự bảo vệ, tự phát triển an toàn lành mạnh trên môi trường mạng.