Là tỉnh duy nhất của cả nước được đánh giá như Việt Nam thu nhỏ, tỉnh Quảng Ninh hội tụ đầy đủ các điều kiện tự nhiên cho phát triển Kinh tế – Văn hóa – Xã hội mang tính đặc thù, có rừng, biển, tài nguyên khoáng sản, di sản thiên nhiên thế giới.
Hiện nay, toàn tỉnh với 13 đơn vị hành chính cấp huyện có hạt nhân là 13 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 69%, đứng thứ 5 cả nước. Phân cấp đô thị phân bố khá hài hòa: Một đô thị loại I là thành phố Hạ Long; 03 đô thị loại II là Móng Cái, Cẩm Phả và Uông Bí; 02 đô thị loại III là các thị xã: Quảng Yên, Đông Triều; 03 đô thị loại IV là các thị trấn: Tiên Yên, Quảng Hà, Cái Rồng; 04 đô thị loại V là các thị trấn: Bình Liêu, Ba Chẽ, Đầm Hà, Cô Tô.
Hướng tới năm 2030, đặt ra mục tiêu hình thành: 04 đô thị loại I là Hạ Long, Uông Bí, Cẩm Phả và Móng Cái (Hải Hà sáp nhập vào Móng Cái); 03 đô thị loại II là Quảng Yên, Đông Triều và Vân Đồn; 01 đô thị loại III là thị xã Tiên Yên; 03 đô thị loại IV là thị trấn Cô Tô, thị trấn Đầm Hà và thị trấn Bình Liêu – Đồng Văn; 01 thị trấn loại V là Ba Chẽ.
Góp bàn về kiến trúc của tỉnh Quảng Ninh, theo KTS Phan Đăng Sơn – Chủ tịch Hội KTS Việt Nam, tại các đô thị, bắt đầu từ khi quy hoạch phải có thiết kế đô thị với định hình khống chế không gian kiến trúc rõ ràng theo yêu cầu khung cụ thể.
Việc tôn trọng hiện trạng về hình thái kiến trúc và hạ tầng cơ sở đối với các vùng lịch sử, làng xóm cổ truyền trong đô thị cần đặt ra và giải quyết thấu đáo, bao gồm kết hợp tính nguyên trạng và chỉnh trang đáp ứng mới, tuyệt đối tránh kiến trúc có hình thái phá vỡ không gian một cách tiêu cực và xây chen, nâng tầng. Ưu tiên quy hoạch dồn theo tầng cao để dành nhiều đất phát triển cây xanh, và các không gian ngoài trời cho chung tiện ích cộng đồng. Cần ban hành và quản lý theo quy chế kiến trúc, quy chế này phải càng cụ thể để khống chế hình thái, mật độ, tầng cao kiến trúc càng tốt. Cần nghiên cứu để áp dụng hài hòa tính tương đồng và yêu cầu riêng cho các đô thị khác nhau, các vùng khác nhau của từng đô thị.
Tại các vùng nông thôn, KTS Phan Đăng Sơn cho rằng, cũng cần có chế tài về kiến trúc rõ ràng, phải ban hành và quản lý theo quy chế quản lý kiến trúc. Tránh phát triển kiến trúc theo kiểu tự do trăm hoa đua nở. Phát triển kiến trúc nông thôn toàn tỉnh nên có những kiểu nhà được khuyến khích, thậm chí bắt buộc vận dụng. Kiến trúc nông thôn với các thể loại công trình công cộng, dùng chung cũng không nên cho xây dựng tùy ý tự do, mà yêu cầu có thiết kế đầy đủ rõ ràng theo các khung hướng dẫn cụ thể. Chú trọng bảo tồn tôn tạo các di sản kiến trúc truyền thống ở từng vùng miền. Nông thôn phát triển kiến trúc quy hoạch phải gắn với môi trường được đảm bảo an toàn, sáng – xanh – sạch – đẹp, có khả năng tăng thu hút du lịch dịch vụ.