Cổng thông tin điện tử Chính phủ vừa tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử", nêu những thành tựu và khó khăn, cộng với những giải pháp nhằm tránh thất thu thuế trên thương mại điện tử nói riêng và các nền tảng Internet nói chung.

Đối với việc thu thuế trên thương mại điện tử, các chuyên gia cho rằng cơ sở pháp lý đã cơ bản đầy đủ. Tuy vậy, việc thực thi thu thuế vẫn còn nhiều khó khăn. 

Giải pháp quan trọng nhất là phối hợp giữa các bộ ngành để chia sẻ dữ liệu, phối hợp rà soát các đối tượng chịu thuế, đồng thời kiện toàn quy định để bao quát các đối tượng phải nộp thuế. Dù vậy, việc thu thuế phải đảm bảo không ảnh hưởng phong trào khởi nghiệp, không tạo rào cản cho phát triển thương mại điện tử.

Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân (Tổng cục Thuế - Bộ Tài Chính), cho hay quy định pháp luật hiện nay đã đầy đủ về việc cá nhân, tổ chức kinh doanh trên mạng phải chịu thuế. 

Trong đó, người kinh doanh phải có nhiệm vụ kê khai thuế đầy đủ. Cơ quan thuế có trách nhiệm hướng dẫn kê khai, thực hiện đúng theo quy định pháp luật. 

Nếu cá nhân, tổ chức kinh doanh không kê khai nộp thuế, cơ quan thuế sẽ có biện pháp chế tài như thanh tra, xử phạt. Nếu phát hiện hành vi vi phạm pháp luật, ví dụ trốn thuế, thì sẽ chuyển sang các cơ quan chức năng để điều tra.

Từ trái qua: Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, bà Nguyễn Thị Minh Huyền, GS.TS. Hoàng Văn Cường, bà Nguyễn Thị Lan Anh. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Nhiều biện pháp kịp thời, song vẫn tồn tại khó khăn

Đại diện cơ quan thuế cho biết đang thực hiện đồng bộ các biện pháp gồm tuyên truyền, hướng dẫn tự kê khai thuế, và phối hợp kiện toàn hành lang pháp lý về thuế. 

Hiện nay các nền tảng nước ngoài đã có cổng online để thực hiện kê khai thuế. Ngoài ra, các quy định mới tăng cường trách nhiệm của sàn thương mại điện tử trong việc kê khai nộp thuế thay cho cá nhân kinh doanh trên sàn, hoặc cung cấp thông tin cho cơ quan thuế để thực hiện thu thuế.

Phía Tổng cục Thuế cũng xây dựng hệ thống quản lý thuế thông minh, kết nối ban ngành, hướng tới kết nối các sàn thương mại điện tử để cá nhân kinh doanh dễ kê khai nộp thuế. Bên cạnh đó, cơ quan này xây dựng hệ thống AI để quản lý dữ liệu, đưa ra các cảnh báo nhằm thực hiện việc rà soát thu thuế hiệu quả hơn. 

Bà Nguyễn Thị Lan Anh. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Mặc dù vậy, cơ quan này thừa nhận còn nhiều khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ. Đây là những khó khăn đặc thù các nước đều gặp phải với các mô hình kinh doanh mới, không riêng Việt Nam.

Chẳng hạn, mỗi cá nhân và tổ chức kinh doanh trên nhiều nền tảng khác nhau, do đó khó xác định đầy đủ nguồn thu và đối tượng. Cũng khó xác định các loại thu nhập: ví dụ thu nhập bao gồm cả phí dịch vụ hay phí bản quyền, dẫn đến việc khó phân tách khoản tính thuế. Cơ quan thuế cũng không thể kiểm soát toàn bộ giao dịch của người kinh doanh trên các nền tảng khác nhau để tính thuế.

Ngoài ra, dòng tiền giao dịch không chỉ qua ngân hàng mà còn thu tại chỗ (COD) nên cơ quan thuế cũng không thể theo dõi được hết.

Để giải quyết những khó khăn trên, GS.TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính-Ngân sách Quốc hội, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, nêu một số kinh nghiệm các nước đã áp dụng.

GS.TS. Hoàng Văn Cường. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Theo ông, quan trọng nhất là phải củng cố nền tảng pháp luật để thực hiện các biện pháp pháp lý. Do các nền tảng đều kinh doanh qua mạng, do đó pháp luật nên có quy định tính thuế dựa trên nơi có diễn ra hoạt động kinh tế. Chẳng hạn các nền tảng ở nước ngoài, không có đại diện tại Việt Nam nhưng phải tuân thủ pháp luật sở tại vì có hoạt động kinh doanh trong nước. Tuy nhiên, quy định pháp luật cũng cần theo thông lệ quốc tế.

Ngoài ra, cần xây dựng hệ thống thông tin trên nền tảng số. Cần có các công cụ như trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu lớn để tìm ra các hành vi giao dịch trên mạng. Sau đó, xây dựng cơ sở pháp luật để cơ quan thuế được truy cập dữ liệu này.

Tiếp đến, nên thành lập tổ chức liên ngành trên mạng, gồm nhiều cơ quan khác nhau - thuế, ngân hàng, thông tin và truyền thông, công thương - để phối hợp thực hiện việc quản lý nộp thuế.

Cuối cùng, GS.TS Hoàng Văn Cường cho rằng hợp tác quốc tế cực kỳ quan trọng để tránh chuyển giá, chuyển thuế.

Tránh thất thu thuế nhưng phải bảo đảm môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp

Một thực tế là các nền tảng kinh doanh thương mại điện tử, nhất là các bên cung cấp dịch vụ xuyên biên giới, đều không hiện diện tại Việt Nam để thực hiện nghĩa vụ thuế.

Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Trưởng phòng Thông tin điện tử, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) cho rằng đã có cơ sở pháp lý đầy đủ về việc quản lý và thu thuế đối với các nền tảng xuyên biên giới. Hiện nay, Facebook, Google, Netflix, TikTok,... đều đã đóng thuế nhà thầu.

Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền. (Ảnh VGP/Nhật Bắc)

Để đẩy mạnh thu thuế hiệu quả cần có sự phối hợp các bộ ngành trong việc giám sát hiệu quả hoạt động kinh doanh của các tổ chức cung cấp dịch vụ. Trong đó, cần có sự tham gia của phía ngân hàng để rà soát, kiểm tra các khoản giao dịch.

Để đối soát xem các doanh nghiệp có kê khai chính xác hay không, các bộ ngành cần hợp tác chia sẻ dữ liệu. Tuy nhiên, việc kết nối, liên thông dữ liệu cần có thời gian để các đơn vị hoàn thành.

Bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đồng tình với việc cần có sự phối hợp giữa các bộ ngành. 

Bà Nguyễn Thị Minh Huyền. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Bà tiếp tục nêu vai trò quan trọng của việc quản lý dòng tiền giao dịch. Bên cạnh việc dùng trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn để rà soát, cần có được sự quản lý dòng tiền để đối chiếu. Việc này giúp tạo cơ sở rà soát tính trung thực của bên kê khai thuế.

Trên thực tế, GS.TS. Hoàng Văn Cường nhận định khuôn khổ pháp luật đã có đầy đủ để thực thi nguyên tắc thu thuế trên các nền tảng trực tuyến. 

Việc chia sẻ dữ liệu giữa các bộ ngành rất cần thiết, song cần phân quyền để xem ai được sử dụng dữ liệu nào, nhằm tránh việc vi phạm quyền dữ liệu riêng tư cá nhân. 

Ngoài ra, các biện pháp thu thuế cần đảm bảo tính phổ quát, bình đẳng, tránh những biện pháp không hài hoà dẫn đến ảnh hưởng phong trào khởi nghiệp, gây khó khăn cho doanh nghiệp kinh doanh.

Phía Tổng cục Thuế cũng đồng ý với nhận định này. Bà Lan Anh cho hay các bộ hiện rất tích cực phối hợp nhằm tạo ra khung pháp lý đúng đắn, đảm bảo tránh thất thu thuế nhưng không phản cảm, gây cản trở phát triển thương mại điện tử.